Chạy đua với Omicron

Tất cả vắc-xin Covid-19 hiện hành đều có hiệu quả tương đối cao trong việc ngăn chặn biến thể Omicron gây bệnh nặng

Giá dầu thế giới giảm 3% trong phiên giao dịch ngày 20-12 giữa lúc biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng nhanh trên khắp châu Âu, buộc nhiều quốc gia trong khu vực tái ban bố các biện pháp hạn chế.

Giá dầu thô Brent giao trong tương lai có thời điểm giảm xuống còn 71,38 USD/thùng trong khi giá dầu thô Mỹ WTI giao trong tương lai giảm xuống còn 68,41 USD/thùng - phản ánh nỗi lo liên quan đến tác động tiềm tàng của Omicron đối với hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu thụ, theo nhà phân tích thị trường Kelvin Wong của Công ty CMC Markets (Anh).

Reuters khẳng định đây cũng là nguyên nhân khiến các thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm hôm 20-12, với chỉ số Nikkei và chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) "bốc hơi" lần lượt 0,7% và 0,4%.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất cho vay chuẩn (LPR) lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát - cụ thể là hạ LPR kỳ hạn 1 năm từ mức 3,85% xuống mức 3,8% nhưng vẫn giữ nguyên LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 17-12 Ảnh: REUTERS

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 17-12 Ảnh: REUTERS

Không chỉ châu Âu siết chặt phòng dịch, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul tuyên bố sẽ đề xuất bãi bỏ quy định miễn cách ly đối với du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ, tái triển khai cách ly tại khách sạn và chương trình du lịch "hộp cát" chỉ cho phép du khách di chuyển tự do ở những địa điểm nhất định.

Thái Lan mới tái mở cửa chào đón du khách nước ngoài được vài tuần, sau gần 18 tháng siết chặt nhập cảnh. Bộ trưởng Charnvirakul cho biết Thái Lan đã ghi nhận 63 trường hợp nhiễm Omicron, trong đó có 1 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện hôm 20-12.

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in yêu cầu các bệnh viện dành nhiều giường bệnh và nhân lực hơn nữa để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), vào cuối tuần rồi, tỉ lệ giường bệnh có bệnh nhân Covid-19 nằm tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở thủ đô Seoul là gần 88%, so với mức hơn 79% của cả nước - vượt ngưỡng 75% mà giới chức y tế nước này từng tuyên bố sẽ kích hoạt các biện pháp khẩn cấp.

KDCA ngày 20-12 thông báo thêm 54 ca tử vong và 5.318 ca nhiễm sau 24 giờ, trong đó có 997 ca bệnh nặng - thấp hơn một chút so với mức tăng kỷ lục 1.025 ca hôm 19-12.

Tại Mỹ, Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci ngày 19-12 cảnh báo người dân nước này về một mùa đông khắc nghiệt vì trong vài tuần hoặc vài tháng tới, Omicron có thể trở thành thể trội và gia tăng sức ép lên hệ thống y tế Mỹ vốn đã quá tải vì biến thể Delta.

Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh trở lại tại Mỹ, với mức tăng trung bình 126.967 ca/ngày - so với khoảng 70.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11. Tình hình phức tạp khiến Israel bổ sung Mỹ vào danh sách "cấm bay" gồm hơn 50 nước. Theo quy định mới, kể từ 22 giờ (giờ GMT) ngày 21-12, người dân Israel muốn bay đến Mỹ phải được sự chấp thuận đặc biệt từ chính phủ.

Theo báo The New York Times, hầu hết dữ liệu ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy chỉ có vắc-xin của Pfizer và Moderna, khi được củng cố bằng liều bổ trợ, mới ngăn được Omicron lây lan. Mọi vắc-xin khác, kể cả AstraZeneca và Johnson & Johnson, dường như đều "bất lực" trước biến thể này. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả vắc-xin hiện hành đều có hiệu quả tương đối cao trong việc ngăn chặn Omicron gây bệnh nặng.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chay-dua-voi-omicron-20211220224306693.htm
Zalo