'Ngày 30/4 của 50 năm trước, tôi đang đứng giữa Sài Gòn'
Ngày 30/4 năm nay, không ít cựu chiến binh đến TPHCM từng có mặt tại đây đúng ngày này 50 năm trước. Chỉ khác là hôm nay, họ tới thành phố cùng con cháu.
Trong dòng người tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước tại TPHCM, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hội (sinh năm 1955, quê Hương Khê, Hà Tĩnh) là một trong những nhân chứng của ngày lịch sử 30/4/1975.
Ông Hội nhập ngũ năm 1974, tham gia vào Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 - đơn vị được thành lập tại Nghệ An. Với vai trò là chiến sĩ bộ binh, ông trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hội cùng cháu ngoại. Ảnh: Xuân Ngọc
"Ngày 9/4/1975, chúng tôi tiến vào mặt trận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay là huyện Xuân Lộc, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Đơn vị của tôi thuộc đoàn Sông Lam, sau khi đánh xong thì tiến qua Trảng Bom, rồi Biên Hòa. Khi chưa giải phóng được thì bàn giao cho Sư đoàn 6, còn tôi theo quốc lộ tiến vào Sài Gòn" - ông Hội kể.
Đến ngày 30/4/1975, khi cờ giải phóng phất bay trên nóc dinh Độc Lập, ông và đồng đội vỡ òa niềm vui chiến thắng. Sau ngày giải phóng, ông ở lại làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn.
"Hồi ấy, nhà cửa không như bây giờ, đường sá cũng kém hơn nhiều" - ông nhớ lại.
Đến ngày 29/7/1977, ông được điều động sang chiến trường Campuchia và phục vụ hơn 3 năm trước khi trở về.
Rời quân ngũ năm 1981, ông Hội về Hương Khê quê hương và đảm nhận chức vụ Bí thư chi bộ của xóm 2, xã Hòa Hải. Sau chiến tranh, ông xây dựng gia đình và có 5 người con, trong đó có 1 người con gái đang sinh sống tại Sài Gòn.
Hôm qua, ông Hội đi xe buýt từ Bình Dương lên TPHCM, sau đó tìm đến đường Lê Duẩn để tham dự lễ kỷ niệm. Đồng hành cùng ông là cháu ngoại Nguyễn Văn Tuệ, sinh năm 2007.
"Thấy chương trình kỷ niệm ngày 30/4 được tổ chức hoành tráng quá, tôi như sống lại như thời trai trẻ" - ông Hội chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Sáng (SN 1955, quê Hà Tĩnh) cũng là một trong những "người trở lại".
Tháng 10/1974, ông nhập ngũ tại Hà Tĩnh, thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 đóng tại Nghệ Tĩnh (tỉnh cũ - nay là Quân khu 4). Là chiến sĩ bộ binh, ông tham gia chiến đấu tại nhiều mặt trận quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Sáng và các con trên đường Lê Duẩn. Ảnh: Xuân Ngọc
Năm 1975, ông Sáng tham gia mặt trận Xuân Lộc - Long Khánh. Quân đoàn 4 của ông góp phần giải phóng sân bay Biên Hòa. Từ ngày 26-30/4/1975, ông cùng đồng đội trong cánh quân phía Đông Bắc tiến vào Sài Gòn.
"Lúc 15h ngày 30/4/1975, chúng tôi có mặt tại dinh Độc Lập, chiếm khu hậu cần của chính quyền Sài Gòn" - ông Sáng nhớ lại. Sau đó, ông tham gia tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền giải phóng và xây dựng lực lượng chính quyền mới.
Năm 1977, ông được điều động sang Campuchia. Ông bị thương vào tháng 9/1979 do đạn pháo và được công nhận là thương binh hạng 3/4. Đến năm 1980, ông trở về quê và rời quân ngũ.
Hiện nay, ông Sáng sinh sống tại quê nhà Hà Tĩnh. Vợ chồng ông có 4 người con, trong đó 1 người con trai đang sinh sống tại TPHCM.
"Tôi từ Hà Tĩnh vào TPHCM từ ngày 20/4" - ông Sáng cho biết. Chuyến đi này, ông được tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện vào tham quan nhân dịp kỷ niệm 30/4.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu vẫn luôn sống động trong tâm trí ông Sáng và đồng đội. Họ có mặt ở TPHCM hôm nay để một lần nữa là chứng nhân cho thời kỳ mới của lịch sử dân tộc.
Ba thế hệ cùng dự lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Trong khi đó, gia đình cựu chiến binh Phạm Thế Lữ đi dự kỷ niệm 30/4 với đầy đủ 3 thế hệ.
Ông Phạm Thế Lữ (SN 1950, quê tỉnh Ninh Bình) và bà Hoàng Thị Dung (SN 1952, quê Hà Tĩnh) là đôi vợ chồng cựu chiến binh có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay, cả gia đình với 11 thành viên từ phường Thới An, quận 12 cùng nhau về trung tâm TPHCM dự lễ kỷ niệm.


Ông Phạm Thế Lữ và vợ bà Hoàng Thị Dung cùng con cháu. Ảnh: Xuân Ngọc
Năm 1970, khi mới 16 tuổi, bà Dung đã nhập ngũ, sau đó nhập vào Tổng đội Thanh niên xung phong.
"Tôi chuyên làm đường, vác đạn" - bà Dung kể ngắn gọn về nhiệm vụ của mình thời chiến tranh. Vào ngày 30/4/1975, bà đang có mặt tại ngã ba Đồng Lộc.
Còn ông Lữ công tác trong ngành thủy lợi từ năm 1970. Năm 1989, gia đình ông bà chuyển vào TPHCM sinh sống và gắn bó với thành phố này cho đến nay. Sau khi về hưu, cuộc sống của họ được các con cháu chăm chút chu đáo.
"Tôi nhận được giấy mời từ Hội Cựu chiến binh. Dù có đau mấy bệnh của người già, tôi cũng đi vì không còn nhiều cơ hội nữa" - bà Dung vui vẻ nói.
Đồng hành cùng ông bà là các con cháu. Anh Phạm Như Ngọc (SN 1983), con thứ 3 của ông bà, hiện làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Vợ chồng anh Ngọc có 2 con, cháu gái 8 tuổi và cháu trai 4 tuổi, hôm nay cũng được đưa đi cùng.
"Gia đình muốn đưa ông bà đi để cùng các cụ hồi tưởng lại những kỷ niệm của người lính, tham dự ngày 50 năm có một lần thế này" - anh Ngọc cho biết.