Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị trong hội chứng Felty

Chế độ ăn đối với người mắc hội chứng Felty không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng mà còn là một biện pháp hỗ trợ tích cực giúp kiểm soát tình trạng viêm, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Nội dung

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị hội chứng Felty

2. Những dưỡng chất quan trọng giúp cải thiện sức khỏe cho người mắc hội chứng Felty

3. Người mắc hội chứng Felty nên hạn chế loại thực phẩm nào?

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị hội chứng Felty

Hội chứng Felty là một biến chứng của viêm khớp dạng thấp lâu dài có thể gây nhiễm trùng tái đi tái lại. Khi mắc hội chứng Felty, bệnh nhân thường có các triệu chứng: Khó chịu toàn thân, người mệt mỏi; Các khớp bị sưng tấy, đau cứng khớp và biến dạng; Sức đề kháng suy giảm; Ăn uống mất cảm giác ngon miệng, giảm cân không chủ ý, da xanh, tái nhợt... Tất cả những điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng của cuộc sống, bao gồm cả tình trạng dinh dưỡng.

Hiện nay có nhiều nhóm thuốc điều trị giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh nhưng người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị cần thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động theo hướng dẫn.

BS. Phạm Ngọc Dương

Bệnh nhân cần cân bằng giữa hoạt động, làm việc và nghỉ ngơi. Vật lý trị liệu: được hướng dẫn thực hiện bài tập tăng cường sức mạnh và vận động khớp. Thực hiện nghiêm túc chế độ ăn cân bằng, giàu protein, vitamin; tăng cường thực phẩm giàu folate, vitamin B12, sắt; hạn chế thực phẩm gây viêm như đường tinh luyện, chất béo bão hòa...

Đối với người bị hội chứng Felty, chế độ ăn uống phù hợp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, giúp cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng. Các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất và protein đóng vai trò thiết yếu trong việc củng cố hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Việc bổ sung vitamin nhóm B, canxi, vitamin D, sắt... giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ loãng xương. Một số thực phẩm có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm sưng đau khớp, một trong những triệu chứng khó chịu nhất.

Người bị hội chứng Felty thường bị sưng đau khớp.

Người bị hội chứng Felty thường bị sưng đau khớp.

2. Những dưỡng chất quan trọng giúp cải thiện sức khỏe cho người mắc hội chứng Felty

Người mắc hội chứng Felty cần có chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân bằng, chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị bao gồm:

Protein

Protein rất quan trọng trong việc duy trì và phục hồi các mô cơ ở người bệnh hội chứng Felty, giúp bù đắp cho tình trạng giảm cân và suy nhược.

Việc cung cấp đủ protein chất lượng cao bao gồm: thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và hạt... sẽ hỗ trợ chức năng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả hơn.

Chất xơ

Chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ổn định lượng đường trong máu và kiểm soát cân nặng cho người bệnh. Một số loại chất xơ hòa tan còn có khả năng hỗ trợ giảm viêm và điều hòa hệ miễn dịch.

Người bệnh nên bổ sung chất xơ tự nhiên có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Các vitamin và khoáng chất

Vitamin D: Rất quan trọng cho sức khỏe xương khớp và hệ miễn dịch. Người bệnh viêm khớp dạng thấp và hội chứng Felty có nguy cơ loãng xương cao hơn, do đó nên bổ sung đầy đủ vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ăn cá béo, lòng đỏ trứng, các sản phẩm tăng cường vitamin D.

Canxi: Cần thiết cho xương chắc khỏe và phòng ngừa loãng xương. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh đậm, đậu phụ và cá nhỏ ăn cả xương.

Sắt, folate và vitamin B12: Đây là những vi chất cần thiết để sản xuất tế bào máu khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu có thể xảy ra ở người bệnh Felty. Sắt có trong thịt đỏ, gan, các loại đậu và rau lá xanh đậm. Vitamin B12 có trong thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa. Folate có trong rau lá xanh đậm, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt...

Kẽm: Tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng bao gồm chức năng hệ miễn dịch và chữa lành vết thương. Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt, hải sản, các loại hạt và đậu...

Acid béo omega-3

Acid béo omega-3 có đặc tính chống viêm mạnh, giúp giảm tình trạng sưng đau khớp và cải thiện các triệu chứng viêm khác liên quan đến hội chứng Felty.

Các nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm cá béo, hạt lanh, hạt chia và dầu cá. Đối với những người mắc bệnh viêm khớp, việc bổ sung thực phẩm giàu omega-3 từ cá béo có thể giúp giảm sưng và đau khớp. Theo Tổ chức Viêm khớp Hoa Kỳ, một số loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá cơm đều rất giàu acid béo omega-3, các phân tử chất béo này giúp chống lại chứng viêm khớp.

Chất chống oxy hóa

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra trong quá trình viêm. Các vitamin như vitamin C (có trong cam, quýt, ổi, ớt chuông), vitamin E (có trong các loại hạt, dầu thực vật), beta-carotene (có trong cà rốt, bí đỏ) và các khoáng chất như selen (có trong cá ngừ, trứng) đều là những chất chống oxy hóa quan trọng tốt cho cơ thể người bệnh.

Chế độ ăn uống phù hợp giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện sức khỏe cho người bệnh.

Chế độ ăn uống phù hợp giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện sức khỏe cho người bệnh.

3. Người mắc hội chứng Felty nên hạn chế loại thực phẩm nào?

Để giúp kiểm soát các triệu chứng viêm và đau khớp, người mắc hội chứng Felty nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm sau:

Thực phẩm chế biến sẵn: Thường chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.

Các món ăn chứa nhiều muối: Muối có thể gây giữ nước và làm các khớp sưng đau hơn ở một số người.

Đường tinh luyện và đồ ngọt: Tiêu thụ nhiều đường kích thích sản xuất các cytokine gây viêm làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp.

Thịt đỏ: Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa hơn thịt trắng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ăn nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc tăng mức độ viêm nhiễm và làm trầm trọng thêm tình trạng sưng khớp và các triệu chứng viêm khớp.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Có nhiều trong thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ chiên rán và một số loại bánh kẹo công nghiệp góp phần làm tăng viêm nhiễm.

Tránh tiêu thụ quá nhiều omega-6: Sử dụng acid béo omega-6 quá nhiều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Các nguồn chất béo omega-6 phổ biến là một số loại dầu: đậu nành, ngô, hướng dương, dầu hạt cải...

Rượu: Lạm dụng rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Bất kỳ ai bị viêm khớp đều nên hạn chế hoặc tránh uống rượu.

Lưu ý: Để tối ưu hóa hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống, người bệnh hội chứng Felty cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời chủ động tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp nhất giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh một cách toàn diện.

Đức Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-ho-tro-dieu-tri-trong-hoi-chung-felty-169250421124023315.htm
Zalo