Chiếc lá đã rơi
Cũng đã sắp sửa đến ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử 50 năm giải phóng quê hương nhưng lần này ông đã không còn chứng kiến được nữa. Tin ông Lê Đức Dũng (tên thường gọi Lê Đạt) - nguyên Phó Bí thư huyện ủy Tam Kỳ giai đoạn 1971-1975, trên 60 năm tuổi Đảng ra đi vào cuối tuần qua để lại nhiều tiếc thương với người thân và những ai từng biết về ông với tư cách một cán bộ hoạt động cách mạng cả một thời oanh liệt từng sống chết với vùng đất Tam Thanh (Tam Kỳ) và những năm tháng ở vùng núi rừng Trà My.

Ông Dũng thay mặt Huyện ủy Tam Kỳ kết nạp Đảng cho một số cơ sở kiên trung trong lòng địch (Ảnh tư liệu)
Được kết bạn già, gần gũi với ông nhiều năm bởi ông chính là nhân vật, nhân chứng của nhiều bài báo, phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng trên quê hương đất Quảng, tôi thật sự yêu quý ông bởi tấm tình và đặc biệt là những câu chuyện hoạt động cách mạng quá đỗi tài tình, chân thật và như huyền thoại. Tiếc là chiếc lá ấy đã rơi... Với tôi sự mất mát này để lại một khoảng trống vắng chênh chao khó tả. Dù vẫn biết rằng quy luật cuộc đời, lá nào rồi cũng phải rơi.
Nhớ về ông, lần gần đây nhất khi thực hiện phim tài liệu về cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Trọng Hoàng, tôi đã cùng ông gần cả ngày trời trở lại vùng quê Tiên Phước, nơi có căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân hơn 10 năm để lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Với tư cách trợ lý cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Trọng Hoàng trong khoảng 4 năm trời, ông lại gây ấn tượng với tôi bằng trí nhớ minh mẩn, cái tâm người cán bộ tận hiến vì nước vì dân thời xưa ấy đã truyền lại trong anh em làm báo chúng tôi. Lúc đó sức ông đã xuống, đi lại các bậc thang lên các điểm di tích rất khó khăn nhưng ông vẫn cố, không ngăn được. Nghĩ mà thương ông, thương ngọn lửa cách mạng của người chiến sĩ ấy vẫn còn cháy bỏng, vẫn còn trăn trở với đời, nhất là khi ông hay tin một cán bộ nào đó, không thoát được những viên đạn bọc đường, để tay trót nhúng chàm, sa ngã, hư hỏng...
“Con của biển” tôi viết về ông với ba kỳ in trên báo đảng địa phương đã làm ông xúc động tâm sự. “Mong lắm quê mình có những người làm báo có tâm, viết về mảng đề tài chiến tranh cách mạng, viết bằng sự chân thành, tôn trọng sự thật...”.
Với tôi ở đất Tam Kỳ, Quảng Nam chỉ sau cố anh hùng LLVTND Đỗ Thế Chấp, thì không ai có được những câu chuyện đánh giặc “như thần” kiểu của ông Dũng được. Đó là chuyện, sau giải phóng Tiên Phước (10-3), ngày 15-3, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo đánh địch giải phóng vùng đông của tỉnh. Tham gia chủ lực vẫn là các đội công tác của huyện Tam Kỳ do ông Dũng chỉ huy. Lực lượng tăng cường có Tiểu đoàn 70, 72 và hai tiểu đội của Tiểu đoàn 74. Lực lượng mỏng, địa bàn trải rộng từ Tam Kỳ đến Thăng Bình chạy dọc theo bờ biển có nhiều cứ điểm, đồn bốt kiên cố của địch. Trước tình hình đó ông Dũng nảy ra sáng kiến “chuyển dân thành binh”. Thế là ông đứng ra kêu gọi cán bộ, nhân viên, giao liên, cấp dưỡng, y tế... trong các đội công tác của huyện Tam Kỳ, đặc biệt là con em sinh ra ở vùng đông hãy về giải phóng cho chính gia đình mình, bà con làng xóm của mình. Không ngoài dự tính, hàng chục cán bộ tình nguyện về quê chiến đấu. Chỉ thời gian ngắn, từ 40 người, lực lượng của ông Dũng nhanh chóng tăng lên con số 120. Lễ Tuyên thệ “Quyết tử giải phóng quê hương” được tổ chức trong niềm xúc động của nhiều người. Sau này nhắc lại việc chỉ huy đánh vùng đông, nguyên cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng bảo: “Chỉ có Lê Đạt mới nghĩ ra cách huy động lực lượng nhanh đến vậy”.
