Cháy rực khát vọng thống nhất

Ký ức hào hùng về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn in đậm trong tâm trí những người chiến sĩ giải phóng quân năm xưa.

Phá “cánh cửa thép” tiến về Sài Gòn

Với những cống hiến của mình trong hơn 10 năm trận mạc, vào sinh ra tử, Đại tá Nguyễn Văn Leo đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước trao tặng trao Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, cùng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương khác.

Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm gặp các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - những người trực tiếp góp phần viết nên trang sử vàng “Đại thắng mùa Xuân 1975”. Trong căn nhà nhỏ đầy ắp kỷ vật chiến trường ở TP Đà Nẵng, họ kể cho tôi nghe những ký ức sống động về ngày giải phóng - không phải qua sách vở, mà từ ký ức và niềm xúc động từ chính trái tim mình.

Năm 1974, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng (SN 1956, quê Hà Tĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân) lúc bấy giờ mới 18 tuổi. Nỗ lực vượt khó đã giúp chàng thanh niên vùng quê hiếu học thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi nhận được kết quả, chưa kịp vui mừng thì chiến trường miền Nam có những diễn biến mới, quân đội chúng ta cần thần tốc hơn nữa để đè bẹp quân địch, thống nhất non sông. Trước yêu cầu cấp bách, chàng thanh niên Phan Thanh Giảng đành tạm gác lại ước mơ vào giảng đường đại học, xung phong khoác ba lô, cầm súng lên đường đánh giặc.

Ông kể: “Tôi cầm trên tay giấy báo đỗ Đại học Tổng hợp Hà Nội khi vừa tròn 18 tuổi. Niềm vui chưa kịp trọn thì tiếng gọi non sông vang lên: Chiến trường miền Nam cần thêm những người lính trẻ. Tôi đặt phong bì giấy báo xuống, viết ngay đơn tình nguyện nhập ngũ. Gia đình, người thân tôi khóc như mưa khi tiễn con trai khoác ba lô lên đường.

Cuối năm ấy, tôi được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Đoàn 22 B (thuộc Quân khu 4) tại xã Sơn Quang (tỉnh Hà Tĩnh) - nơi huấn luyện những chàng trai mới lớn thành chiến sĩ. Chúng tôi tập bắn, tập hành quân với cường độ thần tốc. Sau thời gian ngắn huấn luyện, đầu tháng 2/1975, tôi cùng đơn vị hành quân về Sư đoàn 341 (Sư đoàn dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, sau này lấy tên là Sư đoàn Sông Lam) tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và tiếp tục hành quân vượt sông Bến Hải, men theo đường 9 Nam Lào tiến vào Nam Bộ. Những đêm dọc Trường Sơn, tiếng côn trùng rả rích hòa với tiếng máy bay địch, tiếng mìn nổ xa xa”.

Trận đánh lớn nhất của Sư đoàn Sông Lam khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận tiến công yếu khu Trảng Bom, Đồng Nai. Đây là trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh của cánh quân Đông Bắc để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn theo đường số 1 và xa lộ Biên Hòa. Đây là trận tác chiến hợp đồng quân binh chủng lớn nhất, đầy đủ nhất các lực lượng của Sư đoàn 341 kể từ khi vào chiến trường.

Tại đây, lãnh đạo Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung binh hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch trong một thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng xốc lại lực lượng, sẵn sàng cùng với các đơn vị bạn phát triển vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn khi có thời cơ.

17 giờ ngày 26/4, tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra ở hướng Đông, cả Sư đoàn đã ém gọn vào vị trí tập kết an toàn. Đường hành quân của ta rất bí mật, nhưng địch vẫn tăng cường phản kích ngăn chặn. Chúng bắn pháo và thả bom vào những nơi nghi ngờ có lực lượng quân giải phóng trú quân. Ngoài ra, địch còn tung biệt kích, thám báo lùng sục để phát hiện lực lượng của ta. Song mọi cố gắng của địch đều không mang lại kết quả. Các đơn vị của Sư đoàn vẫn bí mật áp sát mục tiêu, các khẩu pháo vẫn được kéo vào chiếm lĩnh trận địa.

Vào lúc 4 giờ 5 phút ngày 27/4, lệnh nổ súng tiến công yếu khu Trảng Bom được phát đi. Các trận địa pháo của Trung đoàn 55 Pháo binh do Trung đoàn trưởng Lê Văn Cúc chỉ huy lập tức nhả đạn. Những cầu vồng lửa vút lên, tới tấp giáng xuống 7 trận địa pháo của địch. Cùng lúc, pháo tăng cường cho các trung đoàn bộ binh cũng tới tấp dội xuống các mục tiêu. Yếu khu Trảng Bom chìm ngập trong khói lửa của trận mưa pháo khủng khiếp.

 Tấm bằng Gia đình vẻ vang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký tặng vào năm 1975 cho ông Nguyễn Vượng và bà Đỗ Thị Lửa là cha, mẹ của Đại tá Nguyễn Văn Leo.

