Bầu cử Mỹ còn 2 ngày: Thung lũng Silicon bất ngờ hướng về ông Trump, cục diện sẽ đảo chiều?

Cuộc bầu cử Mỹ năm nay được dự đoán sẽ rất căng thẳng khi kết quả vẫn chưa thể đoán trước. Điều đáng chú ý là một số nhân vật hàng đầu tại Thung lũng Silicon, vốn nổi tiếng với sự ủng hộ đảng Dân chủ, lại bất ngờ quay sang ủng hộ ông Donald Trump - ứng viên Đảng Cộng hòa.

Trong khi các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy hai ứng cử viên đều đang bám sát nhau, sự lựa chọn của các bang chiến trường sẽ quyết định người chiến thắng sau một cuộc bầu cử đầy kịch tính.

Việc một số nhân vật hàng đầu tại Thung lũng Silicon, thủ phủ công nghệ của nước Mỹ ở bang California, bất ngờ quay sang ủng hộ ông Donald ông Trump có thể sẽ là yếu tố quan trọng thay đổi cục diện bầu cử.

 Tỷ phú Elon Musk tổ chức cuộc phỏng vấn với ông Trump trên nền tảng X. Ảnh: Shutterstock

Tỷ phú Elon Musk tổ chức cuộc phỏng vấn với ông Trump trên nền tảng X. Ảnh: Shutterstock

Sự "chuyển mình" của các lãnh đạo công nghệ

Thung lũng Silicon từ lâu đã được xem là thành trì của đảng Dân chủ với các giá trị tự do và chính sách thân thiện với công nghệ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt khi một số lãnh đạo công nghệ lớn như Elon Musk, Chamath Palihapitiya và David Sacks công khai ủng hộ ông Trump.

Tỷ phú Musk cùng với Palihapitiya và Sacks đã tổ chức một buổi gây quỹ quy mô lớn ở khu vực Vịnh San Francisco cho ông Trump, với giá vé lên đến 50.000 USD mỗi ghế, thậm chí có mức 300.000 USD cho những nhà tài trợ muốn chụp ảnh cùng ứng viên.

Không chỉ vậy, J.D. Vance, ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, cũng nhận được sự hậu thuẫn lớn từ nhà đầu tư kỳ cựu Peter Thiel - người đứng sau các thành công của PayPal, Palantir, và Founders Fund.

Ngoài ra, Vivek Ramaswamy, một doanh nhân nổi tiếng khác của Thung lũng Silicon, người từng tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa, hiện cũng bày tỏ sự ủng hộ cho ông Trump và tham gia hỗ trợ trong chiến dịch tranh cử của ông.

Vì sao Thung lũng Silicon chuyển hướng sang ông Trump?

Sự ủng hộ dành cho ông Trump ở Thung lũng Silicon xuất phát từ một số yếu tố, nhưng nổi bật nhất là cam kết về chính sách thuế. Ông Trump đã hứa hẹn kéo dài mức cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% được ban hành năm 2017 và thậm chí giảm xuống 15% trong nhiệm kỳ tới nếu ông đắc cử. Điều này đã thu hút một số nhà lãnh đạo công nghệ, mặc dù việc này sẽ phải đối mặt với một số chính sách gây tranh cãi khác, như thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, chính sách bảo hộ công nghệ của ông Trump cũng thu hút một số doanh nhân. Cụ thể, ông Trump đề xuất mức thuế cơ bản 10-20% đối với hàng nhập khẩu và mức thuế 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính sách này sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, nhưng cũng đồng thời bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện - nơi các công ty Mỹ như Tesla của Musk đang chiếm ưu thế.

Trong khi đó, sự phân hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với Trung Quốc, cũng là mối quan tâm hàng đầu đối với Thung lũng Silicon. Nếu ông Trump thắng cử, sự tách biệt khỏi Trung Quốc sẽ sâu sắc hơn và các công ty công nghệ sẽ gặp khó khăn khi phải tìm nguồn cung ứng mới, nhưng có thể họ sẽ được hỗ trợ nhờ các chính sách bảo hộ của chính phủ Mỹ.

Tranh cãi về AI và định hướng cho tương lai

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là điểm sáng duy nhất trong bối cảnh kinh tế bất ổn cho ngành công nghệ Mỹ, nhưng lại đang trở thành đề tài tranh cãi trong các vấn đề an ninh và quyền riêng tư.

Ông Biden từng ban hành lệnh hành pháp vào năm 2023 nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật dữ liệu cho AI. Nếu bà Harris thắng cử, chính sách này có thể sẽ được tiếp tục.

Nhưng nếu ông Trump đắc cử, lệnh này có thể sẽ bị hủy bỏ theo định hướng mà ông Trump và phó tướng Vance đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử của mình, nhằm tránh việc các quy định nghiêm ngặt làm “ngăn cản đổi mới công nghệ AI”.

Đây là một điều khiến cộng đồng công nghệ tại Thung lũng Silicon đặc biệt quan tâm. Theo Mike Anderson, Giám đốc CNTT toàn cầu của Netskope, ngành công nghệ toàn cầu đang ở ngã ba đường khi phải cân bằng giữa đổi mới và quy định. “Khi chúng ta tiến gần tới cuộc bầu cử, một điều rõ ràng là nếu quá tập trung vào quy định, chúng ta sẽ tự làm chậm bước tiến của mình trong cuộc đua về AI”, Anderson nói.

Sự ủng hộ dành cho tiền điện tử và công nghệ

Ông Trump đã gắn liền mình với tinh thần tự do ở Thung lũng Silicon, nhất là trong vấn đề tiền điện tử. Ông phản đối việc áp đặt các quy định nghiêm ngặt lên tiền điện tử cũng như chống lại kế hoạch tạo ra đồng tiền số của ngân hàng trung ương. Điều này phù hợp với mong muốn của các nhà lãnh đạo công nghệ, những người hy vọng tiền điện tử sẽ đem lại một trật tự tài chính mới không phụ thuộc vào kiểm soát của chính phủ.

Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết thúc đẩy các dự án khám phá vũ trụ. Đối với Musk và những người cùng chí hướng, cam kết này không chỉ là một lời hứa mà là một biểu tượng của sự đổi mới và khám phá không giới hạn.

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 không chỉ là cuộc đua giữa hai ứng cử viên, mà còn là cuộc đối đầu giữa các giá trị và định hướng của tương lai. Khi các nhà lãnh đạo công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon hướng về ông Trump, điều này đã làm nổi bật một sự chuyển dịch trong cách nhìn nhận và ủng hộ chính trị của trung tâm công nghệ này.

Với tình hình như hiện nay, ảnh hưởng của Thung lũng Silicon có thể sẽ tạo ra những thay đổi bất ngờ trong cục diện của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra.

Cao Phong (theo Verdict, CNN, NY Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bau-cu-my-con-2-ngay-thung-lung-silicon-bat-ngo-huong-ve-ong-trump-cuc-dien-se-dao-chieu-post319676.html
Zalo