Liên hợp quốc cảnh báo Syria vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Ngày 21/5, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen cho rằng các quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đang mang lại nhiều hy vọng cho công cuộc tái thiết của Syria, song quốc gia Trung Đông này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, với nguy cơ xung đột tái diễn và chia rẽ sâu sắc hơn vẫn chưa được giải quyết.

Những tòa nhà bị hư hại nặng nề do chiến sự tại Daraa, Syria. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA), ông Pedersen bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra bạo lực mới và “sự suy yếu lòng tin”, sau những diễn biến bạo lực gần đây ở Syria liên quan tới các cuộc tấn công mang tính giáo phái nhắm vào cộng đồng thiểu số Alawite và Druze. Tuy nhiên, ông Pederson cho biết người dân Syria phần nào đã lấy lại tinh thần sau các quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào tuần trước, mang lại cho họ cơ hội thành công tốt hơn trước những khó khăn to lớn hiện nay.
Trong một động thái bất ngờ vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ ra lệnh dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt nhằm vào Syria, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Quyết định này theo sau các bước đi tương tự của EU và Anh nhằm chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối Syria.
Phó đại sứ Syria tại LHQ Riyadh Khdair tuyên bố với các thành viên HĐBA rằng quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đánh dấu một “bước ngoặt được mong đợi từ lâu”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Syria vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn về mặt cấu trúc, bao gồm nguy cơ nền kinh tế sụp đổ, sự tàn phá lan rộng và tình trạng bất ổn tiếp diễn. Theo ông, việc phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sẽ đòi hỏi chính quyền lâm thời Syria phải hành động liên tục, bao gồm cả cải cách kinh tế tổng thể và các tiêu chuẩn quản trị trên toàn hệ thống tài chính, và điều này sẽ cần sự hỗ trợ của quốc tế.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 20/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông đã chỉ thị cho Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với các quan chức Syria để tìm hiểu nhu cầu viện trợ của nước này. Ông Rubio nhấn mạnh rằng “Mỹ muốn giúp Chính phủ Syria thành công, vì nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra nội chiến và hỗn loạn toàn diện, tất nhiên sẽ làm mất ổn định toàn bộ khu vực”. Có thông tin cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc khả năng bổ nhiệm Đặc phái viên Mỹ tại Syria.
Hiện nay ở Syria có 16,5 triệu người, chiếm gần 70% dân số, cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo. Theo dữ liệu của LHQ, hơn một nửa phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, với gần 3 triệu người có nguy cơ bị đói nghiêm trọng.Giám đốc Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ Ramesh Rajasingham cảnh báo rằng tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Syria, mô tả nhu cầu là “rất lớn” và ngày càng “phức tạp”.