Chế độ ăn cho thai phụ mắc hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm trong thai kỳ với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho thai phụ mắc hội chứng HELLP

2. Các dưỡng chất cần thiết cho thai phụ mắc hội chứng HELLP

3. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

Hội chứng HELLP (viết tắt của cụm từ syndrome of hemolysis, elevated liver enzymes and low platelets), là một hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu.

Hội chứng HELLP xảy ra với tần suất khoảng 0,1 - 1% các trường hợp mang thai, là một hội chứng ít gặp với những triệu chứng không đặc hiệu và đôi khi bị che lấp trong bệnh cảnh tiền sản giật, sản giật nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn và có thể bị bỏ qua. Hội chứng HELLP thường đi kèm ở sản phụ có tăng huyết áp trong quá trình mang thai.

Theo BSCKII. Huỳnh Thanh Liêm - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, hội chứng HELLP ở thai phụ nếu không được xử trí kịp thời bệnh sẽ trở nặng nhanh chóng và đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con rất cao. Biểu hiện sớm thường gặp nhất của hội chứng HELLP là tình trạng phù chân và tăng huyết áp. Các dấu hiệu này có thể phát hiện được khi khám thai.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho thai phụ mắc hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, đe dọa tính mạng cả mẹ và bé. Khi mắc hội chứng HELLP, thai phụ có tăng men gan, tiểu cầu giảm và rối loạn chức năng đông máu. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Hội chứng HELLP xảy ra ở khoảng 4 - 12% bệnh nhân tiền sản giật.

Hội chứng HELLP xảy ra ở khoảng 4 - 12% bệnh nhân tiền sản giật.

Quá trình điều trị và các triệu chứng của hội chứng HELLP thường khiến thai phụ mệt mỏi, chán ăn. Chế độ ăn hợp lý, cung cấp đầy đủ năng lượng sẽ giúp cơ thể phục hồi tốt hơn, giúp giảm các triệu chứng như buồn nôn, ợ chua, đầy bụng, thường gặp ở phụ nữ mang thai mắc hội chứng HELLP.

Bổ sung các dưỡng chất cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất giúp sửa chữa các tế bào bị tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình đông máu cũng như hỗ trợ chức năng gan và thận của bà mẹ. Gan và thận là hai cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề bởi hội chứng HELLP. Chế độ ăn phù hợp giúp giảm gánh nặng cho các cơ quan này.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho thai phụ mắc hội chứng HELLP

Protein: Giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào, đặc biệt quan trọng cho quá trình phục hồi. Nguồn cung cấp: Thịt nạc (gà, bò, lợn), cá, trứng, đậu, các loại hạt.

Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng, giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Nguồn cung cấp: Dầu ô liu, dầu cá, quả bơ, các loại hạt.

Carbohydrate: Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Nguồn cung cấp: Gạo lứt, khoai lang, các loại đậu, bánh mì nguyên cám.

Canxi: Việc bổ sung canxi có thể làm giảm một nửa nguy cơ phát triển tiền sản giật. Phụ nữ mang thai, đặc biệt những người có chế độ ăn ít canxi, nên bổ sung khoảng 1.000-1.500 mg canxi mỗi ngày để giảm nguy cơ tăng huyết áp, ngăn ngừa tiền sản giật. Nguồn cung cấp: Thịt bò, súp lơ xanh, sữa, sữa chua, nước cam, tôm, cua đồng, rau xanh, ngũ cốc, trứng, cá hồi, cá thu (nên ăn ít vì có chứa thủy ngân).

Vitamin D: Tình trạng của vitamin D liên quan đến tiền sản giật do sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa của vitamin D trong mô của nhau thai. Nghiên cứu cho thấy những thai phụ thiếu vitamin D giai đoạn đầu thai kỳ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao gấp 5 lần. Nguồn cung cấp: Vitamin D có nhiều trong dầu cá, trứng và nấm, bơ thực vật, ngũ cốc, sữa các sản phẩm từ sữa.