Tấm bằng Gia đình vẻ vang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký tặng vào năm 1975 cho ông Nguyễn Vượng và bà Đỗ Thị Lửa là cha, mẹ của Đại tá Nguyễn Văn Leo.

Đại đội của tôi thần tốc tiến vào bìa rừng cao su, tiếp tục ra đường Quốc lộ 1A, vượt qua cổng chào yếu khu và vào khu trung tâm trong tình thế pháo địch bắn dồn dập. Trong thế tiến công, đạn pháo tới tấp của địch đã làm nhiều đồng đội của tôi hy sinh và bản thân tôi bị thương ở chân…

10 giờ 30 phút ngày 27/4, toàn bộ quân địch trong yếu khu Trảng Bom bị ta tiêu diệt. Trận then chốt mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông Bắc của Sư đoàn 341 thắng lợi giòn giã. Ta làm chủ một đoạn đường dài 14km Quốc lộ 1 từ ngã 3 sông Thao đến Tây Trảng Bom. Chiến thắng Xuân Lộc và chiến thắng Trảng Bom đã mở toang cánh cửa thép để đại quân ta cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn”...

 Đại tá Nguyễn Văn Leo xem lại bức ảnh chụp cùng đồng đội sau khi tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Đại tá Nguyễn Văn Leo xem lại bức ảnh chụp cùng đồng đội sau khi tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Cũng là cựu chiến binh tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Nguyễn Văn Leo (SN 1955, thương binh hạng 3/4, quê Lệ Thủy, Quảng Bình, thường trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vẫn chưa thể nào quên những ngày lịch sử ấy.

Ông thuật lại: “Vào tháng 10/1974, tôi rời Lệ Thủy lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 khi vừa tròn 19 tuổi. Chiếc ba lô trên vai còn thơm mùi vải mới, lòng đầy háo hức lạ kỳ. Sau cái Tết Nguyên đán vội vã bên gia đình, Sư đoàn 341 nhận lệnh hành quân thần tốc vào Nam.

Thời điểm này chúng tôi hành quân bằng xe cơ giới theo đường Trường Sơn để vào miền Nam, ban ngày nghỉ ban đêm đi để tránh bị địch phát hiện. Đến thị xã Lộc Ninh (Bình Phước), chúng tôi được lệnh chia ra nhiều hướng để chuẩn bị chiến đấu”.

Theo Đại tá Leo, lúc này Quân đoàn 4 đã có 2 sư đoàn tại chiến trường, Sư đoàn Sông Lam vào trở thành sư đoàn thứ 3 của Quân đoàn 4. Trận đầu tiên, Tiểu đoàn 3 của Đại tá Leo đánh địch tại Chơn Thành (Bình Dương). Tiếp đó, từ ngày 9/4 đến 21/4/1975 đơn vị ông tiếp tục chiến đấu tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ngày 27/4/1975 đơn vị ông tiếp tục đánh địch và giải phóng Trảng Bom rồi chiến đấu ở Biên Hòa. Các trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt.

“Ngày 27/4, chúng tôi xung phong đánh chiếm Trảng Bom. Đạn pháo địch như vải lụa xé toạc bầu trời. Tôi nhớ như in tiếng hô “Xung phong!” của Tiểu đoàn trưởng vang lên trong làn khói đạn. Khi lá cờ quân giải phóng cắm trên nóc yếu khu, nhiều người trong chúng tôi khóc - không phải vì đau đớn thể xác, mà vì quá nhiều đồng đội đã không thể chứng kiến khoảnh khắc ấy” - Đại tá Leo rớm nước mắt nhớ lại.

Sung sướng đến vỡ òa cảm xúc

Tiếp tục hồi ức những phút giây hào hùng, lịch sử đè bẹp quân địch, thống nhất non sông, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng thuật lại: Sau khi chiếm lĩnh Trảng Bom, tiêu diệt địch ở Bàu Cá, Suối Đĩa, ngày 28/4/1975 Sư đoàn 341 phát triển đánh vào Hố Nai (Đồng Nai). Cuộc chiến đấu nhằm đập tan tuyến phòng thủ then chốt của địch diễn ra rất quyết liệt.

Sáng ngày 29/4/1975, Sư đoàn 341 có 5 xe tăng dẫn đầu lần lượt đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Tới ngã 3 Hố Nai - Biên Hòa, gặp hào sâu, xe tăng không qua được, phải vòng qua phía Bắc đánh xuống Biên Hòa. Trung đoàn 273 diệt một tiểu đoàn địch ở ga Long Lạc, tiến vào sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ của Sư đoàn 3 Không quân Ngụy. Trung đoàn 270 phối hợp cùng Sư đoàn 6 đánh chiếm căn cứ pháo binh Hốc Bà Thức, sau đó cùng Trung đoàn 266 vòng qua Hố Nai, đánh vào Long Bình.

 Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341 Quân đoàn 4.

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341 Quân đoàn 4.

