Chiến dịch cuối cùng của Suleiman vĩ đại

Cuối cùng, vào ngày 5 tháng 8, Suleiman đến được Szeged, nơi có 90.000 người và 300 khẩu đại bác đang chờ đợi ông.

Suleiman đã không đích thân dẫn đầu một cuộc viễn chinh nào trong suốt hơn mười năm. Người Hồi giáo đã khiển trách ông về điều này: nhiệm vụ đầu tiên của chiến binh gazi, người kế vị các lãnh đạo chính trị tối cao, là chống lại những kẻ ngoại đạo. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là điều mà cô con gái ngoan đạo Mihrimah của ông cũng như các tộc trưởng và lãnh đạo tôn giáo trong đoàn tùy tùng của ông đã nói với ông.

Những thông tin mà họ nhận được cho thấy rõ hệ thống phòng thủ do lực lượng Thánh chế La Mã xây dựng rất yếu. Thống đốc Buda nói rằng Quốc vương sẽ không phải chiến đấu gì hết - ngay khi ông xuất hiện, các thành phố đều sẽ đầu hàng ông. Trên hết, Suleiman muốn xóa nhòa ký ức về thất bại ở Malta bằng một chiến thắng nhanh chóng và áp đảo trước những người theo đạo Cơ đốc.

Lễ ra quân lần này còn xa hoa, hoành tráng hơn thường lệ. “Màn trình diễn của ông ấy nổi trội hơn tất cả những gì chúng tôi từng chứng kiến trong những cuộc viễn chinh trước đây.” Trước khi đám rước rời đi, “các nhà thơ đã ca ngợi trước về những chiến công vĩ đại của Vương chủ vĩ đại của thế giới”.

 Tranh vẽ Suleiman cầm quân ra trận. Ảnh: Ancient Origins.

Tranh vẽ Suleiman cầm quân ra trận. Ảnh: Ancient Origins.

Vị quốc vương, lúc này đã trở thành một ông già, rời Istanbul vào ngày 1 tháng 5 năm 1566 và không bao giờ nhìn thấy nơi này lần nào nữa. Một bức tranh cho thấy ông với đôi má hóp và bộ râu trắng thưa thớt.

Một bức chân dung khác miêu tả ông với dáng người gầy gò và còng lưng, trông ông già hơn so với tuổi 70 mà ông vừa bước sang. Ông không còn sức để cưỡi ngựa và phải ngồi trên một chiếc xe ngựa trong chuyến hành trình dài từ Bosphorus đến Belgrade trong bốn mươi chín ngày. Đường đi gập ghềnh đến nỗi Đại Tể tướng, người đã đi trước một ngày, buộc phải tu sửa bằng hết khả năng có thể. Suleiman bị bệnh gút nặng đến mức ông phải ở lại trong xe ngựa để tiếp đón các tể tướng của mình.

Bước tiến của quân đội một lần nữa lại bị trì hoãn do thời tiết xấu. Những cơn mưa xối xả làm nước sông dâng cao và đường sá đổ nát. Những cây cầu vừa mới được xây dựng đã bị cuốn trôi. Quốc vương phải chịu đựng những cú xóc liên tục, nhưng ông kiên quyết không chịu dừng lại. Hầu như không có lấy một ngày nghỉ ngơi nào ở Sofia, hai ngày ở Niš cũng không và cả ba ngày ở Belgrade lại càng không. Càng về sau, khó khăn càng chồng chất. Nhiều con lạc đà mang hành lý đã bị chết đuối. Quốc vương thậm chí còn phải ngủ một đêm trong lều của Đại Tể tướng, vì lều của ông không thể dựng lên được.

Cuối cùng, họ đã vượt qua sông Danube và tiến vào Zemun ở hữu ngạn trong sự trang nghiêm, và nhà vua duyệt binh lại. Ông chào đón John-Sigismund, cùng với bốn mươi quý tộc Transylvania, với nghi lễ trang trọng. Đi trước là Đại quan thị thần, Đại soái trong triều và ba người Quản lễ, bốn thị đồng mặc áo dệt bằng sợi vàng và mang kiệu ngựa của vị hoàng tử trẻ. Phía trước anh là 100 lính bộ binh Porte mang theo những món quà mà anh dâng lên Vương chủ, bao gồm 12 chiếc bình được trang trí lộng lẫy và một viên hồng ngọc trị giá 50.000 ducat. Bốn Tể tướng đứng quanh một chiếc ngai lấp lánh bằng vàng và đá quý.

