Chiếc chuyên cơ khiến ông Trump bị chỉ trích có gì đặc biệt?

Một chiếc chuyên cơ sang trọng mà Qatar rao bán nhiều năm không ai ngó ngàng, cho đến khi đội ngũ của ông Trump để mắt tới và trở thành vấn đề bàn tán sôi nổi những ngày qua.

Vài tháng trước, Tổng thống Donald Trump đối mặt với một bài toán nan giải: Ông muốn có ngay một chiếc Không lực Một mới trong khi chiếc chuyên cơ kế nhiệm mới chỉ trên giấy.

Dù chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 3,9 tỷ USD với Boeing từ năm 2018 để chế tạo hai chiếc Boeing 747-8 làm chuyên cơ tổng thống, tiến độ trì trệ đã khiến thời hạn bàn giao bị đẩy lùi sâu đến năm 2027 mới có thể bàn giao chiếc đầu tiên.

Trong lúc đó, ông Trump vẫn phải sử dụng những chiếc chuyên cơ cũ kỹ từng chở Tổng thống George H.W. Bush cách đây 35 năm. Với ông, chuyên cơ tổng thống không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là biểu tượng của sức mạnh và uy tín của nước Mỹ.

"Chúng ta là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tôi tin rằng chúng ta xứng đáng có chiếc chuyên cơ ấn tượng nhất thế giới", ông Trump phát biểu gần đây.

"Tiếng sét ái tình"

Theo lời kể của 14 người liên quan hoặc nắm được thông tin, quá trình tìm kiếm chuyên cơ thay thế bắt đầu khi Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Boeing, rà soát các mẫu Boeing 747 phiên bản VIP còn rao bán trên toàn cầu, CNN cho biết. Trong số 8 chiếc phù hợp tiêu chí, chiếc 747-8 của Qatar nổi bật nhờ thiết kế đẳng cấp và tình trạng kỹ thuật tốt.

Trước đó, vào năm 2018, quốc vương Qatar đã tặng một chiếc tương tự cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan như một lời tri ân vì ông Erdogan đã ủng hộ Doha giữa lúc các nước láng giềng vùng Vịnh cô lập Qatar.

 Ông Steven Witkoff - người đóng vai trò trung gian quan trọng trong thương vụ chuyên cơ. Ảnh: Reuters.

Ông Steven Witkoff - người đóng vai trò trung gian quan trọng trong thương vụ chuyên cơ. Ảnh: Reuters.

Chiếc 747 còn lại vẫn chưa tìm được chủ nhân cho đến khi ông Steven Witkoff, người bạn cũ của ông Trump từ thời còn làm bất động sản ở New York, vào cuộc. Quỹ đầu tư quốc gia của Qatar từng giúp Witkoff thoát khỏi một vụ thua lỗ ở Central Park South vào năm 2023.

Không chỉ là đối tác chiến lược, ông Steven Witkoff còn có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani. Ông Witkoff thậm chí từng mời Thủ tướng Al-Thani dự đám cưới của con trai mình.

Nhờ mối quan hệ này, ông Witkoff đã chủ động liên hệ phía Qatar để hỏi về chiếc máy bay.

Giữa tháng 2, phía Qatar đồng ý đưa chuyên cơ đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để ông Trump tận mắt chiêm ngưỡng chiếc máy bay từng phục vụ hoàng gia Qatar. Sáng 15/2, chiếc máy bay hạ cánh tại West Palm Beach sau chuyến bay thẳng từ Doha.

Tầng trên có phòng khách và trung tâm liên lạc. Phòng ngủ chính có thể chuyển đổi thành khoang cấp cứu với nguồn cung oxy trực tiếp. Dành cho nhân viên là khoang “hạng thương gia” với 12 ghế ngả hoàn toàn.

“Đây là một con quái thú”, Marc Foulkrod - kỹ sư hàng không từng hỗ trợ Qatar bán máy bay - nhận xét. “Boeing đã làm ra một chiếc máy bay tuyệt vời. Ở phiên bản VIP, nó là một kiệt tác”.

