5 bước cơ bản không thể bỏ qua khi sơ cứu người bị gãy xương

Sơ cứu gãy xương kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để phòng tránh các di chứng, thậm chí là để bảo vệ tính mạng.

Khi bị gãy xương, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như đau dữ dội ở vùng chấn thương, cảm giác đau ngày càng tăng lên khi cử động, vùng bị thương có thể bị bầm tím hay biến dạng, máu chảy nhiều tại chỗ bị thương, xương chọc ra ngoài da…

Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể khiến người bị thương tàn phế suốt đời, thậm chí là tử vong.

Theo BS. Đinh Văn Chỉnh - Bệnh viện đa khoa Medlatec, mục đích của sơ cứu gãy xương là hạn chế đến mức tối đa mức độ thương tổn cho người bị, từ đó phòng tránh được các di chứng sau này cũng như đảm bảo an toàn cho tính mạng.

Trong mọi trường hợp gãy xương đều cần sơ cứu kịp thời, đặc biệt trong một số trường hợp sau cần phải thực hiện sơ cứu gãy xương cho nạn nhân nhanh chóng và gọi cấp cứu càng sớm càng càng tốt.

- Nạn nhân không thể cử động kèm theo dấu hiệu khó thở, không thở được.

- Xương gãy đâm xuyên qua da khiến nạn nhân bị chảy máu nhiều.

- Cảm giác chi ngắn lại, biến dạng và các ngón tay/ chân tê liệt, xanh tím.

- Vị trí chấn thương bị bầm tím, sưng nề và đau khi chạm vào hoặc cử động.

- Nghi ngờ nạn nhân bị gãy xương cổ, đầu hoặc lưng.

- Nạn nhân giảm hoặc không thể cử động, vận động.

- Nạn nhân bị sốc với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu,… thường xảy ra khi bị gãy xương chậu, gãy xương đùi,…

Một số kiểu gãy xương thường gặp (Ảnh minh họa)

Một số kiểu gãy xương thường gặp (Ảnh minh họa)

Các bước sơ cứu gãy xương

Trong lúc chờ đợi dịch vụ y tế khẩn cấp, có thể sơ cứu gãy xương cho nạn nhân theo các bước sau.

- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân thông qua nhịp thở, nhịp đập của mạch và trạng thái (tỉnh táo, lơ mơ hay kích động). Đồng thời, đánh giá mức độ thương tổn của mạch máu và các cơ quan, bộ phận ngay tại vị trí xương bị gãy bằng cách quan sát và sờ tay nhẹ.

- Sử dụng nẹp hoặc cây gỗ, thanh tre để cố định xương bị gãy. Lưu ý là nẹp sẽ được cố định ở phần phía trên và phía dưới xương bị gãy, đảm bảo nẹp chắc chắn và dính chặt vào chi hoặc cơ thể thành một khối. Nếu xương gãy hở thì nắn chỉnh xương lại đúng vị trí, sau đó cầm máu, băng vết thương rồi mới thực hiện nẹp. Lưu ý là lót một tấm vải hoặc gạc lên xương và nẹp để vết thương không bị viêm nhiễm.

- Trường hợp gãy xương tay chân thì sẽ cố định tay chân ở tư thế cơ năng, tức là tay gập 90 độ và chân duỗi thẳng.

- Sau khi cố định xương bị gãy thì kiểm tra lại mạch máu bên dưới điểm cố định để xem máu có lưu thông hay không. Nếu thấy phần dưới này bị tím tái thì khả năng cao là máu lưu thông kém, cần phải chỉnh sửa lại nẹp.

- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý là hạn chế xê chuyển nạn nhân và chạm vào vùng cơ thể bị chấn thương, gãy xương.

Sơ cứu gãy xương kịp thời và đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa)

Sơ cứu gãy xương kịp thời và đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi sơ cứu gãy xương

- Khi cố định xương bị gãy, trường hợp không rõ kỹ thuật nắn chỉnh thì không nên kéo xương về trục thẳng vì việc này có thể khiến nạn nhân đau đớn và bị sốc do đau.

- Sau khi cố định xương bị gãy thì phải kiểm tra mạch máu ở phía dưới để đảm bảo máu tuần hoàn tốt, tránh tình trạng máu không lưu thông đến, gây tím tái và hoại tử.

- Với vết thương hở và chảy máu thì cần vệ sinh vết thương và cầm máu trước, sau đó mới tiến hành cố định xương.

- Nếu xương bị gãy và lộ ra ngoài thì không được đặt nẹp trực tiếp lên xương mà phải lót vải, gạc, băng vào đầu xương và nẹp trước, sau đó mới thực hiện cố định xương.

- Không nên cởi quần áo của nạn nhân, trường hợp buộc phải cởi thì phải cởi nhẹ nhàng từ bên không bị gãy qua. Tốt nhất vẫn là dùng dao kéo để cắt quần áo, giúp vết thương lộ ra.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/5-buoc-co-ban-khong-the-bo-qua-khi-so-cuu-nguoi-bi-gay-xuong-d203921.html
Zalo