Châu Âu mua nhiều khí đốt từ Nga hơn trước khi xảy ra xung đột Ukraine

Mục tiêu của Ủy ban châu Âu là không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga (than, dầu, khí đốt) vào năm 2027. Nhưng thật trớ trêu là lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga nhập khẩu vào châu Âu đã tăng gần 20% vào năm ngoái.

Hình minh họa

Hình minh họa

Theo Viện Phân tích Kinh tế Năng lượng và Tài chính (IEEFA) vào ngày 18/2 được AFP đăng tải, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu (bao gồm EU, Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ) đã giảm đáng kể trong năm 2024. Tuy nhiên, Tổ chức nghiên cứu này cảnh báo rằng nguồn cung LNG từ Nga lại đang tăng lên.

LNG từ Nga tăng mạnh

Từ năm 2021 đến 2024, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu đã giảm khoảng 20%, nhờ vào chính sách tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất và phát triển năng lượng tái tạo. Với mức tiêu thụ khí đốt tương đối ổn định trong năm 2024, châu Âu đã giảm 19% lượng nhập khẩu LNG so với năm 2023. Cụ thể, nhập khẩu LNG trong năm 2024 đã giảm 47% ở Anh, 29% ở Bỉ và 28% ở Tây Ban Nha.

Sau chiến tranh Ukraine, châu Âu đã đầu tư mạnh vào các cơ sở tái khí hóa để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, với công suất nhập khẩu LNG tăng 31% kể từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, theo IEEFA, "việc mở rộng này không phản ánh đúng nhu cầu thực tế".

Trái ngược với xu hướng chung, nhập khẩu LNG từ Nga vào châu Âu lại tăng 18% trong năm 2024 (riêng EU tăng 12%). Các quốc gia châu Âu đã nhập khẩu 21,8 tỷ m³ LNG từ Nga trong năm 2024, so với 19,5 tỷ m³ năm 2023, bất chấp mục tiêu của EU là chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm tới 85% lượng LNG nhập khẩu từ Nga vào châu Âu trong năm 2024. Theo IEEFA, từ tháng 1 đến tháng 11/2024, các nước EU đã chi 6,3 tỷ euro để mua LNG từ Nga.

Ana Maria Jaller-Makarewicz, chuyên gia tư vấn tại IEEFA, tiết lộ rằng công ty SEFE (trước đây là Gazprom Germania) đã ký hợp đồng 20 năm để mua 3,9 tỷ m³ LNG từ dự án Yamal mỗi năm và chuyển tiếp qua các cảng EU trước khi giao cho công ty Gail India. Tuy nhiên, bà nhận định rằng "có vẻ như SEFE đang tìm kiếm các nguồn khác để cung cấp LNG cho Gail và thay vào đó, đang chuyển LNG Yamal vào EU".

Như vậy có thể thấy, mục tiêu của kế hoạch "REPowerEU" của Ủy ban châu Âu là không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga (than, dầu, khí đốt) vào năm 2027, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Mỹ vẫn là nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu Âu

Dù LNG từ Nga vào châu Âu tăng, nhưng nhập khẩu LNG từ Mỹ lại giảm 18% trong năm 2024, trong khi nguồn cung từ Qatar giảm tới 30%. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu, với 62,8 tỷ m³ LNG, chiếm 46% tổng nhập khẩu của lục địa này. Xếp sau Mỹ là: Nga (16% tổng nhập khẩu LNG của châu Âu), Algeria (11%), Qatar (10%), Na Uy (5%), Nigeria (4%).

Các trạm tái khí hóa ngày càng ít được sử dụng

IEEFA cảnh báo rằng sự sụt giảm nhu cầu khí đốt đang "đi ngược lại với làn sóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG mới". Tỷ lệ sử dụng trung bình của các trạm tái khí hóa ở châu Âu đã giảm xuống 42% trong năm 2024, so với 58% năm 2023. Một nửa số trạm này có tỷ lệ sử dụng dưới 40% trong năm qua.

Theo dự báo của IEEFA, công suất nhập khẩu LNG của châu Âu có thể tiếp tục tăng 60% vào năm 2030 so với mức năm 2021, "bất chấp dự báo nhu cầu LNG sẽ tiếp tục giảm".

Tổ chức này ước tính rằng tỷ lệ sử dụng các trạm tái khí hóa ở châu Âu có thể giảm xuống chỉ còn 30% vào năm 2030.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-au-mua-nhieu-khi-dot-tu-nga-hon-truoc-khi-xay-ra-xung-dot-ukraine-724367.html
Zalo