Chị em nông thôn tận dụng công nghệ số
Công nghệ số ngày càng phát triển đã kéo theo nhiều cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ, trong đó có phụ nữ nông thôn. Mạnh dạn tiếp cận những lợi ích của nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Zalo, Facebook... nhiều chị đã tích cực giới thiệu các sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, không chỉ giúp họ tăng thêm thu nhập mà còn tạo điều kiện thay đổi vai trò của phụ nữ trong gia đình, cũng như ngoài xã hội.
Cơ sở Giang Loan, tại ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, chuyên chế biến, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủy sản như: tôm khô, bánh phồng tôm, cá sơn rim nước mắm... Chị Trương Kim Loan, chủ cơ sở, chia sẻ, trước đây cơ sở chỉ bán hàng theo kiểu truyền thống là từ việc giới thiệu của người quen và khách vãng lai tại địa phương, với số lượng đơn hàng ít ỏi. Từ khi tiếp cận với công nghệ bán hàng Online, livestream qua các nền tảng mạng xã hội, việc kinh doanh bắt đầu chuyển biến rõ rệt, số lượng đơn đi tăng theo mỗi đợt live. Các sản phẩm của cơ sở cũng được quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn đến đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh Cà Mau.
Chị Loan hồ hởi chia sẻ: “Cơ sở của tôi đã hoạt động khá lâu, các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP từ năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, khi chưa biết đến việc bán hàng Online thì bán chậm lắm. Tôi quen và được chị bạn chỉ cho cách bán theo kiểu này, rồi cũng dần dà tìm tòi, học hỏi, mua thiết bị, tự mình ngồi trước máy để giới thiệu hàng. Ban đầu bỡ ngỡ, cũng khó khăn lắm, nhưng làm thời gian rồi cũng quen, giờ tôi có thể tự mình ngồi giới thiệu rồi chốt đơn luôn".

Chị Trương Kim Loan, chủ cơ sở Giang Loan ngụ địa bàn ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển livestream giới thiệu các sản phẩm tại cơ sở của mình trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Chị Loan cho biết, sản phẩm của cơ sở bán chủ yếu trên TikTok, Zalo và Facebook, đơn hàng tăng gấp bốn, năm lần so với trước. Cơ sở của chị sẽ ship tận nơi cho khách hàng, có những đơn giao tận các tỉnh thành xa, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. "Thời gian tới, tôi dự định đầu tư thêm thiết bị để tăng quy mô sản xuất các sản phẩm tại cơ sở, học thêm cách có thể chốt đơn tự động để đỡ tốn thời gian ghi chép tay”, chị Loan nói.
Không chỉ tự mày mò, tìm tòi học hỏi, tiếp cận công nghệ phục vụ việc kinh doanh tại cơ sở, chị Loan còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những người có nhu cầu giống như mình, nhằm tạo điều kiện để họ có thể phát triển hơn trong quá trình kinh doanh.
Chị Trần Kim Thiêu, chủ cơ sở Chí Nguyện, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm đũa đước, cho biết: “Cơ sở làm đã hơn 15 năm, đạt OCOP từ năm 2021, tuy nhiên, các sản phẩm cũng bán theo kênh truyền thống từ giới thiệu trực tiếp, bán cho khách vãng lai. Thế nên, tôi cũng mong muốn tiếp cận theo cách của chị Loan để việc kinh doanh phát triển hơn. Chị Loan đã nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn cho tôi cách bán hàng Online. Thời gian tới, tôi sẽ triển khai cách làm này để sản phẩm của mình được nhiều người biết đến”.
Thông qua việc tận dụng công nghệ số, cơ sở của chị Loan cũng như nhiều cơ sở có sản phẩm OCOP tại huyện Ngọc Hiển đã biết cách giới thiệu sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thậm chí vươn ra thị trường quốc tế.

Việc tiếp cận công nghệ số đã và đang tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số.
Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận công nghệ số của phụ nữ vẫn gặp không ít rào cản. Trong đó, vấn đề về tuổi tác, trình độ học vấn vẫn là hạn chế lớn nhất đối với việc tiếp cận, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ và nền tảng số. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức pháp lý, cũng như vấn đề bảo mật thông tin cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ngọc Hiển, để phụ nữ, nhất là đối tượng phụ nữ nông thôn, thực sự phát huy tiềm năng trong thời đại công nghệ số thì cần phải có sự hỗ trợ của nhiều phía. Thời gian tới, các cấp hội sẽ chú trọng phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ số, từ đào tạo kỹ năng cho đến xây dựng hạ tầng công nghệ phù hợp với đối tượng phụ nữ nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn đóng góp vào sự phát triển kinh tế số toàn diện và bền vững, từng bước thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội./.