Châu Âu 'bừng tỉnh' vì Trump và xung đột ở Ukraine

Sự kết hợp giữa sức ép từ Mỹ và chiến sự Ukraine đã 'đánh thức' châu Âu. Nhưng liệu châu lục này đã sẵn sàng gánh vác an ninh của chính mình?

Trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong bức tranh an ninh châu Âu. Từ lời lẽ cứng rắn về NATO đến cách tiếp cận trực tiếp với Nga, Tổng thống Trump đã vô tình "đánh thức châu Âu khỏi cơn ngủ đông an ninh kéo dài hàng thập kỷ", theo nhận định của học giả Leon Aron từ Viện Doanh nghiệp Mỹ với Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) ngày 26/5.

Khác với các chính quyền Mỹ trước đây chỉ vận động nhẹ nhàng, Tổng thống Trump đã công khai đặt câu hỏi tại sao Washington phải chi trả cho việc phòng thủ của các quốc gia giàu có ở châu Âu. Cách tiếp cận "chú trọng về tài chính" này của Tổng thống Trump đối với NATO tuy gây tranh cãi nhưng lại mang lại hiệu ứng tích cực bất ngờ.

"Tổng thống Trump đã đánh thức châu Âu, dù ông ấy có cố ý hay không. Châu Âu không thích điều đó, nhưng thực ra, kết quả cuối cùng, tôi nghĩ là có lợi", học giả Aron nhận xét.

Con số thống kê rõ ràng chứng minh điều này: nếu một thập kỷ trước chỉ có ba thành viên châu Âu của NATO chi đủ 2% GDP cho quốc phòng theo cam kết, thì hiện tại chỉ còn một số ít quốc gia chưa đạt mức này. Đức - nền kinh tế lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ - đã thông qua các cải cách vào tháng 3 năm nay cho phép giải ngân hàng tỷ USD tài trợ quốc phòng.

Vai trò kép: Trump và cuộc chiến ở Ukraine

Tuy nhiên, học giả Aron nhấn mạnh rằng một mình Tổng thống Trump không thể tạo ra sự thay đổi này. Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022 - mở ra cuộc chiến lớn nhất trên lục địa châu Âu trong 80 năm - là yếu tố thiết yếu thúc đẩy châu Âu hành động.

"Tôi nghĩ sự kết hợp giữa (sức ép từ) Tổng thống Trump và Ukraine đã khiến châu Âu thực sự nghiêm túc suy ngẫm về hệ thống quốc phòng của họ", ông Aron phân tích.

Việc châu Âu đầu tư không đủ vào quốc phòng trong ba thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Khi chính quyền Trump chuyển trọng tâm quân sự từ châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, các đồng minh châu Âu phải vật lộn để bù đắp khoảng trống này.

Cuộc chiến ở Ukraine có tác động chiến lược vượt xa châu Âu, đặc biệt khi chính quyền Trump muốn tập trung đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách thuế quan bảo hộ của Tổng thống Trump lại có thể làm suy yếu các liên minh cần thiết để kiềm chế Trung Quốc. Việc áp thuế 10% đối với hầu hết các quốc gia có thể khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, quay lại với thị trường Trung Quốc.

"Nếu thị trường Mỹ bị hạn chế bởi thuế quan, châu Âu có thể quay lại Trung Quốc", ông Aron cảnh báo, đồng thời chỉ ra rằng Đức đã trở nên giàu có trong ba thập kỷ qua nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặc dù châu Âu đã "thức tỉnh" trước thách thức an ninh, nhưng theo ông Aron: "Châu Âu sẽ mất nhiều năm để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại". Câu hỏi then chốt là liệu họ có thể đảm bảo được mức tăng lớn trong phân bổ ngân sách quốc phòng hay không.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chau-au-bung-tinh-vi-trump-va-xung-dot-oukraine-20250527175445173.htm
Zalo