Châu Âu và chiến lược công nghiệp quốc phòng mới

Sự trở lại của chiến tranh cường độ cao ngay trong lòng châu Âu đã đặt vấn đề quốc phòng vào trung tâm chương trình nghị sự của Brussels. Cuộc chiến Ukraine là điểm không thể quay lại đối với các mục tiêu được cho là ưu tiên ở đầu nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp châu Âu khóa IX.

Hưởng ứng Tuyên bố Versailles và La bàn chiến lược về an ninh và quốc phòng - được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 12/2023 - Liên minh châu Âu (EU) đã ưu tiên dự án xây dựng nền quốc phòng chung hiệu quả.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước người dân Pháp, được đưa ra vài ngày sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Châu Âu phải tăng cường đầu tư để giảm bớt sự phụ thuộc vào các lục địa khác và để có thể tự quyết định. Nói cách khác, châu Âu phải trở nên độc lập và tự chủ hơn”. Để giải quyết thách thức và cũng là nhu cầu cấp thiết này, châu Âu phải hội nhập hoàn toàn vào Liên minh Đại Tây Dương.

Nỗ lực duy trì không gian tự chủ

Yếu tố then chốt trong việc duy trì không gian tự chủ cho châu Âu trên thế giới là Chiến lược công nghiệp mới cho quốc phòng châu Âu. Được xây dựng nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, chiến lược này nhắm mục tiêu vào việc tăng cường sự tự chủ chiến lược của EU, cũng như phát triển khả năng tự vệ dựa trên các công nghệ tiên tiến và sự tích hợp nguồn lực công nghiệp của các nước thành viên. Tham vọng của Brussels là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra một hệ thống sản xuất chuyên dụng chung và khuyến khích sự hội nhập giữa các cơ cấu quốc gia khác nhau, với mục đích hợp lý hóa các lựa chọn và sản xuất thông qua tầm nhìn chung dài hạn để đảm bảo sự chuẩn bị về mặt công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng.

Phát triển và thương mại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực là một trong những mục đích của công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Phát triển và thương mại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực là một trong những mục đích của công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Ngoài Cơ quan quốc phòng được thành lập cách đây 20 năm, EU còn coi Chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIDP), Công nghệ quốc phòng và sự phụ thuộc về công nghiệp của châu Âu (EDTID), cũng như Quỹ quốc phòng châu Âu (EDF) là nền tảng của chiến lược mới. Bản thân EDF có nguy cơ trở thành chiến trường mới cho cuộc xung đột nội bộ về các phương thức tài trợ của quỹ này. Trên thực tế, trong trường hợp không có nguồn tài chính chung cho khoản nợ của EU, dẫn tới việc sử dụng một khoản phí chung đối với các thị trường nhằm khuyến khích đầu tư chung của châu Âu vào lĩnh vực quốc phòng, EDF sẽ khó có thể cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ toàn cầu và thậm chí, trong một số trường hợp, là đối với các đối thủ khu vực.

Mặc dù có những bất đồng trong Hội đồng EU, nhưng số lượng yêu cầu tham gia mà quỹ nhận được trong năm nay đã cho thấy tầm quan trọng của nó. Lời kêu gọi gần đây nhất từ Quỹ quốc phòng châu Âu đã nhận được 298 đề xuất từ các công ty và tổ chức cần nghiên cứu, số lượng đơn đăng ký cao nhất từng nhận được, với mức tăng chung là 25% so với năm 2023.

Từ góc độ nhu cầu, Ủy ban châu Âu (EC) muốn đảm bảo rằng các chính phủ châu Âu mua nhiều thiết bị quân sự của châu Âu hơn và cùng nhau mua vũ khí để chi tiêu hiệu quả hơn. Cuộc đấu thầu mới nhất được thiết kế nhằm giải quyết các thách thức quốc phòng mới nổi và thúc đẩy đổi mới ở 32 lĩnh vực chuyên đề khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực như y tế, hậu cần, vật liệu, cảm biến và công nghệ số.

Bên trong phòng nghiên cứu của tập đoàn quốc phòng Leonardo.

Bên trong phòng nghiên cứu của tập đoàn quốc phòng Leonardo.

Đặc biệt, EC đặt mục tiêu tài trợ cho các công nghệ đột phá và hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ thống kinh tế chung không bao gồm nhiều bên tham gia toàn cầu. Biên bản ghi nhớ được 2 tập đoàn công nghiệp quốc phòng Leonardo và Rheinmetall ký kết mới đây, nhằm mục đích phát triển và sau đó là thương mại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới và nền tảng Lynx mới cho chương trình Hệ thống chiến đấu bộ binh bọc thép (AICS), có thể đảm nhận vai trò hình mẫu trong bối cảnh châu Âu.