Nhưng thị trường cho những chiếc máy bay như vậy rất hạn chế. Các hãng hàng không không hứng thú vì máy bay không phù hợp cho khai thác thương mại. Ngay cả nguyên thủ quốc gia giờ đây cũng hiếm khi chọn 747 - loại máy bay bốn động cơ, đắt đỏ trong bảo trì, vận hành, và đang ngày càng khan hiếm linh kiện do đã ngừng sản xuất.

“Bạn cần một người cực kỳ tự tin, có cái tôi lớn mới mua”, Foulkrod nói.

 Các tài liệu tiếp thị cho chiếc máy bay Boeing 747 mà chính phủ Qatar đã cố gắng bán trong nhiều năm nhưng không thành công. Ảnh: NYT.

Các tài liệu tiếp thị cho chiếc máy bay Boeing 747 mà chính phủ Qatar đã cố gắng bán trong nhiều năm nhưng không thành công. Ảnh: NYT.

Chi phí đưa chiếc máy bay từ Qatar đến Mỹ chỉ để ông Trump "xem hàng" cũng không hề rẻ. Theo một tạp chí ngành, chi phí vận hành ước tính 25.000 USD/giờ bay, thuê trọn gói có thể lên tới 35.000 USD/giờ. Tính sơ chuyến bay khứ hồi 30 giờ giữa Doha và Florida có thể tiêu tốn tới 1 triệu USD.

Sau khi tận mắt ngắm nhìn, có vẻ ông Trump đã "phải lòng" chiếc 747 của Qatar. Trên đường bay về Washington bằng chiếc Không lực Một cũ, ông không ngớt lời ca ngợi nội thất và bàn về việc đưa nó vào sử dụng như thể thương vụ đã xong.

Chỉ cần một lớp sơn mới và vài chỉnh sửa nhỏ, chiếc máy bay cho thể sẵn sàng phục vụ ông Trump trong vòng một năm tới, theo đánh giá của các cố vấn Nhà Trắng.

Món quà “trời cho”

Từ đó, những chiếc Boeing mà chính phủ Mỹ đã đặt mua dần trở thành mối quan tâm thứ yếu. Chiếc 747 mà Qatar đang sở hữu, được Boeing giao vào năm 2012, theo ước tính của ông Foulkrod hiện có giá từ 150 đến 180 triệu USD. Thế nhưng, đến cuối cùng, Qatar lại không bán chiếc máy bay ấy.

Khi ông Donald Trump đến thị sát chuyên cơ hôm 15/2, các cuộc thảo luận về cách thức tiếp nhận chiếc máy bay đã có bước ngoặt bất ngờ: từ phương án mua bán giữa hai chính phủ, giới phụ tá cấp cao của ông Trump bắt đầu bàn đến việc… nhận tặng.

Ngày 11/5, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng Qatar sẽ “tặng” chiếc 747, gọi đây là “món quà hoàn toàn miễn phí”. Diễn biến này khiến Không quân Mỹ bất ngờ, bởi chưa từng có đề xuất nào từ phía quân đội về việc tiếp nhận chuyên cơ dưới hình thức tài trợ.

Một quan chức cao cấp trong chính quyền tiết lộ với New York Times rằng phía Qatar đã đề xuất khả năng tặng chuyên cơ, hoặc ít nhất là "tỏ thái độ sẵn sàng" chuyển giao miễn phí khi chủ đề này được đưa ra. Một quan chức khác thì cho biết ông Witkoff từ đầu đã tin rằng Qatar sẽ tặng máy bay. Trong khi đó, phía Qatar khẳng định họ chỉ đưa máy bay đến Florida để ông Trump tham quan, với kỳ vọng bán được cho Mỹ.

