Các ông lớn năng lượng châu Âu muốn nhập lại khí đốt Nga thay LNG của Mỹ
Các công ty năng lượng châu Âu cho rằng EU cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, gồm cả việc nối lại nhập khẩu khí đốt Nga sau khi kết thúc chiến sự ở Ukraine.
Lãnh đạo các công ty năng lượng hàng đầu châu Âu đang nhắc tới ý tưởng nối lại nhập khí đốt từ Nga, nhất là trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đang đối mặt nhiều nguy cơ, theo hãng tin Reuters hôm 14-4.
Nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Nga từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu cho tới khi nổ ra chiến sự ở Ukraine năm 2022. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đã dần giúp châu Âu giải bài toán thay thế cho khí đốt Nga.

Đường ống nhập khẩu khí đốt Nga "Nord Stream 2" (đã ngừng hoạt động do chiến sự ở Ukraine và vụ nổ đường ống năm 2022) tại bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức). Ảnh: NORD STREAM 2
Tuy nhiên, nhiều công ty châu Âu lo ngại sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Mỹ sẽ trở thành điểm yếu của châu lục này trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Washington.
“Chúng ta [tức châu Âu] cần đa dạng hóa, cần nhiều tuyến đường [nhập khẩu năng lượng] chứ không nên quá phụ thuộc vào một hay hai tuyến” - ông Patrick Pouyanne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies, nói.
Giám đốc điều hành khu liên hợp công nghiệp hóa chất Leuna (bang Saxony-Anhalt, Đức) - ông Christof Guenther cho rằng châu Âu “đang ở trong một cuộc khủng hoảng [năng lượng] nghiêm trọng và không thể chờ đợi thêm nữa”.
Ông Guenther cho biết trong 5 quý liên tiếp, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp hóa chất đã bị cắt giảm, nhấn mạnh rằng điều này chưa từng xảy ra trong nhiều thập niên trước đó.
Đề xuất nối lại mua khí đốt từ Nga
Ông Didier Holleaux - Phó Chủ tịch điều hành của gã khổng lồ năng lượng Pháp Engie - nói rằng “nếu có được nền hòa bình hợp lý ở Ukraine” công ty này có thể khởi động lại các đường ống nhập khí đốt Nga hoặc thậm chí là cả LNG, với công suất từ 60 tỉ m3 - 70 tỉ m3 mỗi năm.
Nhà nước Pháp nắm giữ một phần cổ phần của Engie và từng là một trong những khách hàng lớn nhất của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom.
Ông Holleaux cho rằng Nga có thể cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu năng lượng cho toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), giảm so với mức 40% trước năm 2022.
Còn lãnh đạo TotalEnergies thì cho rằng châu Âu “sẽ không bao giờ quay lại nhập 150 tỉ m3” khí đốt Nga như trước năm 2022, nhưng có thể nhập 70 tỉ m3.

Tổ hợp lọc dầu Schwedt (bang Brandenburg, Đức) - từng do tập đoàn năng lượng Nga Rosneft đồng sở hữu nhưng do cho chính phủ Đức tiếp quản. Ảnh: BLOOMBERG
Ở Đức, ông Daniel Keller - quan chức cấp cao nhất về kinh tế và năng lượng của bang Brandenburg - cho rằng ngành công nghiệp nước này mong muốn chính quyền Berlin tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ. Ông Keller không loại trừ khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga “sau khi hòa bình được thiết lập ở Ukraine”.
Với vị trí bao bọc toàn bộ thủ đô Berlin và sự hiện diện của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn, Brandenburg là bang chiến lược hàng đầu tại Đức cả về chính trị và kinh tế.
Ông Guenther cho biết ông và nhiều đồng nghiệp cũng ủng hộ việc nối lại nhập khẩu khí đốt Nga. Ông Guenther lưu ý rằng “việc mở lại các đường ống [khí đốt nhập khẩu từ Nga] sẽ giúp giảm giá [năng lượng tại châu Âu] nhiều hơn bất kỳ chương trình trợ cấp nào hiện nay”.
Tại bang Mecklenburg-Vorpommern ở phía đông Đức - điểm cuối của đường ống Nord Stream vốn được xây dựng để nhập khí đốt Nga, một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Forsa cho thấy 49% người dân muốn Đức quay trở lại với nguồn cung khí đốt từ Nga.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất thuế quan ở mức cao để Mỹ giảm thâm hụt thương mại với các đối tác, EU đang cân nhắc mua thêm LNG từ Mỹ để góp phần cân bằng thương mại song phương.
Chuyên gia Tatiana Mitrova thuộc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) cảnh báo rằng LNG nhập khẩu từ Mỹ vào châu Âu có thể trở thành “công cụ địa chính trị” trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, ông Arne Lohmann Rasmussen - nhà phân tích hàng đầu của công ty tư vấn đầu tư Global Risk Management (Đan Mạch) - hạ thấp nguy cơ này, cho rằng ít có khả năng Mỹ sẽ giảm xuất khẩu LNG sang châu Âu trong tương lai.
Giám đốc công ty khí đốt tư nhân DTEK (ở Ukraine) - ông Maxim Timchenko cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu nên “rút ra bài học” khi làm việc với Nga. DTEK hy vọng sẽ nhập khẩu LNG của Mỹ vào kho chứa của Ukraine và xuất khẩu sang châu Âu.