Hiện tại, Chiến lược công nghiệp mới cho quốc phòng châu Âu được xây dựng xung quanh 5 trụ cột. Đầu tiên là nguyên tắc EC sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên trong nỗ lực đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn, cùng nhau và vào châu Âu. Sau đó là việc thúc đẩy EDTIB hiệu quả hơn và đáp ứng nhanh hơn, dựa trên việc tăng cường an ninh nguồn lực. Trụ cột thứ 3 nhằm phát triển các phương tiện tài chính giúp EU chuẩn bị sẵn sàng về công nghiệp cho quốc phòng. Điểm thứ tư - và là điểm mới trong tư duy cộng đồng - là việc EU tuyên bố mong muốn tạo ra một nền văn hóa sẵn sàng phòng thủ, mà cũng cần được tích hợp vào tất cả các chính sách của EU. Cuối cùng, EU đặt mục tiêu tăng cường tận dụng các mối quan hệ đối tác để cải thiện khả năng sẵn sàng và phục hồi.

Mục tiêu chính của Chiến lược công nghiệp mới cho quốc phòng châu Âu là chuyển đổi mô hình từ phản ứng khẩn cấp sang sẵn sàng phòng thủ. Trước đây, sự thiếu vắng vấn đề quốc phòng đã dẫn đến tình trạng thiếu hợp tác giữa các nước thành viên EU. Mặc dù nhiều lợi ích dường như đang hội tụ và cạnh tranh nhau trong không gian khu vực tương ứng của các quốc gia thành viên, nhưng sự thiếu hụt này đã làm suy yếu năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng EU trong việc hỗ trợ năng lực công nghiệp và công nghệ cần thiết để duy trì quyền tự chủ chiến lược của châu Âu cũng như đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của khu vực này. Trên thực tế, ít nhất 70% hoạt động mua sắm công và 90% hoạt động nghiên cứu và công nghệ quốc phòng được quản lý ở cấp quốc gia, dẫn đến sự trùng lặp về năng lực quân sự, sự thiếu hiệu quả hay sự hạn chế về phạm vi đầu tư.

Tuyên bố Budapest

Kết quả chính mà Hội đồng EU vừa đạt được là Tuyên bố Budapest về Hiệp ước cạnh tranh châu Âu mới được thông qua. Đây là một trong những tuyên bố sắc bén nhất ở cấp độ châu Âu nhằm đối phó với thách thức mà các bên tham gia toàn cầu, chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc, đặt ra. Bối cảnh hiện nay, mà Tuyên bố Budapest được đưa ra, gợi nhớ đến một số nội dung phân tích được Paul Kennedy đề cập đến trong bài viết “Sự thịnh suy của các cường quốc”. Bài viết này nghiên cứu chính trị và kinh tế của các cường quốc trong giai đoạn từ năm 1500 đến 1980 và nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của họ. Ngay từ năm 1997, Paul Kennedy đã cảnh báo về tính chất tạm thời của bá quyền Mỹ trong bối cảnh chính sách cân bằng giữa các cường quốc khu vực mới nổi, trong một thế giới ở thời điểm thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh có khả năng đặt ra mối đe dọa lớn đối với phương Tây và trật tự toàn cầu.

Nghiên cứu nòng và tháp pháo xe tăng tại Tổ hợp quốc phòng Rheinmetall, Đức.

Nghiên cứu nòng và tháp pháo xe tăng tại Tổ hợp quốc phòng Rheinmetall, Đức.

Bối cảnh hiện nay, mà Ukraine là một ví dụ, cho thấy Mỹ vẫn là thực thể duy nhất sẵn sàng và có khả năng dẫn dắt trật tự của khối, vốn thiển cận khi không đầu tư vào nền quốc phòng của mình trong thời bình. Tình huống bất ngờ cho thấy các cường quốc khác nhiều lần đặt câu hỏi về trật tự nói trên. Điều này khiến cho khái niệm phòng thủ trở thành tâm điểm chương trình nghị sự của các nền dân chủ, nhưng không nên hiểu đó đơn thuần chỉ là một khái niệm kinh tế. Sự phân bổ nguồn lực có thể là phương thức dẫn đến thành công hay thất bại của việc xây dựng năng lực phòng thủ chung và thực hiện tham vọng có được hệ thống răn đe độc lập của châu Âu.