Quốc vương được mời ngồi xuống - mặc dù trên ngai vàng không có chỗ tựa lưng- và sau đó Suleiman đưa tay cho John-Sigismund hôn, gọi anh là “con trai yêu quý” và hứa sẽ đến trợ giúp và cung cấp cho anh bất cứ thứ gì anh cần. John- Sigismund sau đó yêu cầu nhượng lại dải lãnh thổ giữa sông Tisza và Transylvania cho anh, yêu cầu được chấp nhận ngay lập tức.

Khi tiễn anh ra về, Suleiman đã hai lần đứng dậy để hôn anh và sau đó tặng cho anh những con dao găm và gươm nạm đá quý, một chiếc yên ngựa được trang trí bằng đá quý và một con ngựa chiến lộng lẫy “được trang bị xa hoa”. Tại Zemun, Suleiman cũng tiếp đón Grantrie de Grandchamp, Đại sứ Pháp, đến để gửi những lời chúc tốt đẹp nhất từ chủ nhân Charles IX của mình.

Kế hoạch của Suleiman là hạ gục thị trấn Erlau, nơi kiểm soát hành lang hẹp dẫn đến Transylvania, trước khi chiếm Komarom và Gyor. Nhưng khi được biết Bá tước Nicholas Zriny, lãnh chúa của Szeged, đã giết một quan chức Porte và cướp đi nhiều chiến lợi phẩm, ông quyết tâm hành quân ngay lập tức đến Szeged. Một lần nữa, thời tiết xấu lại làm chậm bước tiến của quân đội ở vùng đồng bằng giữa sông Danube và Tisza.

Dù đang giữa mùa hè nhưng nước sông lại dâng cao lạ thường. Mỗi lần vượt qua những cây cầu được xây dựng nhanh chóng trên sông Danube, Sava và Drava đều rất khó khăn. Pháo hạng nặng do bò kéo bị mắc kẹt trong vũng lầy, đội quân loạng choạng trong bãi bùn. Cuối cùng, vào ngày 5 tháng 8, Suleiman đến được Szeged, nơi có 90.000 người và 300 khẩu đại bác đang chờ đợi ông. Trước những bức tường thành, cuối cùng ông cũng lấy lại được sức lực để cưỡi ngựa và ra lệnh bắt đầu cuộc bao vây.

Zriny đã treo những tấm vải đỏ trên pháo đài của mình và tòa tháp trung tâm lấp lánh với những tấn men trang trí kim loại “để tôn vinh một vị quốc vương vĩ đại”. Tiếng đại bác từ pháo đài báo hiệu trận chiến bắt đầu. Gần như ngay lập tức, cả thị trấn cũ chìm trong biển lửa.

Zriny đã tự tay đốt nó để đặt các khẩu đại bác lên đống đổ nát. Các cuộc tấn công nối tiếp nhau không ngớt, và các cuộc bắn phá diễn ra liên hoàn. Từ trên giường bệnh, Suleiman lần lượt đe dọa và cố gắng thu phục Zriny bằng những lời hứa hẹn. Gần một tháng trôi qua, cho đến ngày quân Thổ đã chiếm hết các thành trì bên ngoài, chỉ còn lại tòa tháp trung tâm nằm trong tay lực lượng bị bao vây.

Zriny sau đó quyết định ra đi như một anh hùng. Một sợi dây chuyền vàng đeo trên cổ, một chiếc mũ đen đính kim cương đội trên đầu và “thanh kiếm của thời trai trẻ” cầm trên tay, ông dẫn 600 người còn lại của mình ra ngoài, vừa tấn công kẻ thù, vừa hô to ba lần “Chúa Giêsu!” Ông bị thương và bị bắt làm tù binh, và cuối cùng là bị miệng súng đại bác bắn bay đầu - một hình phạt mà trước đó ông đã áp dụng cho một tướng lĩnh Ottoman.

Không lâu sau, pháo đài bị nổ tung, chôn vùi 3.000 binh lính trong đống đổ nát. Nhưng Suleiman không bao giờ biết chuyện pháo đài đã thất thủ hay việc Gyula đã bị Tể tướng Pertev Pasha của ông bắt giữ. Ông đã qua đời vào đêm ngày 5-6 tháng 9 trong lều của mình. Chỉ có các bác sĩ của ông và Đại Tể tướng Sokullu Mehmed Pasha có mặt vào thời điểm đó.

André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-dich-cuoi-cung-cua-suleiman-vi-dai-post1532077.html
Zalo