Tên lửa Oreshnik: Lá chắn mới của Nga trước áp lực quân sự phương Tây

Ngày 16/12, Nga khẳng định tên lửa siêu vượt âm Oreshnik là yếu tố quan trọng trong việc đối phó chiến lược quân sự của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga. Ảnh: The Defense News/TTXVN

Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga. Ảnh: The Defense News/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Moskva sẽ tăng cường cả lực lượng hạt nhân và thông thường để đảm bảo khả năng răn đe trước các mối đe dọa. Ông cho rằng Mỹ đang phát triển các hệ thống tên lửa tầm trung với kế hoạch triển khai ở châu Âu và châu Á, điều này làm suy yếu nghiêm trọng an ninh của Nga. Đáp lại, Nga đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện nhằm phát triển các khả năng tương tự, trong đó có tên lửa Oreshnik.

Việc thử nghiệm tên lửa Oreshnik vào hồi tháng 11 được xem là bước tiến quan trọng trong chiến lược trong phòng thủ của Nga. Theo đó, hệ thống này đã được sử dụng để tấn công một nhà máy vũ khí ở thành phố Dniepr, với đầu đạn thông thường siêu thanh. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng mục tiêu hàng đầu của Nga là nhanh chóng phát hiện và đánh chặn các vụ phóng từ đối phương, đồng thời đẩy nhanh sản xuất hàng loạt các hệ thống tấn công nội địa, đặc biệt là các hệ thống siêu vượt âm như Oreshnik. Bộ trưởng Quốc phòng Andrey Belousov bổ sung rằng việc sản xuất hàng loạt tên lửa này dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2025, trong khi các nghiên cứu về hệ thống vũ khí tiên tiến khác cũng đang được triển khai.

Những động thái này được xem là phản ứng trước quyết định của Mỹ vào năm 2018 khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước này từng được ký kết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm giảm nguy cơ xung đột hạt nhân, nhưng Mỹ tuyên bố rút lui với lý do Nga vi phạm và Washington cần đối phó với Trung Quốc - quốc gia không bị ràng buộc bởi INF. Tổng thống Putin cho rằng bước đi của Mỹ đã làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu và cảnh báo rằng Nga sẽ sẵn sàng đáp trả mọi kế hoạch triển khai vũ khí mới của Mỹ ở châu Âu và châu Á.

Trong bối cảnh đó, Mỹ cũng có những động thái tương ứng khi Lầu Năm Góc gần đây thông báo về thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí tầm trung Dark Eagle, được trang bị cánh lượn kiểu trợ đẩy và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025. Hệ thống này có khả năng được triển khai tại Nhật Bản và châu Âu, gia tăng sức ép lên Nga trong cuộc chạy đua vũ trang.

Sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến từ cả Nga và Mỹ cho thấy nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị mà còn đặt ra thách thức lớn đối với ổn định chiến lược toàn cầu. Trong bối cảnh này, những hành động tiếp theo từ cả hai phía sẽ có tác động quan trọng đến cục diện an ninh thế giới.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ten-lua-oreshnik-la-chan-moi-cua-nga-truoc-ap-luc-quan-su-phuong-tay-20241216202801670.htm
Zalo