Bằng cách tối ưu hóa chi tiêu quân sự, châu Âu có thể tận dụng tối đa nguồn quỹ của mình mà không phải lặp lại - trong bối cảnh khủng hoảng - các khoản chi tiêu cắt cổ như vào những năm 1970-1980. Theo nghĩa này, việc Tuyên bố Budapest được thông qua là một thành công. Thay vì các thỏa thuận cấp cao và kế hoạch trung tâm cho các hệ thống cụ thể. Tuyên bố Budapest đặt mục đích đưa ra các giải pháp dựa trên thị trường thông qua việc đảm bảo nguồn tài chính chiến lược. Tuyên bố này chủ yếu nêu bật khía cạnh địa chính trị gắn liền với khả năng cạnh tranh của EU.

Mở đầu của tuyên bố có đoạn viết: “Trước thực tế địa chính trị mới cũng như các thách thức kinh tế và nhân khẩu học, chúng tôi, các nhà lãnh đạo EU, quyết tâm đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế chung và tăng cường khả năng cạnh tranh của mình, biến EU thành lục địa đầu tiên trên thế giới trung hòa khí hậu, cũng như đảm bảo chủ quyền, an ninh, khả năng phục hồi và ảnh hưởng toàn cầu. Quốc phòng đóng vai trò quan trọng cùng với ngành hàng không vũ trụ mà trong đó tại điểm 5 của tuyên bố, các quốc gia thành viên khẳng định cần nâng cao tinh thần sẵn sàng và khả năng phòng thủ, đặc biệt bằng cách tăng cường nền tảng công nghiệp và công nghệ quốc phòng một cách hợp lý. Về vấn đề này, Đại diện cấp cao và Ủy ban sẽ nhanh chóng đưa ra các phương án tài chính công tư cụ thể. Chúng tôi cũng sẽ khai thác tiềm năng của ngành vũ trụ”.

Sự hội nhập cần thiết

Tác động của Chiến lược công nghiệp mới cho quốc phòng châu Âu trong Liên minh Đại Tây Dương và trong quan hệ với Mỹ có thể rất sâu sắc. Không có gì phải nghi ngờ về vai trò nổi trội của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ ở châu Âu. Một mặt, đây là lợi thế lớn liên quan đến khả năng tương tác với lực lượng Mỹ - thậm chí vượt ra ngoài không gian khu vực. Mặt khác, sự thiếu vắng một ngành công nghiệp hiệu quả ở châu Âu cản trở nỗ lực của họ trong việc phát triển công nghệ và công nghiệp.

Bãi thử pháo của Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall.

Bãi thử pháo của Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall.

Đối với châu Âu, việc tìm kiếm sự tự chủ cũng quan trọng như việc không phá vỡ mối quan hệ với quốc gia nền tảng của trật tự dân chủ tự do và cũng là quốc gia đảm bảo an ninh lục địa. Việc tích hợp một hệ thống châu Âu hiệu quả với Washington và London góp phần quan trọng vào việc thực hiện mong muốn đóng một vai trò nhất định. Độ trễ của châu Âu có vẻ lớn, nhưng cần phải hiện đại hóa năng lực hợp tác với Liên minh Đại Tây Dương nếu họ muốn theo kịp tốc độ lây lan của các mối đe dọa hỗn hợp và vai trò của các lực lượng bán quân sự ở những nơi mà châu Âu quan tâm.

Khó có thể tưởng tượng được thành công của Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của châu Âu nếu không có mức độ tiêu chuẩn hóa và khả năng tương tác cao với Mỹ, Anh và các đồng minh khác. Thông qua Tuyên bố Budapest, các quốc gia thành viên EU đã đặt nền móng một cách hiệu quả để vượt qua các trở ngại chính trị và tài chính làm suy yếu khả năng phòng thủ hiệu quả của châu Âu.

Rõ ràng, việc tìm kiếm quyền tự chủ, bao gồm cả một ngành công nghiệp vững mạnh kết hợp với công nghệ, là nền tảng đối với EU trong bối cảnh mà ngay cả việc lựa chọn phát triển các chương trình quốc phòng với các đối tác riêng lẻ cũng phản ánh mong muốn của mỗi quốc gia thành viên. Tình huống ràng buộc chặt chẽ, liên quan đến cuộc bầu cử mới đây ở bờ bên kia Đại Tây Dương, nêu bật khả năng chủ nghĩa đa phương dẫn tới chủ nghĩa đơn phương và quan hệ đối tác với Washington. Sự hội nhập của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu mới được hồi sinh kết hợp với khả năng tương tác và việc theo đuổi lợi ích chiến lược chung với các đối tác phương Tây là điều kiện thiết yếu để châu Âu thực thi chủ quyền của mình.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-va-chien-luoc-cong-nghiep-quoc-phong-moi-i753495/
Zalo