Chia tay Thủ tướng 34 tuổi, nước Pháp có tân Thủ tướng 73 tuổi
Hôm 5-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier, cựu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, làm Thủ tướng. Vậy là trong khoảnh khắc lịch sử, nước Pháp chia tay Thủ tướng trẻ nhất (34 tuổi) và đón nhận Thủ tướng tuổi cao nhất (73 tuổi).
Chính trị gia Michel Barnier sinh năm 1951, là thành viên của đảng Cộng hòa. Ông được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế với vai trò làm trung gian cho tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ông Michel Barnier có 40 năm kinh nghiệm trên chính trường Pháp và châu Âu, từng giữ nhiều chức vụ bộ trưởng khác nhau tại Pháp, như Bộ trưởng Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường. Ông đã 2 lần giữ chức vụ Ủy viên châu Âu cũng như Cố vấn cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Năm 2021, ông Michel Barnier tuyên bố ứng cử Tổng thống nhưng không giành được đủ sự ủng hộ trong đảng của mình.
Việc bổ nhiệm này đã kết thúc 2 tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội. Trước đó, Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và chính phủ của ông này vào tháng 7 vừa qua, sau khi liên minh “Cùng nhau” của ông Macron bị đánh bại tại vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Kể từ đó, Tổng thống Macron phải đối mặt với những lời kêu gọi từ các phe phái chính trị để chỉ định thủ tướng mới.
Phát biểu tại lễ chuyển giao quyền lực, tân Thủ tướng Michel Barnier cho biết, nền chính trị Pháp đang ở thời điểm khó khăn và cam kết sẽ có những thay đổi phù hợp với nguyện vọng của người dân: “Những ưu tiên của chính phủ mới là phải phản ứng tốt nhất trước những thách thức, sự tức giận, nỗi đau, cảm giác bị bỏ rơi cũng như bị đối xử bất công. Một điều chắc chắn là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nói”. Tân Thủ tướng Michel Barnier nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm trong thời gian tới là cải thiện dịch vụ công, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường an ninh, kiểm soát nhập cư cũng như cải thiện chất lượng sống.
Thông cáo của Điện Elysee cho biết, nhiệm vụ hàng đầu của ông Michel Barnier là “thành lập một chính phủ thống nhất nhằm phục vụ đất nước và nhân dân Pháp”, đồng thời nhấn mạnh việc bổ nhiệm này diễn ra sau quá trình tham vấn kỹ càng nhằm giữ chính phủ ổn định. Thách thức đầu tiên của tân Thủ tướng Michel Barnier là cần vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào cuối tháng 9 này như cảnh báo của Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP). Liên minh này chỉ trích Tổng thống Pháp Macron đi ngược lại lá phiếu cử tri khi chọn gương mặt chỉ xuất thân từ đảng lớn thứ tư tại Quốc hội làm thủ tướng và có quan điểm tương đồng.
Theo truyền thông Pháp, việc bổ nhiệm ông Michel Barnier đã cho thấy quan điểm hoàn toàn khác của Tổng thống Macron. Ở độ tuổi 73, ông Michel Barnier là Thủ tướng lớn tuổi nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp, thay thế cho người tiền nhiệm Gabriel Attal (34 tuổi). Người tiền nhiệm của ông Barnier là Gabriel Attal nhậm chức Thủ tướng hôm 9-1, trở thành lãnh đạo nội các trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pháp. Tuy nhiên, Thủ tướng Attal không thể dẫn dắt phe trung hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi giữa năm.
Việc chỉ định ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới là quyết định có phần bất ngờ của Tổng thống Emmanuel Macron sau 3 vòng tham vấn chính trị. Người đứng đầu nước Pháp kỳ vọng một chính trị gia theo đường lối ôn hòa và có khả năng thương thuyết như ông Michel Barnier sẽ lôi kéo được phần nào sự ủng hộ từ các lực lượng chính trị trong Quốc hội vốn đang bị chia rẽ. Các nhà phân tích nhận định, với việc bổ nhiệm một nhân vật kỹ trị như ông Michel Barnier, Pháp nhiều khả năng sẽ có một chính phủ kỹ thuật, giải quyết công việc trên sự “đồng thuận” tại Quốc hội hiện nay. Một Bộ trưởng Pháp tiết lộ, ông Barnier được chọn vì có tiếng nói với phe hữu trong Quốc hội và sẽ không khiến phe cánh tả khó chịu quá mức, đồng thời có thể thuyết phục phe cực hữu hợp tác.
Theo Guardian/Reuters