Chiến sĩ giao liên Việt Nam ở Trung Quốc
Là thiếu niên yêu nước được Bác Hồ đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo, bà Lý Phương Đức đã trở thành chiến sĩ giao liên, đóng góp hết mình cho cách mạng cũng như tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.

Bà Lý Phương Đức (mặc áo dài phía sau) cùng đoàn học sinh Việt Nam học Trường quân sự Hoàng Phố và một số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái khoảng năm 1925-1927. (Nguồn: Sách ảnh Bác Hồ với Quảng Đông - Trung Quốc)
Bà Lý Phương Đức (Nguyễn Thị Đức) sinh năm 1909 tại Thái Lan (Xiêm), là con gái của cụ Cựu Tuấn. Được bố mẹ dạy bảo, giáo dục từ nhỏ nên đã có lòng yêu nước cộng thêm sự thông minh, hiếu học, bà Đức lớn lên trong khu làng người Việt Nam yêu nước tại Xiêm.
Người cha nơi đất khách
Năm 1924, Bác Hồ hoạt động tại miền Đông Bắc Xiêm, gặp các cụ Cựu Tuấn và cụ Đặng Thúc Hứa là hai người đứng đầu bản làng người Việt, Bác đề nghị bà con yêu nước cho con em mình sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập rèn luyện và hoạt động trong phong trào cách mạng. Lời hiệu triệu này của Bác Hồ được bà con Việt Nam hưởng ứng.
Năm 1925, Bác Hồ phái cán bộ đưa sáu thiếu niên sang Quảng Châu tham gia hoạt động. Khi đến Quảng Châu do Bác Hồ đang dùng tên Lý Thụy, bác đổi họ các cháu sang họ “Lý” để theo Bác làm cách mạng. Sáu thiếu niên, bao gồm Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Lý Tự Trọng, Lý Trí Thông, Lý Thúc Chắt, Lý Thúc Tợ, đều sinh hoạt trong Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, được Bác Hồ trực tiếp bồi dưỡng và giao nhiệm vụ.
Trong hồi ký viết tại Hà Nội năm 1979, bà Lý Phương Đức kể về lần đầu gặp Bác Hồ như gặp một người cha hiền hậu với dáng người thanh thanh, gầy, trán cao, mắt sáng tinh anh, niềm nở, miệng cứ tủm tỉm cười hóm hỉnh. Bà vẫn nhớ như in, Bác rất quan tâm, lo lắng, hỏi tỉ mỉ các thiếu niên về sức khỏe, chuyến đi và cảm nhận khi mới tới Quảng Châu.
“Bác đặc biệt thương mến trẻ em. Chúng tôi vừa chân ướt chân ráo đến nơi đất khách quê người vẫn còn bao tình cảm lưu luyến gia đình. Nhưng may thay được gặp Bác, Bác đã cho chúng tôi cảm nhận được lòng thương yêu vô hạn, làm chúng tôi rất phấn khởi”, bà Đức viết.
Sau khi thu xếp nơi ăn chốn nghỉ cho các em. Ít ngày sau, Bác liên hệ với các đồng chí ở Quảng Châu đưa cả nhóm vào học tại Trường Trung Sơn đại học phụ tiểu, lớp dành cho các em thiếu nhi vừa học vừa rèn luyện, trong thực tế để đào tạo cán bộ tương lai cho cách mạng.
Bà Lý Phương Đức nhớ lại mỗi ngày cuối tuần, Bác lại cho lớp thiếu niên Cộng sản đi thăm các bạn quốc tế và câu lạc bộ quốc tế, nghe lời dạy bảo của các bậc lãnh đạo. Càng gần Bác, các em thiếu niên càng học được nhiều nếp sống và tư tưởng của Bác. Thông qua học tập và thực tiễn tham gia các hoạt động chính trị trong quần chúng, chính trị tư tưởng của bà Lý Phương Đức cũng như các thiếu niên tiến bộ rất nhanh.
Trưởng thành nhờ cách mạng
Tháng 5/1926, bà Lý Phương Đức cùng một số bạn khác được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Vừa học tập, bà vừa được Bác giao thêm nhiệm vụ tham gia in và phân phát báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội, do Bác Hồ chủ biên. Bên cạnh đó, bà còn tham gia phân phát truyền đơn, treo cờ, dán biểu ngữ, tham dự mít tinh, tuần hành thị uy trong không khí sôi sục ở Quảng Châu.
Tháng 1/1927, bà Lý Phương Đức được Bác giới thiệu vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng bộ tỉnh Quảng Đông, phân bộ Quảng Châu. Năm 1928, cơ sở Đảng chuyển sang Hong Kong. Bà Lý Phương Đức được tổ chức giao nhiệm vụ đặc biệt làm giao liên cho Bác Hồ.
Hàng ngày, với bộ đồng phục nữ sinh trung học, tóc cắt ngắn, nói thạo tiếng Quảng Đông và một ít tiếng Anh, bà Lý Phương Đức, dưới cái mác một “cô gái xinh đẹp lười học”, rong ruổi trên đường bộ cho đến ngồi thuyển sang sông, trong cặp sách đầy tài liệu bí mật. Suốt quá trình công tác bí mật dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, bà Lý Phương Đức đã gặp nhiều tình huống khó khăn, nguy hiểm, nhưng bà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 1930, bà Lý Phương Đức được Bác phái đến Thượng Hải phụ trách công vận, phụ vận và binh vận. Nhiệm vụ giao liên của bà ở Hong Kong được bàn giao lại cho bà Nguyễn Thị Minh Khai.
Thỉnh thoảng, Bác đến Thượng Hải kiểm tra công tác và chỉ thị cho bà Lý Phương Đức những nhiệm vụ tiếp theo. Đầu năm 1931, Bác đi cùng đồng chí Trần Phú đến Thượng Hải. Đây là lần cuối cùng bà Lý Phương Đức được gặp Bác…
“Mỗi lần Bác đến, tôi đều tự tay nấu cơm mời Bác ăn no. Càng thương nhớ, kính trọng Bác, tôi càng quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng của Bác”, bà Lý Phương Đức viết trong hồi ký.
Tháng 5/1931, bà bị địch bắt tại Thượng Hải. Trải qua mọi cực hình tra tấn, kẻ địch vẫn không thể lay chuyển được ý chí cách mạng của bà. Cuối cùng, do không đủ tội danh, bà được thả tự do. Sau đó, bà làm giáo viên dạy học. Năm 1949, Cách mạng Trung Quốc thành công, bà Lý Phương Đức về Quảng Châu dạy học. Đồng thời, bà nhiệt tình tham gia và phụ trách công tác Việt kiều, làm cầu nối giữa Tổng lãnh sự quán và bà con Việt kiều tại Quảng Châu, chăm lo cho bà con, giúp họ tìm người thân trong nước, giới thiệu việc làm, tổ chức sinh hoạt giao lưu thông tin về Tổ quốc Việt Nam, qua đó góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước.
Năm 1976, bà Lý Phương Đức cùng con cháu hồi hương về nước, sống những năm tháng cuối đời ấp áp, trọn vẹn tại Hà Nội. Năm 1986 bà về cõi vĩnh hằng để gặp lại người cha Lý Thụy đáng kính. Trong cuốn hồi ký, bà lấy tên Lý Phương Đức, con cháu Lý Thụy - Chủ tịch Hồ Chí Minh.