Chia rẽ giữa 'Liên minh những người tự nguyện' về Ukraine

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết các nước châu Âu không cùng quan điểm về khả năng thành lập lực lượng 'gìn giữ hòa bình' để hỗ trợ Kiev.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Kaja Kallas. Ảnh: Getty Images.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Kaja Kallas. Ảnh: Getty Images.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Kaja Kallas tuyên bố hiện tại không có thỏa thuận nào trong “liên minh những người tự nguyện” liên quan đến khả năng triển khai quân đội chung tới Ukraine.

Đầu tháng trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết họ đã sẵn sàng lãnh đạo một liên minh các nước châu Âu để hỗ trợ Kiev bằng lực lượng bộ binh và máy bay, khi Ukraine và Nga đạt được lệnh ngừng bắn. Đề xuất này được đưa ra sau khi Moscow và Washington khởi động các cuộc đàm phán hòa bình song phương mà không có sự tham dự của EU và Vương quốc Anh.

Phát biểu với các phóng viên, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho biết “các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau và các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn”, theo trích dẫn của The Telegraph.

Khi được hỏi liệu cuộc họp của nhóm tại Brussels vừa qua có làm rõ hơn các kế hoạch của liên minh hay không, Kallas trả lời là không.

Ngược lại với những bình luận của bà, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết “kế hoạch của chúng tôi là thực tế và đáng kể. Kế hoạch của chúng tôi được xây dựng tốt”.

Trong khi đó, AFP trích dẫn lời các quan chức châu Âu giấu tên cho biết đến nay, chỉ có 6 quốc gia, bao gồm Anh, Pháp và các quốc gia vùng Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania đã cam kết đóng góp quân đội. Quốc gia thứ sáu không được nêu tên.

Các thành viên khác đã công khai bày tỏ lo ngại về việc triển khai quân đội và từ chối đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho biết nhóm này phải có sự tham gia của Mỹ, một kịch bản mà Washington đã loại trừ. “Nhiệm vụ là gì? Chúng ta sẽ làm gì trong các tình huống khác nhau, ví dụ, nếu có bất kỳ sự leo thang nào liên quan đến Nga?” ông hỏi.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cũng phát biểu tương tự: “Sẽ rất hữu ích nếu có sự rõ ràng về nhiệm vụ”.

Cuối tháng trước, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã loại trừ khả năng Rome sẽ điều quân tới Ukraine.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chia-re-giua-lien-minh-nhung-nguoi-tu-nguyen-ve-ukraine-245495.htm
Zalo