Chuyên gia phân tích kỹ thuật hạ thủy sai trong sự cố lật tàu chiến Triều Tiên
Các chuyên gia nhận định, kỹ thuật đưa tàu xuống nước theo phương ngang là một phần nguyên nhân dẫn tới sự cố lật chiến hạm 5.000 tấn của Triều Tiên.

Ảnh vệ tinh tàu khu trục 5.000 tấn của Triều Tiên lúc trước và sau sự cố khi hạ thủy. Ảnh: Maxar
Theo tờ New York Times, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chứng kiến chiếc khu trục hạm mới nhất nặng 5.000 tấn của nước này bị lật úp trong buổi lễ hạ thủy hôm 21/5. Các chuyên gia cho biết, kỹ thuật đưa tàu xuống nước theo phương ngang là một phần nguyên nhân dẫn tới sự cố.
Đây là lần đầu tiên các nhà phân tích quan sát thấy Triều Tiên sử dụng phương pháp hạ thủy ngang cho tàu chiến, điều mà họ cho là để lộ sự thiếu kinh nghiệm, cũng như áp lực về một kết quả nhanh chóng. Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ba quan chức nhà máy đóng tàu, bao gồm kỹ sư trưởng, cùng một quan chức cấp cao ngành công nghiệp quốc phòng đã bị bắt giữ sau khi Chủ tịch Kim Jong-un gọi sự cố này là một "hành vi tội phạm".
Ảnh vệ tinh ba ngày trước tai nạn cho thấy con tàu dài 143 mét - thuộc lớp tàu chiến lớn nhất mà Triều Tiên từng đóng - nằm trên đường trượt hạ thủy. Cách tàu khoảng 40 mét là một cấu trúc có vẻ như là khu vực khán đài, nơi nhiều khả năng ông Kim Jong-un đã đứng theo dõi buổi lễ.
Chiếc khu trục hạm được đóng tại thành phố cảng Chongjin, nằm ở vùng đông bắc Triều Tiên, vốn nổi tiếng với việc sản xuất tàu nhỏ như tàu hàng và tàu đánh cá. Trong một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, các nhà phân tích nhận định xưởng đóng tàu này “chắc chắn thiếu chuyên môn trong việc chế tạo và hạ thủy tàu chiến cỡ lớn”.
Chiếc tàu gặp nạn được đánh giá có kích thước và cấu hình tương tự khu trục hạm Choe Hyon – tàu khu trục dẫn đường đầu tiên và mạnh nhất mà Triều Tiên từng chế tạo. Con tàu này là niềm tự hào trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân thời Liên Xô của ông Kim Jong-un, và từng là tâm điểm của một buổi lễ hạ thủy rầm rộ hồi tháng trước tại cảng Nampo, gần Bình Nhưỡng.
Truyền hình nhà nước từng phát cảnh buổi lễ long trọng với pháo hoa và hoa giấy, có sự tham dự của ông Kim Jong-un cùng con gái Kim Ju-ae. Một khán đài lớn được dựng bên cạnh tàu Choe Hyun đang thả nổi trên nước.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái Kim Ju-ae trong buổi lễ hạ thủy tàu Choe Hyun hồi tháng 4/2025. Ảnh cắt từ video
Theo truyền thông nhà nước, buổi hạ thủy khi đó diễn ra suôn sẻ. Kỹ sư đã sử dụng phương pháp phổ biến dành cho các tàu lớn và nặng: đóng tàu trong một nhà xưởng có mái che tại Nampo, sau đó đưa ra bè nổi khô (dry dock nổi), rồi thả nước vào để tàu nổi lên – theo ông Choi Il, cựu thuyền trưởng Hải quân Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nhà máy ở Chongjin không có dry dock đủ lớn để đóng tàu lớp Choe Hyun, cũng không có đường trượt đủ nghiêng để thả tàu xuống theo kiểu đuôi trước. Kỹ sư phải đóng tàu ngay trên bến, dưới tấm bạt che, và sau đó buộc phải thả tàu xuống nước theo phương ngang.
Nếu thực hiện đúng cách, tàu sẽ trượt xuống theo chiều dọc của đường trượt và lướt xuống nước trong chớp mắt - giống như tàu khu trục USS Cleveland nặng 3.500 tấn của Mỹ từng hạ thủy tại Wisconsin vào năm 2023. Thông thường, một tàu kéo sẽ chờ sẵn gần đó để hỗ trợ sau khi tàu chạm nước.
Nhưng lần này, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, khi kỹ sư cố đẩy chiếc khu trục hạm xuống nước, tàu đã mất cân bằng. Ảnh vệ tinh chụp hai ngày sau tai nạn cho thấy tàu bị che bằng bạt xanh, nằm nghiêng về bên phải. Mũi tàu vẫn mắc trên đường trượt, trong khi phần đuôi chìa ra vịnh cảng. Khán đài quan sát đã bị dỡ bỏ.
Việc hạ thủy tàu lớn theo phương ngang đòi hỏi sự tính toán cân bằng rất tỉ mỉ – ông Choi nhận định. Các vũ khí hạng nặng gắn trên tàu có thể đã làm nhiệm vụ này càng khó hơn.

