'Chìa khóa' để Việt Nam có các tập đoàn như Samsung, Hyundai

Việc hình thành các tập đoàn lớn không chỉ là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là bước đi quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những tập đoàn đầu tàu, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Những công ty hàng đầu Việt Nam, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân nêu định hướng đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp lớn đang giữ vị thế hàng đầu trên thị trường và xuất khẩu sản phẩm mạnh.

Chẳng hạn, Vingroup, với các lĩnh vực hoạt động đa dạng từ bất động sản, y tế, giáo dục đến sản xuất ô tô điện (VinFast), đang được xem là một trong những tập đoàn tiêu biểu. Tương tự, Masan Group với hệ sinh thái tiêu dùng và tài chính, hay Viettel với thế mạnh trong viễn thông và công nghệ quốc phòng, cũng là những ví dụ điển hình về các doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam.

Thaco đang tạo ra một hướng đi là một tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị mạnh mẽ hơn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, hơn 25 năm phát triển, Thaco đã chuyển mình thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào ô tô, nông nghiệp, cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, đầu tư xây dựng - thương mại dịch vụ và logistics.

Trong lĩnh vực ô tô, Thaco hiện sản xuất đa dạng các dòng sản phẩm và đang chiếm 32% thị phần. Sau 92.000 xe bán ra năm trước, tập đoàn đặt mục tiêu 100.000 xe trong năm nay, đặc biệt chú trọng vào dòng xe lai hybrid (kết hợp động cơ điện và xăng).

Thaco đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa đáng kể, trong đó xe du lịch từ 27-40%, xe tải trên 50% và xe bus trên 70%. Nhờ đó, tập đoàn đã giảm chi phí và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng đặc thù tại Việt Nam.

“Trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Thaco đã xây dựng được nền tảng vững chắc từ nghiên cứu phát triển sản phẩm đến tổ chức sản xuất. Chúng tôi đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành cơ khí, ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng”, ông Dương nói.

 Các tập đoàn lớn được kỳ vọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao. Ảnh: VinFast

Các tập đoàn lớn được kỳ vọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao. Ảnh: VinFast

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, cho biết tầm nhìn cốt lõi của Nghị quyết 68 là xây dựng khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao và cạnh tranh toàn cầu. Khu vực này không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu dài hạn là giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

“Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 68 là mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa. Mô hình này lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, nơi các chaebol như Samsung hay Hyundai đã trở thành trụ cột phát triển quốc gia.

Việt Nam kỳ vọng rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động”, ông Michael Kokalari nói.

Kiến tạo tương lai

Mô hình chaebol của Hàn Quốc, với những tập đoàn như Samsung, Hyundai hay LG, đã đóng vai trò then chốt trong việc đưa quốc gia này từ một nền kinh tế thấp điểm trở thành một cường quốc công nghiệp. Các tập đoàn trên không chỉ tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển, mà còn tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.

Việt Nam, với mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, cần những tập đoàn đầu đàn có khả năng dẫn dắt các ngành công nghiệp chủ lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá, Việt Nam với tham vọng xây dựng 20 tập đoàn lớn mạnh như chaebol của Hàn Quốc là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cần có định hướng rõ ràng về ngành nghề ưu tiên phát triển. Thay vì chỉ tập trung vào bất động sản như giai đoạn trước, Việt Nam nên hướng tới các ngành có giá trị gia tăng cao và tiềm năng xuất khẩu lớn.

 Việc hình thành 20 tập đoàn lớn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế. Ảnh: VinFast

Việc hình thành 20 tập đoàn lớn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế. Ảnh: VinFast

Đơn cử như trong ngành chế biến lương thực thực phẩm, các công ty như Vinamilk, TH có tiềm năng trở thành các tập đoàn tầm cỡ quốc tế. Trong ngành ô tô, Thaco và VinFast đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực khác như viễn thông, cảng biển, du lịch cũng cần các tập đoàn đủ sức cạnh tranh quốc tế và công nghiệp giải trí cũng có nhiều dư địa phát triển.

“Việt Nam có đủ tiềm năng để xây dựng những tập đoàn lớn mạnh, vấn đề là cần một cơ chế hiệu quả để hiện thực hóa điều đó. Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nhưng chưa lên sàn, ít được biết đến. Việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường vốn sẽ giúp họ phát triển và đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

Việc hình thành 20 tập đoàn lớn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế. Trong từng lĩnh vực, sẽ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp được bảo trợ và hiện thực hóa bởi các tập đoàn này. Thay vì để các doanh nghiệp khởi nghiệp tự bơi, các tập đoàn có trình độ và kinh nghiệm sẽ giúp họ xây dựng chiến lược bài bản và huy động vốn hiệu quả”, tiến sĩ Điền nhận định.

Theo giới phân tích, để tránh những mặt trái của mô hình chaebol như sự tập trung quyền lực quá mức hay thiếu minh bạch, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, đảm bảo cạnh tranh công bằng và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Việc học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc, đồng thời điều chỉnh phù hợp với bối cảnh trong nước, sẽ giúp Việt Nam phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn một cách bền vững và hiệu quả.

Tập đoàn lớn kéo doanh nghiệp nhỏ

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn mạnh tại Việt Nam, việc phát triển các tổ chức đầu tư tài chính đóng vai trò then chốt, tạo động lực cho sự tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế.

Một doanh nghiệp dù có ý tưởng sáng tạo, nhưng thường gặp khó khăn về nguồn vốn và năng lực triển khai. Nếu có sự bảo trợ của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ có thể trình bày ý tưởng và đề xuất hợp tác. Chẳng hạn, tập đoàn có thể góp một phần vốn nhỏ (5-10%) và đứng ra bảo lãnh, tạo điều kiện để dự án được đưa lên sàn chứng khoán huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Mô hình này không chỉ giúp hình thành các công ty mới dựa trên ý tưởng của doanh nghiệp tư nhân mà còn tạo ra một hệ sinh thái đầu tư đa dạng, nơi các tập đoàn đóng vai trò là bệ phóng cho những ý tưởng tiềm năng.

Để thúc đẩy mô hình này, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại các thành phố lớn như TP.HCM và Đà Nẵng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn huy động vốn thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, với mục đích sử dụng vốn rõ ràng cho các dự án cụ thể.

Việc hình thành một thể chế tài chính minh bạch là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là tạo ra cơ chế để các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện niêm yết độc lập, có thể tiếp cận vốn thông qua sự bảo trợ của các tập đoàn lớn. Các tập đoàn này, với uy tín và khả năng bảo lãnh của mình, sẽ tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, giúp hiện thực hóa nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chia-khoa-de-viet-nam-co-cac-tap-doan-nhu-samsung-hyundai-post850760.html
Zalo