Chỉ thị số 22-CT/TU: Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp (Bài cuối) - Xen cư, xen ghép: Giải pháp khả thi
Việc bố trí tái định cư theo hình thức xen ghép theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 4845/QĐ-UBND, ngày 1/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh), chẳng phải là khó khăn nếu có cách làm phù hợp, hiệu quả. Thực tế, ở nhiều huyện miền núi, đã có không ít hộ nghèo sinh sống ở khu vực có nguy cơ thiên tai đã được làm nhà theo hình thức này và được nhận hỗ trợ từ Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Chỉ thị 22-CT/TU).
Gỡ khó cho người dân
Giờ được ở trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, gia đình ông Lữ Viết Ngâm (sinh năm 1968) ở bản Giá, xã Phú Xuân (Quan Hóa) chẳng còn phải lo bị lũ quét, đất vùi nữa. Gia đình ông thuộc diện phải di dời tái định cư xen ghép theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án 4845) từ năm 2021, nhưng tìm mãi không có đất ở nơi an toàn để mua, nên đành ở lại ven con suối Giá đối diện với nguy cơ thiên tai. Sau đợt mưa lũ kéo dài tháng 8/2022, căn nhà bị kéo tụt xuống suối vì quả đồi phía sau nhà sạt lở, 6 nhân khẩu gia đình ông cũng phải ở tạm bên bìa rừng.
Đầu năm nay, được cán bộ xã Phú Xuân thông tin vị trí đất ở an toàn, rồi cùng thương thảo với chủ hộ, nên gia đình ông đã có được vị trí đất ở mới diện tích hơn 100m2, có giá 30 triệu đồng, ngay trong bản Giá, cách nơi ở cũ một con dốc. Có đất ở, lại thuộc diện được hỗ trợ 80 triệu đồng từ Đề án 4845 và Chỉ thị 22-CT/TU, ông Ngâm vay mượn thêm từ người thân, họ hàng, xây dựng căn nhà mới khang trang, hướng ra con đường chính dẫn vào trung tâm bản.
Ông Ngâm cho biết: “Quả thực, nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước và Ủy ban MTTQ tỉnh, không được chính quyền hỗ trợ tìm đất, làm thủ tục về đất đai, gia đình tôi chắc không làm được căn nhà này. Trong quá trình xây dựng, gia đình tôi còn được các tổ chức đoàn thể và bà con đến thăm hỏi, giúp đỡ ngày công, nên chi phí đã giảm đi rất nhiều”.
Cách nhà ông Ngâm không xa, cũng ở bản Giá, 2 hộ dân khác thuộc diện được bố trí tái định cư cũng đã hoàn thành chuyển nhà đến nơi ở mới, xen ghép trong khu dân cư ven con đường bê tông dẫn ra Quốc lộ 15A. Đó là hộ anh Hà Văn Thiêm và Hà Văn Thâm, là hai anh em ruột. Ngày xẻ gỗ, xây nhà, các hộ dân được tổ chức hội, đoàn thể trong xã, bà con chòm bản đến giúp đỡ ngày công. Đến nay, cuộc sống của họ đã ổn định nơi ở mới.
Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, ông Cao Hồng Được cho biết: Sau rà soát thực hiện Đề án 4845, trên địa bàn xã có 38 hộ dân sinh sống phân tán ở các khu vực có nguy cơ cao thiên tai thuộc diện phải di dời đến nơi an toàn. Thực hiện theo chỉ đạo của huyện, xã đã xây dựng phương án, lộ trình bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ thuộc diện. Căn cứ kết quả rà soát quỹ đất ở còn lại tại các bản, xã thông báo cho từng hộ gia đình để phối hợp vận động anh em, họ hàng, hộ gia đình còn đất chuyển nhượng, cho tặng lại. Đồng thời yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể và vận động đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ các hộ tái định cư xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Với cách làm này, đến nay trên địa bàn xã Phú Xuân đã có 35 hộ hoàn thành tái định cư, ổn định cuộc sống. 3 hộ còn lại đã có đất ở, chuẩn bị làm nhà mới, đảm bảo theo kế hoạch, phương án đã đề ra. Và đây cũng là địa phương dẫn đầu huyện Quan Hóa trong thực hiện bố trí xen cư xen ghép cho các hộ gia đình thuộc diện di dời theo Đề án 4845.