Đó còn biết bao câu chuyện khác đáng nhớ như sự kiện ngày 27 tháng giêng 1973, với cương vị Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, ông đã chủ động chỉ huy chiếm vùng giáp ranh, thay mặt quân cách mạng trên chiến địa ác liệt để thuyết phục đối phương hạ súng, tổ chức cắm 3.000 cờ Tổ quốc trong ngày ký Hiệp định Pari.
Trước đó, thời cán bộ nằm vùng rồi với vai trò Bí thư cán sự đảng 3 xã Mai, Don, Rây thuộc vùng căn cứ Nước Là tức mật khu Đỗ Xá nay thuộc huyện Nam Trà My, ông Dũng có những câu chuyện hoạt động cách mạng đặc biệt khó quên. Đó là cái tết năm 1963 - một cái tết ta dồn toàn bộ lực lượng, kế hoạch lo gìn giữ an toàn khu căn cứ, chuẩn bị đánh trả đợt phản kích quy mô lớn của địch nhằm xóa sổ căn cứ Khu ủy Khu 5”. Là người thông thạo địa bàn, ông Dũng được giao nhiệm vụ đưa người chỉ huy cao nhất Khu ủy là tướng Nguyễn Đôn rời mật khu (có khả năng bị lộ) đến nơi an toàn. Khu ủy đã giao đồng chí Ba Đen (tức Hà Lân, lúc đó là Huyện ủy viên, sau này là Phó ban An ninh của Khu 5) làm việc với ông Dũng để giao nhiệm vụ. Sau tết 1963, trở về chỉ huy việc đánh trả cuộc càn quét của địch gặp lại ông Dũng, tướng Đôn cảm kích “chú trẻ mà chu toàn lắm”, rồi tháo khẩu súng côn hiệu Canada từ thắt lưng biếu ông Dũng như một phần thưởng của người chỉ huy.
Ông Dũng cũng là học trò thầy Vũ Hạnh (nhà văn Vũ Hạnh) khi học ở Trường cấp 2 Trần Dư ở phường Xuân (Tam Kỳ) năm 1949, lúc đó thầy Vũ Hạnh dạy bộ môn lịch sử Việt Nam. Điều không ngờ tới đến khi bị địch bắt giam ở nhà lao Thông Đăng Hội An, hai thầy trò lại gặp nhau. Trong buổi lao dịch thầy trò gặp nhau ai cũng mừng vui khôn xiết nhưng do bị theo dõi gắt gao nên cả hai đành phải hạn chế gặp gỡ để giữ bí mật.
Câu chuyện ông Dũng đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng khá ly kỳ. Đầu năm 1956, địch khủng bố khắp nơi, có tuần địch khui 40 hầm bí mật, bắt bớ, giết chóc những người tham gia kháng chiến, đảng viên cộng sản, cơ sở cách mạng. Cấp trên chỉ đạo ông Dũng bằng mọi cách dùng thuyền nhỏ đưa 21 đảng viên ra miền Bắc bằng đường biển. Chuyến đi thành công, ông được tổ chức (cụ thể 2 đồng chí lãnh đạo Nguyễn Mại và Lê Y) đứng ra kết nạp vào Đảng. Sau những đồng chí này tù đày, hy sinh nên đến năm 1958 ông mới được tổ chức kết nạp vào đảng lần 2.
Với tôi, ông Lê Đức Dũng là cả môt kho tư liệu về chiến tranh cách mạng mà ông là nhân vật chính của nhiều câu chuyện của một thời đầy ác liệt đau thương mà anh dũng tuyệt vời trên quê hương đất Quảng. Đôi dòng nhớ về ông như một nén nhang tiễn biệt.