Chế độ dinh dưỡng cải thiện tình trạng thiếu máu cho người bệnh nhiễm giun móc

Nhiễm giun móc thường gây thiếu máu ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Do đó trong quá trình điều trị người bệnh cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng để khắc phục tình trạng thiếu máu, tăng sức đề kháng để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh nhiễm giun móc

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh nhiễm giun móc

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh nhiễm giun móc

3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh nhiễm giun móc

Nhiễm giun móc là căn bệnh phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm như nước ta. Người bị nhiễm giun móc thường có các dấu hiệu như: da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị, chán ăn, khó tiêu, thiếu máu, suy dinh dưỡng…

Giun móc là một loại ký sinh trùng sống trong ruột non của người. Chúng bám vào niêm mạc ruột và hút máu để nuôi sống cơ thể. Chính quá trình hút máu này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu máu ở những người bị nhiễm giun móc.

Tình trạng thiếu máu kéo dài khiến sức khỏe bệnh nhân suy giảm, tăng mức độ nặng của những bệnh nền sẵn có khiến việc điều trị rất phức tạp do phải điều trị phối hợp nhiều bệnh lý.

Do đó các chuyên gia y tế lưu ý, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh giun móc rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng như thiếu máu, suy dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân.

DS. Lê Thanh Hòa

Trong quá trình điều trị, người bệnh giun móc cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện tình trạng thiếu máu và sức khỏe tổng thể. Hạn chế thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày hoặc ruột như đồ ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ...

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh nhiễm giun móc

Giun móc hút máu trong ruột gây thiếu máu, vì vậy người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt để tăng cường hồng cầu. Cung cấp đủ protein giúp cơ thể phục hồi các tế bào bị tổn thương và nâng cao hệ miễn dịch. Giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi. Ăn các thực phẩm giúp làm dịu các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng. Bổ sung vitamin và khoáng chất như vitamin B12, folate, kẽm... giúp cho quá trình tạo máu và phục hồi sức khỏe.

Người nhiễm giun móc cần bổ sung thực phẩm giàu sắt để khắc phục tình trạng thiếu máu.

Người nhiễm giun móc cần bổ sung thực phẩm giàu sắt để khắc phục tình trạng thiếu máu.

Sắt

Sắt là thành phần quan trọng để tạo hồng cầu, vì vậy khi thiếu sắt cơ thể sẽ không sản xuất đủ hồng cầu để vận chuyển oxy.

Khi nhiễm giun móc cơ thể mất nhiều sắt. Chất tiết của giun móc có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, gây khó khăn cho việc hấp thụ sắt từ thức ăn nên người bệnh cần bổ sung sắt để sản xuất hồng cầu mới, khắc phục tình trạng thiếu máu.

Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm: Thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, các loại đậu...

Protein

Protein giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào, tăng cường hệ miễn dịch và sản xuất các kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng. Người bệnh nên chú ý cung cấp đủ protein từ: thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu phụ, các loại hạt…

Vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Đặc biệt, đối với những người bị nhiễm giun móc và thiếu máu, việc bổ sung vitamin B12 là cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe. Vitamin B12 giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, từ đó cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin B12: Thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa…

Folate

Folate cùng với vitamin B12 hỗ trợ quá trình tạo máu. Người bị nhiễm giun móc nên lựa chọn ăn các loại rau có lá màu xanh đậm, trái cây họ cam quýt, các loại đậu... để bổ sung folate.

Kẽm

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng hấp thụ sắt cho người bệnh nhiễm giun móc.

Nguồn thực phẩm giàu kẽm rất phong phú bao gồm: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, sò, hàu, cua, tôm, cá…; đậu Hà Lan, giá đỗ, đậu nành, bột mì, cà rốt, lạc, ổi, chuối…

Nguồn thực phẩm giàu kẽm.

Nguồn thực phẩm giàu kẽm.

3. Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh nhiễm giun móc

Tăng cường rau xanh và trái cây trong thực đơn hằng ngày để cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ để hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
Uống đủ nước để loại bỏ độc tố và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm khó tiêu như đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có gas, thức ăn sống… để tránh gây thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa đã bị tổn thương.
Nấu chín kỹ thức ăn để tiêu diệt trứng giun và vi khuẩn gây bệnh.
Chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ thức ăn hơn.

Vệ sinh cá nhân, môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong phòng và điều trị bệnh giun móc vì bệnh lây truyền qua đường ăn uống như ăn thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và môi trường. Không dùng phân tươi bón ruộng, vườn. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch…

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cai-thien-tinh-trang-thieu-mau-cho-nguoi-benh-nhiem-giun-moc-169241227160002683.htm
Zalo