Chế biến sâu, phát triển xanh để vươn tầm giá trị cà phê Việt

Ngành cà phê Việt đã và đang khẳng định được vị thế trên toàn cầu. Song để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cà phê trong những năm tới, ngành cần nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra của thị trường thế giới.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2024 là một năm thành công đối với ngành cà phê Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về khối lượng, nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 4.151 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, ngành cà phê cũng đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng và chứng nhận các vùng sản xuất cà phê bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Nước ta đang vươn lên đóng gói chế biến có thương hiệu trong chế biến sâu đối với cà phê Việt

Nước ta đang vươn lên đóng gói chế biến có thương hiệu trong chế biến sâu đối với cà phê Việt

Theo bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc Truyền thông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, từ cà phê nhân-xuất thô, nước ta đang vươn lên đóng gói chế biến có thương hiệu trong chế biến sâu.

"Nỗ lực của Việt Nam, ngành cà phê và các doanh nghiệp Việt đang dần vươn lên chế biến sâu. Cụ thể là cung cấp không chỉ là hạt cà phê nhân mà cung cấp ra nhiều nguyên liệu làm đầu vào cho những hãng cà phê khác, mua nguyên liệu đã được chế biến -chứ không chỉ là mua cà phê nhân, cà phê hòa tan, cà phê hạt và trong nhiều lĩnh vực về sinh học, về y tế, về nguyên liệu- thực phẩm mà cà phê thì có thể đi vào trong chế biến sâu" - bà Giang chia sẻ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cà phê trong những năm tới, ngành cà phê cần nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Việc cải thiện chuỗi cung ứng, tăng cường chế biến và thúc đẩy cà phê bền vững là “chìa khóa” để cà phê Việt Nam khẳng định được vị thế vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân chăm sóc cây cafe theo tiêu chuẩn

Người dân chăm sóc cây cafe theo tiêu chuẩn

Để đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê đối với các thị trường lớn trên thế giới, đơn cử như đối với thị trường các nước Liên minh châu Âu thời gian tới, ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê- mà tập trung tái canh theo kế hoạch. Đồng thời thực hiện phát triển theo hướng xanh, bền vững ở 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo ông Chí: "Các giải pháp cụ thể để mà xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường mới là định hướng quan trọng nâng cao giá trị của ngành cà phê của tỉnh trong giai đoạn tới. Liên quan tới các quy định mới của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều chính sách tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp thích ứng với quy định của Liên minh châu Âu- EU. Theo đó sẽ, sản xuất cà phê tuân thủ không phá rừng và suy thoái rừng trong sản xuất trên địa bàn".

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/gia-ca-phe/che-bien-sau-phat-trien-xanh-de-vuon-tam-gia-tri-ca-phe-viet-post1154939.vov
Zalo