Vitamin C: Những mẹ bầu có mức vitamin C trong máu thấp có nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp 2-3 lần so với những người khỏe mạnh. Nguồn cung cấp: Trái cây tươi và các loại rau xanh chứa nhiều vitamin C.

Vitamin B, acid folic: một chế độ ăn giàu vitamin B và acid folic giúp làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật. Nguồn cung cấp: bông cải xanh, rau bina, cải xoăn và măng tây.

3. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

Chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh cảm giác no nhanh và khó tiêu.
Uống đủ nước: Giúp cơ thể đào thải độc tố, duy trì sự cân bằng điện giải.
Hạn chế thực phẩm khó tiêu: Tránh các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
Tăng cường thực phẩm tươi sống: Rau củ quả tươi cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Hạn chế muối: Giúp kiểm soát huyết áp.
Bổ sung vitamin và khoáng chất: Có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất qua thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất không chỉ giảm nguy cơ tiền sản giật mà còn giúp bà bầu duy trì sức khỏe tốt cho cả quá trình mang thai và sinh nở.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất không chỉ giảm nguy cơ tiền sản giật mà còn giúp bà bầu duy trì sức khỏe tốt cho cả quá trình mang thai và sinh nở.

3.1. Thực phẩm thai phụ mắc hội chứng HELLP nên ăn

- Các thực phẩm giàu carbohydrate như gạo lứt, ngô, khoai, sắn, bánh mì đen hoặc ngũ cốc nguyên cám.

- Thực phẩm giàu protein, giàu sắt và canxi như thịt nạc, thịt bò, tôm, cá nạc, cua đồng...

- Thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh như bơ động vật, dầu ô liu, dầu mè, dầu hạnh nhân, hướng dương, hạt điều, trứng, thực phẩm từ đậu nành, quả óc chó, omega-3 trong các loại cá.

- Ăn nhiều loại rau xanh, bông cải xanh, cà chua, bí đỏ, khoai tây.

- Tăng cường các loại trái cây theo mùa và theo địa phương như thanh long, cam, bưởi, đu đủ chín, chuối...

- Bổ sung các loại sữa ít béo, không đường và những chế phẩm từ sữa như sữa chua, sữa chua Hy Lạp, phô mai tươi.

3.2. Những thực phẩm cần hạn chế

- Thực phẩm chế biến sẵn: như ngũ cốc ăn sáng, mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp, mì chính, hạt nêm thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh.

- Rượu, bia, nước ngọt có gas: Gây đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng đến gan và thận.

- Nội tạng động vật và những loại thịt nhiều mỡ.

- Các loại gia vị cay nóng như hạt tiêu, gừng, ớt có thể gây kích ứng dạ dày.

- Những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, các loại nước ngọt.

- Thực phẩm chứa nhiều muối như đồ hộp, dưa cà muối: Nạp quá nhiều natri có thể làm tăng huyết áp.

- Thai phụ tuyệt đối không nên ăn các món tái, sống như trứng chần, gỏi...

3.3. Thực đơn gợi ý

Bữa sáng: Cháo yến mạch với trái cây, sữa chua không đường.
Bữa trưa: Cơm gạo lứt, cá hấp, rau luộc.
Bữa tối: Súp rau, bánh mì nguyên cám.
Ăn nhẹ: Trái cây tươi, sữa chua không đường, các loại hạt.

BSCKII. Huỳnh Thanh Liêm lưu ý, thai phụ nên khám thai định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn, phát hiện sớm nếu có tiền sản giật từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Thai phụ nên theo dõi cân nặng trong suốt quá trình mang thai. Cân nặng tăng quá nhanh có thể là dấu hiệu của việc tích nước, cần báo ngay cho bác sĩ. Đường huyết cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-thai-phu-mac-hoi-chung-hellp-169241227195139652.htm
Zalo