Ảnh vệ tinh tàu khu trục Triều Tiên trước khi được hạ thủy ở Chongjin, Triều Tiên. Nguồn: Maxar
Chỉ vài ngày sau khi khu trục hạm lớp Choe Hyun đầu tiên được hạ thủy, ông Kim đã tự hào theo dõi các vụ phóng thử tên lửa từ tàu. Ông từng đến các xưởng đóng tàu để hối thúc kỹ sư đáp ứng đúng tiến độ mở rộng hải quân, và có vẻ như cũng dự kiến tổ chức lễ hạ thủy tương tự cho chiếc thứ hai, kèm theo các màn trình diễn vũ khí.
Các kỹ sư ở Chongjin – làm việc với điều kiện kém hơn đồng nghiệp tại Nampo – hẳn đã chịu áp lực rất lớn sau thành công tại Nampo, các nhà phân tích Hàn Quốc nhận định. Điều này có thể đã khiến họ cắt giảm quy trình kỹ thuật.
Triều Tiên tuyên bố có thể phục hồi lại trạng thái cân bằng cho tàu bằng cách bơm nước ra, và chỉ cần khoảng 10 ngày nữa là có thể sửa phần thân tàu bị hư hại – theo truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên, thiệt hại có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều so với lời khẳng định của Bình Nhưỡng – theo ông Yang Uk, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul. Tai nạn có thể không chỉ do kỹ thuật hạ thủy sai mà còn do cấu trúc tàu mất cân đối.
“Sau tai nạn, con tàu trông hơi bị vặn xoắn”, ông Yang nói. “Nó không có vẻ gì là được chế tạo với độ bền kết cấu cần thiết cho một tàu chiến”.

Con tàu chiến sau sự cố hạ thủy. Ảnh: Maxar
Sau sự cố lật tàu khu trục tại xưởng đóng tàu Chongjin, Triều Tiên đã tiến hành điều tra và xử lý nghiêm khắc các cá nhân liên quan. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gọi vụ việc là một "hành động tội phạm" do "sự cẩu thả tuyệt đối, vô trách nhiệm và phi khoa học", đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những người chịu trách nhiệm.
Cơ quan chức năng của Triều Tiên nhấn mạnh sự cố hôm 21/5 xuất phát từ vấn đề mất cân bằng trong quá trình hạ thủy, khiến các phần đáy tàu bị biến dạng. Theo KCNA, kết quả điều tra nội bộ không phát hiện lỗ thủng ở đáy tàu, song mạn phải của tàu bị trầy xước và nước biển chảy vào khoang đuôi qua đường cứu hộ. Mức độ thiệt hại được đánh giá là “không nghiêm trọng” và một nhóm điều tra đã được lệnh xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố và những người phải chịu trách nhiệm.
Ông Ri Hyong-son, Phó Giám đốc Ban Công nghiệp Quân sự thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, được cho là "chịu trách nhiệm lớn" trong vụ việc.
Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã yêu cầu hoàn tất việc khôi phục tàu trước kỳ họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng 6.
Các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục, và có khả năng sẽ có thêm các quan chức bị bắt giữ hoặc xử lý trong thời gian tới.
Sự cố này được coi là một thất bại nghiêm trọng trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Triều Tiên, và phản ứng mạnh mẽ từ phía lãnh đạo cho thấy quyết tâm không khoan nhượng đối với những sai sót trong lĩnh vực quân sự.