Châu Á tụt hậu đáng kể trong các Mục tiêu Phát triển bền vững
Theo một báo cáo mới của Liên hợp quốc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang đi chệch hướng đáng kể trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), với hầu hết các mục tiêu đều bị đình trệ hoặc chậm tiến độ - bất chấp những nỗ lực đang diễn ra.

Nhiều con kênh tại thủ đô Dhaka, Bangladesh bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: UNICEF/Nhandan
Báo cáo Tiến độ SDG năm 2025 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) được công bố ngày 18/2 cũng cho thấy, những lỗ hổng dai dẳng về dữ liệu đang hạn chế khả năng giải quyết các thách thức chính của các nhà hoạch định chính sách.
Trong báo cáo, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng thư ký ESCAP nêu rõ: “Nếu không có hành động khẩn cấp để đẩy nhanh tiến độ, nhiều Mục tiêu sẽ vẫn nằm ngoài tầm với”.
Thách thức ngày càng gia tăng
ESCAP cho biết tiến độ chậm - thậm chí thụt lùi, trong các mục tiêu quan trọng như giáo dục chất lượng (Mục tiêu 4), việc làm tử tế và tăng trưởng kinh tế (Mục tiêu 8), tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm (Mục tiêu 12) đang đe dọa các nỗ lực của khu vực APAC nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng, tỷ lệ biết chữ và biết tính toán thấp, cùng các mô hình sản xuất không bền vững đang càng làm trầm trọng thêm những thách thức này.
Điều đáng lo ngại nhất là hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (Mục tiêu 13) đã chứng kiến “sự thụt lùi đáng báo động”, do khu vực này dễ bị thiên tai và vẫn tiếp tục phát thải khí nhà kính (GHG) - chiếm 50% lượng ô nhiễm toàn cầu.
Tính bền vững của môi trường vẫn là rào cản lớn, với sự suy thoái đất đai và sụt giảm lợi ích kinh tế từ việc đánh bắt cá bền vững đang cản trở tiến trình phát triển của sự sống dưới nước (Mục tiêu 14) và sự sống trên cạn (Mục tiêu 15).
Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh khoảng cách dữ liệu dai dẳng tiếp tục là một trong những thách thức chính.
Mặc dù tính sẵn có của dữ liệu đã được cải thiện đôi chút, nhưng vẫn còn những “điểm mù” đáng kể trong việc đo lường tiến trình giữa các nhóm dân số khác nhau, bao gồm theo độ tuổi, tình trạng di cư, khuyết tật và giới tính.
Một số tiến bộ
Tuy vậy, khu vực này cũng ghi nhận tiến bộ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như Mục tiêu 9 (công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng) và Mục tiêu 3 (sức khỏe và hạnh phúc), được thúc đẩy bởi việc mở rộng khả năng tiếp cận mạng di động và những cải thiện đáng kể về sức khỏe của bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.
Báo cáo cũng nêu bật những ví dụ đầy hứa hẹn về hợp tác và đổi mới trong khu vực.
“Cam kết và sự hợp tác chung có thể mang lại những kết quả mang tính chuyển đổi”, bà Alisjahbana cho biết, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu về một cách tiếp cận toàn xã hội để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chỉ còn 5 năm nữa là đến hạn chót năm 2030, nên để đạt được các SDG đòi hỏi phải có hành động táo bạo, tăng cường sự lãnh đạo chính trị và đầu tư đáng kể vào phát triển bền vững, bà Alisjahbana nhấn mạnh.