Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi !
Những cái tết bên bếp lửa nhà, bên mẹ và anh em gia đình thời thơ ấu mãi ấm trong tôi.
Cuối tháng Chạp trên vùng cao Di Linh (Lâm Đồng) lại lạnh hơn thường lệ. Cái lạnh se của cao nguyên và sương mờ khiến góc bếp cũ của mẹ càng ấm hơn.
Tôi sinh ra trong một gia đình khó, cha tôi làm thủy thủ, thường xuyên xa nhà. Bước vào mảnh đất Di Linh đi kinh tế mới, mẹ một mình chăm sóc, vun vén cho bốn anh chúng tôi. Tết đến, chỉ có 4 mẹ con quây quần, vật chất chẳng đủ đầy, nhưng tình thân lại ấm áp vô cùng.
Ngày thường mẹ đã vất, giáp tết mẹ lại bận rộn trăm bề. Dù ít, dù nhiều, mẹ cố gắng xoay cho chúng tôi bộ quần áo mới, ba ngày tết có miếng ăn ngon hơn ngày thường.
Những ngày ấy, tôi và các em thường túm tụm bên bếp lửa, vừa thấy ấm, vừa nhón nhén dăm ba miếng thịt kho mẹ nêm nếm. Ngày giáp Tết, góc bếp nhà tôi lúc nào cũng ngập khói, phảng phất mùi nồng nàn của thịt mắm, mùi gừng già giót vào mứt, mùi nếp quyện lá dong.
Trong cái xôn xao ấy, đôi lúc tôi nhận ra khóe mắt mẹ đỏ hoe khi nhắc đến bố tôi. Dù thiếu thốn, mẹ vẫn giữ cho Tết một không khí rộn ràng, ấm cúng, có lẽ cũng là cách mẹ che giấu nỗi nhớ người chồng lênh đênh ngoài biển khơi.
Giờ đây, bố tôi đã đi xa, mẹ tuổi cũng cao, sức khỏe yếu dần. Tôi lớn lên trong vòng tay mẹ, giờ lập gia đình may mắn nhà cũng ở gần mẹ. Nhà hai mẹ con chỉ cách mấy căn, sáng hôm tôi vẫn ăn chực một cách “chuyên nghiệp”.
Tết này, anh em tôi mỗi người có việc cả, người quê người, người về quê nội, người đi làm xuyên tết. Tôi cùng con gái ở lại nhóm lửa cùng bà.
Vẫn là mùi khói bếp thoang thoảng, nhưng bây giờ gian bếp chỉ vỏn vẹn nồi thịt kho, chõ xôi nho nhỏ. Mẹ đã già, đâu còn đủ sức tất bật lo hàng chục thứ như xưa. Thế nhưng, chỉ cần có mẹ bên cạnh, nấu chung bữa cơm, cuốn một cuốn rau sống, thêm bát canh cải xanh… tất cả đều làm tôi chợt ấm lòng và bùi ngùi nhớ lại Tết năm nào.
Thường giáp tết, gia đình nhà tôi vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng, bánh tét như bao nhà khác. Thế nhưng năm nay tôi rủ mẹ gói mẹ lắc đầu: “Gói bánh phải đông vui mới làm chứ có hai mẹ con bày chi cho mệt con!”, mẹ cười hiền nói nhỏ.
Tuổi thơ tôi nhuộm màu khói bếp của mẹ. Tôi nhớ nhất cảnh mẹ ngồi lau lá chuối dưới bếp vào những ngày sắp Tết.
Trong làn khói mờ, dáng mẹ khom lưng kỳ cọ từng chiếc lá, từng lần ngẩng lên hơ tay cho đỡ buốt, rồi lại cặm cụi lau cho sạch, để bánh gói ra vừa vặn, màu lá xanh tươi. Chúng tôi đứng xung quanh, xì xào bàn tán, thi thoảng chọc ghẹo nhau, để rồi bị mẹ nhắc khẽ: “Lo mà canh lửa, trông nồi bánh cho khéo!”. Thời gian trôi, người mẹ năm nào nay tóc đã bạc nhiều, nhưng giọng mẹ vẫn nhẹ nhàng, ấm áp như xưa.
Tôi cũng không thể quên món kẹo lạc (kẹo đậu phộng) mà tết đến mẹ hay làm. Công thức cũng rất đơn giản, đậu phộng trộn đường ngào, thêm ít gừng già rồi đổ ra mâm. Nguội mâm, chúng tôi thò tay vặt bỏ miệng, mẹ vờ nghiêm mặt : “Phải để dành Tết ăn, đừng tấp tểnh ăn hết!”.
Nhưng lời nói của mẹ bị gió xuân thổi bay mất. Thằng ăn lén, thằng ăn vụng, thằng ăn xin mẹ, đến giao thừa là chỉ còn lại vài hạt lạc vung vãi trên mâm. Cũng không thế quên những bát cháo chè mà với chúng tôi thời đó là một món ăn xa xỉ phẩm: chỉ tết mới có ăn. Cháo chè đơn giản chỉ là đậu xanh, gạo nấu với đường mía thế nhưng nó ngon, ngọt hơn bất kỳ món gì cho đến giờ tôi đã từng nếm. Đêm giao thừa, thằng em trai tôi hảo ngọt, nó ăn một lúc hết 7 chén chè khiến cả nhà trố mắt. Phần vì phục sức ăn nó, phần vì nó ăn mất phần của người khác.
Tết năm nay, ở lại cùng mẹ, dù không đủ đầy nghi thức rình rang, nhưng vẫn ấm cúng lạ. Mẹ cười hiền, bảo: “Mẹ đâu cần chi nhiều, có con ở bên mẹ mừng rồi”. Giữa tiết trời se lạnh, tôi lặng nghe tiếng lòng - nhớ bố, thương những mùa Tết xưa cơ hàn, thương cả góc bếp đơn sơ mộc mạc, nơi chất chứa kỷ niệm tuổi thơ, nơi in sâu hình bóng người mẹ tảo tần cùng bốn đứa con ngóng đợi cha về.
Tết Di Linh mang một sắc màu rất riêng: vừa hanh hao hơi lạnh, vừa ấm lên nhờ bếp lửa nhà ai le lói trong đêm. Giao thừa năm nay, tôi và con gái tôi bên mẹ chờ thời khắc năm mới ghé về. Không còn cảnh mẹ tất tả như xưa, nhưng vẫn đủ làm lòng tôi bồi hồi, day dứt.
Hơn tất cả, tôi trân quý khoảnh khắc được ôm mẹ vào lòng, gói ghém những yêu thương, như một thứ “đặc sản” thiêng liêng mà tuổi thơ đã vun vén và mang lại.