Dẫu vậy, thương vụ này dù là mua hay tặng, đều phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa Washington và Doha, vốn được củng cố qua căn cứ không quân Al Udeid - nơi Qatar đã đầu tư hơn 8 tỷ USD kể từ năm 2003 để hỗ trợ quân đội Mỹ.

 Ông Trump phát biểu tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Doha (Qatar) vào tuần trước. Ảnh: Reuters.

Ông Trump phát biểu tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Doha (Qatar) vào tuần trước. Ảnh: Reuters.

Gần đây, ông Trump còn tiết lộ Doha sẵn sàng chi thêm 10 tỷ USD để mở rộng căn cứ này, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ song phương. Sự hiện diện của quân đội Mỹ không chỉ phục vụ lợi ích chiến lược của Washington mà còn giúp Qatar duy trì thế cân bằng quyền lực với các đối thủ khu vực như Saudi Arabia.

Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed cũng khẳng định đây là một hình thức hợp tác giữa hai chính phủ, tương tự các hỗ trợ quân sự song phương khác, và đặt câu hỏi: “Tại sao chúng tôi phải mua ảnh hưởng ở Mỹ khi mối quan hệ này mang lại lợi ích cho cả hai bên?”.

Những hoài nghi đạo đức

Thông tin về “món quà” từ Qatar lập tức gây tranh cãi. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ và các tổ chức giám sát chính phủ cho rằng việc tiếp nhận một món quà đắt giá như vậy, dù dành cho Bộ Quốc phòng, vẫn có thể vi phạm các quy định đạo đức, đặc biệt khi phục vụ lợi ích của một cá nhân cụ thể như ông Trump. Nhiều người lo ngại Qatar đang tìm cách mua ảnh hưởng chính trị, dù Doha phủ nhận mọi cáo buộc.

Ông Trump cam kết rằng chiếc máy bay sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng và chỉ sử dụng trong thời gian ông tại nhiệm. Sau đó, nó có thể được trưng bày tại thư viện tổng thống của ông, tương tự trường hợp thư viện Ronald Reagan với một chiếc Không lực Một cũ.

 Chi phí cải hoán nội thất máy bay để đáp ứng tiêu chuẩn chuyên cơ tổng thống và chi phí vận hành về lâu dài đang là vấn đề được quan tâm. Ảnh: NYT.

Chi phí cải hoán nội thất máy bay để đáp ứng tiêu chuẩn chuyên cơ tổng thống và chi phí vận hành về lâu dài đang là vấn đề được quan tâm. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, và Quốc hội chưa phê duyệt bất kỳ khoản ngân sách nào cho việc duy tu, vận hành hay cải tạo chiếc máy bay.

Việc biến chiếc 747 của Qatar thành Không lực Một thực thụ là một thách thức lớn. Theo các chuyên gia, quá trình nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn chuyên cơ tổng thống, bao gồm lắp đặt hệ thống thông tin tiên tiến, phòng thủ tên lửa và bảo vệ chống xung điện từ có thể mất vài năm và tiêu tốn ít nhất 1 tỷ USD.

Tony Foulkrod, cựu chuyên gia Không quân Mỹ, cho rằng việc “vá víu” một chiếc máy bay nước ngoài là không khả thi, và tăng tốc chương trình của Boeing sẽ hiệu quả hơn. Hiện tại, chiếc 747 đang được lưu giữ tại San Antonio, chờ các quyết định tiếp theo.

Chi phí vận hành Không lực Một cũng là một vấn đề lớn. Theo Lầu Năm Góc, chi phí duy trì phi hành đoàn chuyên cơ vượt 37 triệu USD/năm, trong khi tổng chi phí vận hành hàng năm lên tới 134 triệu USD.

“Chỉ có nhà nước hoặc một hãng hàng không lớn mới đủ sức vận hành chiếc máy bay này”, ông Andrew Hunter, cựu Thứ trưởng Không quân, nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chiec-chuyen-co-khien-ong-trump-bi-chi-trich-co-gi-dac-biet-post1554378.html
Zalo