Chiến lược Dân số Việt Nam - 'Đòn bẩy' nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm chỉ đạo là quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các hoạt động truyền thông, hội thảo góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động truyền thông, hội thảo góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số của tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức: Ninh Bình là tỉnh thuộc nhóm 33 tỉnh có mức sinh cao trong toàn quốc; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng ởhầu hết các địa phương trong tỉnh; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn cao so với ngưỡng quy luật tự nhiên; chất lượng dân số từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn chậm; lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả; dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng; tổ chức bộ máy làm công tác dân số biến động, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách, kế hoạch, đề án về công tác dân số phù hợp với định hướng của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Ninh Bình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Tập huấn nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng hệ thống thông tin hậu cần cho cán bộ phụ trách quản lý hậu cần phương tiện tránh thai cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng hệ thống thông tin hậu cần cho cán bộ phụ trách quản lý hậu cần phương tiện tránh thai cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Ninh Bình đề ra 8 mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: Đưa mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế,giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng dân số dân tộc Mường trên địa bàn. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Nâng cao chất lượng dân số. Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về dân cư của tỉnh, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, bền vững. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh, Sở Y tế về công tác dân số, trong những năm qua, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã chú trọng củng cố mạng lưới dân số và kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số các cấp; tham mưu và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cung cấp các dịch vụ về dân số - KHHGĐ tại các cơ sở y tế.

Chi cục cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các nhà trường trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động cung cấp kiến thức, cập nhật thông tin về dân số cho cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên...

Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng cơ điện, xây dựng Việt Xô (thành phố Tam Điệp) tổ chức lớp cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng cơ điện, xây dựng Việt Xô (thành phố Tam Điệp) tổ chức lớp cung cấp thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dân số trong thời gian tới là đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số và phát triển. Theo đó, tập trung truyền thông vào các nội dung: vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Bên cạnh đó, chú trọng truyền thông về nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao; đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống trong thế hệ trẻ.

Ngoài ra, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giảng dạy các kiến thức về dân số và phát triển cho học sinh, sinh viên trong các môn học có liên quan. Các địa phương đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, giúp mọi người có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam, chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Tổ chức các hoạt động trong Chương trình “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tổ chức các hoạt động trong Chương trình “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thời gian qua, thông qua việc ký kết chương trình phối hợp truyền thông giữa Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị như: Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh..., công tác truyền thông về dân số và phát triển được tăng cường, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Các chương trình phối hợp truyền thông đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho từng nhóm đối tượng về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 8/10/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Ninh Bình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Kết quả đến năm 2023, toàn tỉnh có 78,8% phụ nữ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh; 79,04% trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh; tỷ số giới tính khi sinh 114,3 bé trai/100 bé gái; tuổi thọ trung bình 74,4 tuổi...

Trên địa bàn tỉnh, 9 tháng năm 2024, ước số trẻ sinh ra là 8.225 trẻ; tỷ số giới tính khi sinh là 116,73 trẻ em trai/100 trẻ em gái; bà mẹ mang thai được sàng lọc ước đạt 75,10% (kế hoạch giao năm 2024 là 73%); ước 6.652/8.225 trẻ em được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh, đạt 80,88%; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 39.733 ca/40.000 ca, đạt 99,33% so với kế hoạch tỉnh giao.

Phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 111 bé trai/100 bé gái sinh ra; 70% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 50% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 74,5 tuổi; tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 25%; 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn tỉnh...

Để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, ngành Y tế đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hơn vai trò quan trọng của việc điều chỉnh mức sinh, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các địa phương và duy trì mức sinh thay thế, góp phần ổn định quy mô dân số, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng dân số và nguồn lực cho phát triển ở mỗi địa phương và trong toàn tỉnh.

Khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.

Khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới và mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chuyển trọng tâm chính sách về quy mô dân số từ nỗ lực giảm sinh sang đạt và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động phù hợp đối với từng khu vực có mức sinh khác nhau.

Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh ký kết chương trình phối hợp.

Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh ký kết chương trình phối hợp.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh Ninh Bình về Quy định chính sách hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan. Thường xuyên đào tạo, tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên dân số, chú trọng tuyên truyền, vận động các gia đình sinh đủ hai con và tham gia cung cấp một số dịch vụ tới tận hộ gia đình...

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chien-luoc-dan-so-viet-nam-don-bay-nang-cao-hieu-qua-cong-946740.htm
Zalo