'Chiến binh xanh' và hành trình Vì một Việt Nam văn minh với rác
'Chiến binh xanh' là những người đồng nát, ve chai sẵn sàng chung tay cùng VietCycle xây dựng ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, vì môi trường xanh sạch đẹp.

Những chiến binh xanh tự tin với nghề khi tham gia mạng lưới XanhNét. Ảnh: VietCycle
Chứng kiến ngọn lửa bùng lên trong gian bếp khi đang dùng bữa với các con có lẽ là khoảnh khắc kinh hoàng nhất mà chị Thủy (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) phải trải qua trong cuộc đời.
May mắn, bản năng của người mẹ đã giúp chị Thủy bình tĩnh lại. Và cũng thật may mắn, những kỹ năng phòng cháy chữa cháy được tập huấn trước đó vài ngày đã giúp chị nhanh chóng xử lý ngọn lửa trước khi kịp cháy lan và gây nguy hiểm.
“Tôi vô cùng biết ơn vì đã được tham gia vào chương trình tập huấn”, người phụ nữ hành nghề đồng nát là mẹ của bốn đứa con nói tại Lễ tổng kết.
Cùng tham gia với chị Thủy có bà Đoàn, người phụ nữ đôn hậu, hiền lành, được chị em gọi thân mật là “chị đại”. Suốt 25 năm hành nghề, “chị đại” cho biết luôn cảm thấy tủi hờn bởi làm công việc “tận cùng quả đất”, quanh năm dãi dầu mưa nắng, làm bạn với rác thải.
Qua những buổi tập huấn, những chương trình giao lưu, bà Toàn không thấy tủi hờn nữa, thay vào đó là niềm vinh dự. Bởi, bà biết rằng mình không đơn giản chỉ là một người nhặt phế liệu kiếm sống mà là một “chiến binh xanh”, đứng trong hàng ngũ những “tấm lọc đầu tiên” của ngành tái chế, góp sức cho một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Chị Thủy, bà Đoàn là hai trong số 250 lao động đồng nát, ve chai được hỗ trợ bởi Dự án Tiếp sức chiến binh xanh, do Công ty CP VietCycle tổ chức, với sự đồng hành của Quan hệ đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Dự án gồm hai buổi tập huấn chuyên sâu tại Hà Nội và TP.HCM cho 250 lao động đồng nát, ve chai, xoay quanh các chủ đề về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, bình đẳng giới, tài chính cá nhân và kỹ thuật trong tái chế nhựa.
Song song với đó là triển lãm sáng tạo Đồng nát ve chai và tương lai rác nhựa tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, lan tỏa giá trị văn hóa, vẻ đẹp lao động, trách nhiệm với môi trường cho hơn 1 nghìn bạn trẻ.
Tiếp sức những chiến binh xanh
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, khoảng 70% lượng rác tái chế tại Việt Nam được xử lý bởi nhóm lao động phi chính thức, bao gồm những người nhặt nhạnh ve chai, đồng nát, các vựa phế liệu và người lao động trong làng nghề tái chế.
Trong đó, nhóm ve chai, đồng nát được xem như “bộ lọc đầu tiên”, tách phần phế liệu có giá trị ra khỏi rác hỗn hợp. Họ đa phần là phụ nữ, đến từ khu vực nông thôn, tìm kiếm sinh kế tại các thành phố lớn nhưng cuộc sống gặp phải vô vàn khó khăn do làm việc trong điều kiện thiếu an toàn, thu nhập bấp bênh và không được hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch VietCycle Hoàng Đức Vượng giao lưu với những chiến binh xanh. Ảnh: VietCycle.
Ngành công nghiệp tái chế đang đứng trước những cơ hội lớn để chuyển mình theo hướng hiện đại. Hơn ai hết, VietCycle, vốn tập hợp những doanh nhân, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thu gom, tái chế hiểu được rằng muốn có ngành công nghiệp tái chế tiên tiến, đạt chuẩn, cần phải có một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bắt đầu từ những người thu gom ve chai, đồng nát.
Với lý do đó, hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét được VietCycle thành lập, bao gồm hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị thu gom, tái chế và hơn 3,5 nghìn lao động thu gom rác thải phi chính thức.
3,5 nghìn người đồng nát, ve chai ấy được VietCycle gọi với cái tên những “chiến binh xanh”. Dưới sự hỗ trợ của VietCycle và các đối tác, họ được hỗ trợ về bảo hộ lao động, tập huấn đảm bảo an toàn khi hành nghề, được hướng dẫn phân loại phế liệu, được thăm hỏi, động viên, tặng quà mỗi tháng.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, VietCycle đã trở thành người bạn đáng tin cậy của những “chiến binh xanh”. Và cũng từ những tình cảm chân thành từ người bạn đáng tin cậy ấy, người đồng nát, ve chai lấy lại được sự tự tin, lấy lại được động lực tiếp tục hành nghề cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
“Ngày xưa, tôi chỉ dám nhận mình làm nghề tự do, ai bảo gì làm nấy. Từ khi có VietCycle, tôi tự tin nhận mình làm thu gom rác”, chị Nga, chiến binh xanh tham gia mạng lưới XanhNét và Dự án Tiếp sức chiến binh xanh, chia sẻ.
Tương lai tươi sáng
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle, thông tin, công ty đang triển khai xây dựng nhà máy tái chế nhựa mềm, dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2026. Với nhà máy này, người đồng nát, ve chai có thể thu gom cả những vỏ bao nylon để kiếm thêm thu nhập.
Song song với đó, XanhNét cũng đang tích cực triển khai hoạt động ký kết, hợp tác với doanh nghiệp để thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Khoản tiền hỗ trợ từ EPR cũng sẽ là trợ lực quan trọng để hệ sinh thái tái chế, bao gồm cả những người đồng nát, ve chai phát huy giá trị.
Tất cả những nỗ lực ấy đều hướng đến mục tiêu cao cả của ông Vượng và VietCycle về một ngành tái chế tiến bộ, đạt chuẩn quốc tế, về một tương lai “Việt Nam văn minh với rác”.
Trong hành trình đầy gian nan phía trước, VietCycle được tiếp sức bởi chính sự chung sức, đồng lòng của những người ve chai, đồng nát.
“Công ty (VietCycle) đã nỗ lực vì cuộc sống ổn định của chúng tôi. Cchị em chúng tôi sẽ cùng chung tay vì xã hội, vì môi trường”, chị Duyên, một chiến binh xanh, nhắn gửi.