Tổng thống Ukraine nêu viễn cảnh đen tối khi thiếu 'chiếc ô' của Mỹ, Nga phản ứng gắt vì quyết định của Đức
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không loại trừ khả năng nước này sẽ có thêm tổn thất trong trường hợp chính quyền Kiev mất đi sự ủng hộ từ Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Reuters)
Ngày 14/4, trả lời phỏng vấn đài CBS, ông Zelensky nêu rõ: "Chúng ta không đủ sức mạnh để (giành lại) mọi thứ. Đó là tình hình hiện nay. Và đó là lý do tại sao cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng ngoại giao". Tuy nhiên, ông tái khẳng định Ukraine sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Moscow là của Nga.
Đề cập những cách thức tiềm năng để giải quyết xung đột, ông Zelensky tuyên bố: "Chắc chắn sẽ có các cuộc đàm phán khác nhau - cả song phương và ba bên, các định dạng khác nhau. Chúng ta sẽ đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này".
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bản thân không tin tưởng vào chính quyền Nga, đồng thời Tổng thống Zelensky tiếp tục yêu cầu phương Tây bảo đảm an ninh, bao gồm cả việc triển khai quân đội đến Ukraine và hỗ trợ phòng không.
Cho rằng trải qua hơn 3 năm xung đột, đã có một số sự mệt mỏi nhất định trong cả quân đội Ukraine và các đối tác phương Tây, Tổng thống Zelensky thậm chí thừa nhận: "Tôi nghĩ rằng nếu không có Mỹ, chúng ta sẽ phải chịu nhiều tổn thất nhiều hơn - cả về người và lãnh thổ - đó là thực tế".
Nhà lãnh đạo cảnh báo, xung đột ở Ukraine đang đe dọa an ninh thế giới và "việc Mỹ là một phần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nghĩa là họ sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào".
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã gửi thông điệp trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg rằng, Kiev đang phát triển hệ thống phòng không cấp chiến lược của riêng mình, đồng thời đề xuất các quốc gia châu Âu đầu tư vào việc phát triển hệ thống phòng không của Kiev để đẩy nhanh quá trình triển khai.
Ông Sybiha cũng kêu gọi các đồng nghiệp châu Âu tăng cường hỗ trợ phòng không cho Ukraine bằng cách cung cấp thêm hệ thống, tên lửa và phụ tùng thay thế.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh các nhu cầu quân sự ưu tiên khác, bao gồm đạn dược, tên lửa tầm xa, xe bọc thép và thiết bị kỹ thuật, máy bay chiến đấu, phương tiện bay không người lái (UAV) và các khoản đầu tư bổ sung vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh ông Friedrich Merz, lãnh đạo khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức và là Thủ tướng được đề cử của nước này tuyên bố, Berlin sẵn sàng chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine. Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz luôn phản đối vấn đề này.
Động thái của Berlin đã khiến Nga lên tiếng phản đối, cho rằng quyết định của Đức cũng như các nước châu Âu khác có cách tiếp cận tương tự, đang phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình và góp phần kéo dài xung đột.
Bất chấp phản đối của Nga, cũng ngay ngày 14/4, chính phủ Anh tuyên bố, nước này đã chuyển cho Ukraine 752 triệu Bảng Anh (990 triệu USD) để mua hệ thống phòng không và pháo binh, trong khuôn khổ chương trình cho vay quốc tế tổng thể trị giá 50 tỷ USD được đảm bảo bằng tài sản Nga bị đóng băng.
Gói thanh khoản cho Ukraine nêu trên là đợt thứ hai trong ba đợt với tổng số tiền 2,26 tỷ Bảng. Đợt đầu tiên vào ngày 6/3 và phần cuối cùng sẽ được thanh toán vào năm tới.