Sáng 30/4/1975, Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 270, Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 273 (các Trung đoàn thuộc Sư đoàn 341) vượt qua sông Đồng Nai. Pháo địch từ trường Sĩ quan Thủ Đức, từ trường Cảnh sát quốc gia và sau nhà máy Xi măng bắn dữ dội vào đoạn Long Bình - Thủ Đức. Pháo binh ta bắn chế áp các trận địa pháo binh địch để bảo vệ cho đội hình tiến công hành tiến của quân ta.

Khoảng 6 giờ sáng 30/4/1975, pháo binh mặt đất, pháo cao xạ của Quân đoàn 2 bắn dập đầu pháo binh địch. Các trận địa pháo của địch tê liệt dần. Đến 10 giờ sáng, Quân đoàn 2 đánh tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch. Tuyến phòng thủ Sài Gòn đã bị đập vỡ. Năm cánh quân, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của quân ta tiến vào Sài Gòn như thác đổ.

Sau Quân đoàn 2 là các đơn vị của Quân đoàn 4 trong đó có Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 270, Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 273, Tiểu đoàn 14 của Sư đoàn 341.

“Đại đội 9 chúng tôi cùng một số lực lượng trên của Sư đoàn ngồi trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, song khi đến xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn đường chật cứng nên 13 giờ 30 phút mới đến dinh, muộn hơn Quân đoàn 2 hai tiếng đồng hồ.

Thật đáng tiếc tôi bị thương nên không được vào Sài Gòn chứng kiến thời khắc lịch sử linh thiêng này. Đang điều trị tại bệnh xá Sư đoàn, qua chiếc đài bán dẫn, khoảng 13 giờ chúng tôi nhận được tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng trên Đài Phát thanh. Chúng tôi ôm nhau, reo hò, vỡ òa, sung sướng. Nhiều người lặng đi bàng hoàng, xúc động, nước mắt giàn giụa trên má, những giọt nước mắt trong niềm vui sướng đến tột cùng, và những giọt nước mắt tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hi sinh cho đất nước ngày toàn thắng”, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng chia sẻ.

Còn Đại tá Nguyễn Văn Leo cho biết thêm, tối 29/4/1975 sau khi giải phóng Biên Hòa, Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 273 được lệnh đánh địch ở phía Bắc cầu Sài Gòn, nhưng địch chống trả quyết liệt. Đến gần sáng 30/4/1975 đơn vị được lệnh lùi về đóng tại nhà thờ Hố Nai để củng cố lực lượng.

Đến 8 giờ sáng 30/4/1975, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 nhận lệnh của Sư đoàn trưởng dẫn quân thẳng tiến về Dinh Độc Lập.

“Nhận lệnh, đơn vị đã thu quân và lên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, dòng người quá đông nên đến 12 giờ ngày 30/4/1975 đơn vị tôi mới vượt qua được cầu Sài Gòn và đến Dinh Độc Lập. Lúc xe chúng tôi vào thì đã thấy cờ của Quân Giải phóng đã được cắm.

Cảm xúc của tôi lúc này vui buồn rất khó tả. Tôi vui vì là một trong những chiến sĩ tham gia trong chiến dịch và vui vì chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, đất nước đã được giải phóng. Nhưng buồn vì đồng đội hy sinh rất nhiều sau những trận đánh vừa qua”, Đại tá Nguyễn Văn Leo nhớ lại.

Sau khi giải phóng, ông Phan Thanh Giảng tiếp tục được rèn luyện trong môi trường Quân đội, đào tạo tại Học viện Chính trị và Học viện Quốc phòng, giữ các cương vị Phó Trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn tên lửa 275, Chính ủy Sư đoàn 375, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, và nghỉ hưu năm 2017 tại TP Đà Nẵng với quân hàm Thiếu tướng.

Còn Đại tá Nguyễn Văn Leo tiếp tục sang chiến trường Campuchia chiến đấu chống quân Pol Pốt đến năm 1988. Rồi lần lượt công tác tại các đơn vị như: Sư đoàn 315, Sư đoàn 307, Sư đoàn 2 của Quân khu 5. Năm 1999, Đại tá Nguyễn Văn Leo được bổ nhiệm giữ chức Chánh Thanh tra quốc phòng Quân khu 5 cho đến khi về hưu vào năm 2014.

Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng những ký ức về những trận đánh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn luôn in sâu trong trái tim của những người lính như Thiếu tướng Phan Thanh Giảng hay Đại tá Nguyễn Văn Leo.

Quá khứ về một thời oanh liệt của các cựu chiến binh sẽ giúp thế hệ trẻ ngày nay thêm trân trọng, tự hào về truyền thống hào hùng, sự hy sinh của thế hệ cha anh để được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, từ đó có những việc làm, hành động cụ thể để viết tiếp bản hùng ca hào hùng của dân tộc.

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341 Quân đoàn 4 đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, cùng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương khác.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chay-ruc-khat-vong-thong-nhat-post729270.html
Zalo