Gỡ nghịch lý có tiền không thể tiêu
Trong thực hiện Đề án 4845, xét về nguồn lực, thì việc bố trí tái định cư xen ghép tiết kiệm được nguồn lực lớn cho ngân sách so với hình thức bố trí tái định cư tập trung và tái định cư liền kề. Tuy nhiên, việc thực hiện tưởng dễ lại hóa khó. Phần nhiều là do các hộ dân gia đình thuộc diện nghèo, gặp khó khăn trong việc tìm được đất ở mới an toàn thay thế cho nơi ở cũ, lại thiếu kinh phí xây dựng, di chuyển nhà ở. Trong lúc trình độ dân trí còn chưa cao, họ còn gặp thêm khó khăn trong tiếp cận, thực hiện các thủ tục về đất đai... Đó là “nút thắt” trói buộc tiến độ bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai theo Đề án 4845 và làm chậm tiến độ thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU trên địa bàn tỉnh. Điều này dẫn đến nghịch lý là dù có tiền, nhưng không thể tiêu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh cần phải bố trí tái định cư xen ghép cho 599 hộ ở 46 xã, thị trấn thuộc 9 huyện theo Đề án 4845. Tuy nhiên giai đoạn 2021-2024, mới chỉ có 118 hộ dân được bố trí tái định cư theo hình thức này, trong đó, số hộ được nhận hỗ trợ từ Chỉ thị 22-CT/TU thấp hơn nhiều. Thế nhưng, huyện Quan Hóa đang dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh với 51 hộ đã được bố trí xen cư, xen ghép.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn thực hiện rà soát danh sách hộ gia đình thuộc diện, đảm bảo chính sách nhân văn được đến đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án bố trí tái định cư xen ghép, phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 2025. Trong đó cần tập trung rà soát, xác định quỹ đất, vị trí đất ở, phối hợp vận động các hộ dân sang nhượng, cho tặng, giúp đỡ gia đình sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thiên tai có đất ở. Quan tâm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, để các hộ sớm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn làm nhà, sớm ổn định cuộc sống. Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa cũng đã phân công các đồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Trên thực tế, ngoài tình trạng người dân khó tìm được đất ở để di dời đến nơi an toàn chỉ là một phần nguyên do khiến việc thực hiện Đề án 4845 và Chỉ thị 22-CT/TU đang chậm tiến độ ở nhiều huyện miền núi. Phần còn lại là một bộ phận người dân cho rằng số tiền hỗ trợ không cao, không đủ để hỗ trợ làm nhà; hoặc tâm lý ngại di chuyển nhà đến nơi ở mới. Có tình trạng hộ gia đình đi mua nhưng không được đất ở vì người bán đòi giá quá cao... nên đành ở lại phó mặc tính mạng cho “tử thần” định đoạt ở chân đồi, ven suối. Vậy nên, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở để tuyên truyền thay đổi nhận thức, vận động Nhân dân phát huy tinh thần nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người nghèo... đang là “mấu chốt” trong thực hiện mục tiêu này. Thực tế đã chứng minh, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, phát huy được sự chung tay của cả cộng đồng xã hội thì nơi đó đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU nói chung và bố trí xen cư, xen ghép nói riêng.
Nhưng để cách làm này phát huy hiệu quả thực chất, trước hết luôn cần sự quyết tâm cao đặt mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản Nhân dân lên trên hết, trước hết và “không để ai bị bỏ lại phía sau” của các cấp ủy, chính quyền, nhất là cá nhân người đứng đầu.