Chi phí vươn khơi tăng vọt, ngư dân kém vui dù sản lượng cao
Gần 4 năm qua giá hầu hết các loại hải sản ngư dân khai thác được gần như không tăng. Trong khi đó, mọi thứ sinh hoạt, đồ ăn, thức uống, cho đến ngư lưới cụ đều tăng giá khá cao.
Từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác hải sản trên địa bàn thuận lợi, sản lượng khai thác tăng khá, tuy nhiên ngư dân vẫn kém vui vì lợi nhuận thu về không cao do giá hải sản vài năm gần đây không tăng, trong khi chi phí đi biển tăng mạnh.
Sản lượng tăng, lợi nhuận giảm

Tàu của ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh minh họa: Tường Vi/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ xã Bình An, huyện Kiên Lương có tàu tham gia khai thác hải sản gần cửa biển Hòn Chông chia sẻ, hoạt động khai thác hải sản từ đầu năm 2025 đến nay tương đối thuận lợi. Số lượng tôm, cá, mực đánh bắt được sau các chuyến vươn khơi bám biển (20 ngày), tàu của ông thu về hơn 3 tấn hải sản bán được hơn 170 triệu đồng, mỗi ngư phủ được chia trên dưới 15 triệu đồng. So với trước đây, sản lượng khai thác được tăng hơn 20%, tuy nhiên, lợi nhuận không tăng.
Từ năm 2022 đến nay, giá các loài tôm, cá, mực không tăng, thậm chí giá một số loại cá như cá đù, cá phèn, cá nục, cá khoai còn bị sụt giảm giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, các khoản chi phí như gạo, mì, nhu yếu phẩm phục vụ cho mỗi chuyến ra khơi tăng khoảng 20%, tiền chia cho ngư phủ cũng tăng hơn 1 triệu đồng/người/chuyến. Vậy nên, mặc dù sản lượng đánh bắt được tăng hơn 500kg mỗi chuyến, nhưng lợi nhuận giảm khoảng 50 triệu đồng so với những mùa biển trước - ông Tùng nói.
Một chủ tàu cá khác ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết, gia đình có 2 tàu cá đánh bắt xa bờ dài từ 15 m trở lên. Từ đầu năm, sản lượng hải sản đánh bắt được hơn 25 tấn tôm, cá các loại. Sản lượng này tăng hơn 4 tấn so với cùng kỳ của nhiều năm trước đây. Theo ông Dũng, hải sản khai thác được tăng mạnh là nhờ thời tiết những tháng đầu năm thuận lợi, không xảy ra dông, bão; đồng thời tôm, cá ở các ngư trường đánh bắt được khá nhiều.
Sản lượng đánh bắt tăng giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn, bởi gần 4 năm qua giá hầu hết các loại hải sản ngư dân khai thác được gần như không tăng. Trong khi đó, mọi thứ sinh hoạt, đồ ăn, thức uống, cho đến ngư lưới cụ đều tăng giá khá cao nên chủ tàu thu lãi thấp sau mỗi chuyến ra khơi. Cụ thể, cặp tàu nhà ông Dũng trong 4 tháng qua khai thác hơn 25 tấn hải sản, nhưng bán chỉ hơn 1 tỷ đồng. Trong khi chi phí bỏ ra gần 900 triệu đồng, lợi nhuận giảm vài chục triệu đồng so với các mùa biển trước đây, ông Dũng chia sẻ.
Kỳ vọng gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU
Ông Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng Tổ An toàn nghề cá thành phố Hà Tiên cho biết, gia đình có 4 tàu chiều dài từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ với gần 40 ngư phủ theo tàu. Trong 4 tháng vừa qua, sản lượng hải sản đánh bắt được hơn 35 tấn, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Mức lợi nhuận tương đương với cùng kỳ những năm từ 2022 đến 2024, giảm hơn 200 triệu đồng so với những năm từ 2021 trở về trước. Nguyên nhân giảm lợi nhuận, theo ông Cường là do EC áp dụng thẻ vàng, một số mặt hàng hải sản không được xuất khẩu sang thị trường châu Âu khiến giá hải sản giảm mạnh trong những năm gần đây.
Những năm gần đây, ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quy định khai thác đánh bắt hợp pháp đến chủ tàu, tài công và ngư phủ nên các tàu cá của ông thực hiện nghiêm trình báo hồ sơ trước khi ra khơi và trở về bến đậu. Trong quá trình vươn khơi bám biển, tàu duy trì thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ, luôn treo cờ Việt Nam, mang theo giấy phép khai thác hải sản, không khai thác trong vùng cấm, không khai thác hải sản nhỏ, không khai thác ở vùng biển nước ngoài.
“Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương đều nóng lòng mong muốn ngành khai thác thủy sản nước ta được EU gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU để tình hình xuất khẩu thủy sản được sôi động và hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp ngư dân có thể làm giàu, tạo được nhiều việc làm cho người dân ", ông Cường bày tỏ.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trong 4 tháng vừa qua của địa phương đạt gần 210.000 tấn, bằng 25,3% kế hoạch năm, tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng khai thác hơn 134.000 tấn; sản lượng nuôi trồng gần 76.000 tấn. Tính đến nay, tỉnh đã cấp 3.166 Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá, đạt 87%. Toàn tỉnh đã lắp 3.592/3.620 thiết bị giám sát hành trình tàu cá, còn lại 28 tàu cá nằm bờ không hoạt động khai thác chưa lắp giám sát hành trình.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Để nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy sản, thời gian tới ngành tăng cường thông tin, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khai thác hải sản như: kỹ thuật đánh bắt bằng vệ tinh ứng dụng thiết bị hiện đại thu nhận tín hiệu vệ tinh, xác định vị trí, hướng di chuyển và mật độ đàn cá; phương pháp sử dụng thiết bị phát sóng âm thanh để phát hiện, đo lường số lượng, kích thước và hành vi của cá trong môi trường nước.
Ngành nông nghiệp chủ động, tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương quản lý chặt phương tiện, khắc phục những hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; duy trì việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; mở đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến chống khai thác IUU.
Cùng đó, theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, thông tin về ngư trường khai thác, mùa vụ khai thác để kịp thời cung cấp cho ngư dân tổ chức khai thác có hiệu quả; tiếp tục tổ chức khai thác thủy sản theo chuỗi và theo nhóm, tổ, đội để hỗ trợ nhau trong dịch vụ hậu cần, thông tin thời tiết, thông tin về ngư trường, bám biển dài ngày để khai thác an toàn trên biển - ông Toàn nhấn mạnh.