Lợi nhuận ngành ngân hàng 'dồn' về nhóm lớn
Những ngân hàng lớn nhất hệ thống, bao gồm cả quốc doanh và tư nhân, ghi nhận sự bứt phá lợi nhuận trong năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kết thúc năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 15,08%, trong khi tại ngày 17/9/2024 mới đạt 7,38%, cho thấy tín dụng tăng rất nhanh trong những ngày cuối năm.
Điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm của các ngân hàng.
Theo các báo cáo tài chính mới công bố, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, dẫn đầu vẫn là nhóm “Big 4 - nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất". Cùng với đó là sự cạnh tranh của một vài ngân hàng thương mại (NHTM) nổi bật.
Ngoài ra, năm nay “câu lạc bộ” ngân hàng lãi trước thuế trên 10.000 tỷ đồng gọi tên nhiều thành viên mới như MB, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, LPBank, SHB...
“Big 4” tiếp tục dẫn dắt
Các vị trí dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2024 đều thuộc về các ngân hàng quốc doanh.
Lũy kế cả năm 2024, Vietcombank lãi trước thuế hơn 42.200 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân lợi nhuận và bỏ xa vị trí thứ hai.
Tổng tài sản Vietcombank tính đến cuối quý IV tăng 14% so với đầu năm, lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 1,45 triệu tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, lên gần 14.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên với mức tăng mạnh của tín dụng, tỷ lệ nợ xấu lại có xu hướng giảm nhẹ từ 0,99% đầu năm xuống còn 0,96%, duy trì ở nhóm có tài sản lành mạnh nhất ngành ngân hàng.
Vietinbank ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành với lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng tới 27% so với năm 2023.
Kế tiếp là BIDV, dù đánh rơi vị trí thứ hai vào tay Vietinbank, mức lợi nhuận đạt được trong năm 2024 của BIDV tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với hơn 31.300 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng. Huy động vốn đạt gần 2 triệu tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 15,3%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,3% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%.
Với Agribank, theo công bố sơ bộ của Ngân hàng, lãi trước thuế tăng trên 8% năm 2024.
Với lợi nhuận trước thuế Agribank năm 2023 là 25.525 tỷ đồng, ước tính năm 2024, ngân hàng này có thể đạt trên 27.500 tỷ đồng, chính thức gia nhập nhóm nhà băng có mức lợi nhuận tỷ đô.
Năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10%; nguồn vốn đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%.
Nhóm tư nhân lớn bứt phá
Bám sát nhóm ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng TMCP tư nhân quy mô lớn như VPBank, Techcombank… nối đà tăng trưởng vượt bậc, khi lần lượt công bố mức lợi nhuận cao trong năm 2024.
Dẫn đầu kết quả lợi nhuận nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, MB báo lãi trước thuế hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Lợi nhuận nhà băng tăng trưởng chậm lại sau khi phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu.
Tổng nợ xấu của MB đạt hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 28% trong năm qua. Nhà băng cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro thêm 57%, lên mức hơn 9.500 tỷ đồng.
Xếp sau MB, Techcombank báo lãi trước thuế cả năm đạt 27.540 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Nếu xét theo mức độ tăng trưởng, Techcombank tỏ ra vượt trội với nhiều chỉ số kinh doanh được cải thiện đáng kể.
Techcombank tiếp tục dẫn dắt hệ thống về chỉ số tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) đạt xấp xỉ 41%. Số dư CASA cũng xác nhận kỷ lục mới, đạt gần 231.000 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản của nhà băng cũng được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện về mức 1,17%, từ 1,35% cuối quý III. Tính cả trái phiếu và cho vay, tỷ lệ tín dụng xấu chỉ còn 1,09%.
Trong khi đó, VPBank đã quay lại đà tăng trưởng với sự phục hồi của FECredit. Công ty tài chính này giúp đóng góp 500 tỷ đồng cho lợi nhuận hợp nhất so với mức âm 3.000 tỷ đồng năm 2023, nợ xấu giảm xuống ước 15%, so với 20% năm trước.
Nhờ đó, VPBank đã có quý tăng trưởng lợi nhuận thứ 4 liên tiếp, qua đó kết thúc năm với 20.000 tỷ đồng lãi trước thuế, gần gấp đôi năm 2023.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 của ngân hàng mẹ đạt 19,4% so với mức trung bình ngành 15%, thuộc top tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống.
Tại thời điểm cuối năm 2024, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng mẹ đã giảm 70% so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm còn 4,2%.
Những “ngôi sao” mới nổi
Bên cạnh những ông lớn quốc doanh và tư nhân, ngành ngân hàng năm 2024 còn đón chào nhiều gương mặt mới ghi nhận sự tăng trưởng đột phá.
LPBank tạo nên cú hích ngoạn mục khi lần đầu tiên gia nhập “câu lạc bộ" 10.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Chiến lược huy động vốn giá cao chấp nhận cho vay trong lĩnh vực rủi ro hơn mang lại hiệu quả đáng kể cho LPBank.
Dư nợ tín dụng đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2023. Tổng tài sản của ngân hàng này cuối năm 2024 đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 33%.
Sau một năm biến động mạnh trong ban quản trị, Eximbank đã có sự bứt phá khi báo lãi trước thuế đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 54%.
Tổng tài sản của Eximbank tăng trưởng 20%, đạt gần 240.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 18%, trong nhóm tăng trưởng dẫn đầu hệ thống.
Một “ngôi sao” đáng chú ý khác là HDBank. Năm 2024, HDBank đạt 16.730 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất thấp chỉ 1,48% và các chỉ tiêu an toàn hoạt động khác được đảm bảo.
Tương tự VPBank với FECredit, ở mảng tài chính tiêu dùng, công ty con HD SAISON đóng góp đáng kể về lợi nhuận chung hợp nhất khi mang về 1.200 tỷ đồng, tăng mạnh 83,9% so với năm 2023.
Mới đây, HDBank đã được hoàn thành nhận chuyển giao Ngân hàng Đông Á, qua đó mở ra cơ hội mở rộng quy mô, phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Sau khi “chững lại” do ảnh hưởng bởi vấn đề nợ xấu trong năm 2023, TPBank cán đích lợi nhuận năm 2024 nhờ lãi đột biến từ chứng khoán đầu tư và giảm trích lập dự phòng nợ xấu.
TPBank nằm trong số ít ngân hàng cải thiện mạnh chất lượng tài sản khi tổng nợ xấu giảm 9% so với đầu năm và đồng loạt ghi nhận mức giảm ở các nhóm quá hạn. Nhờ đó, ngân hàng chỉ thực hiện trích lập 1.190 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ.
Việc giảm trích lập dự phòng là động lực quan trọng giúp TPBank báo lãi ròng gấp 3,5 lần trong quý IV, đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, TPBank lãi sau thuế gần 6.100 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Qua đó hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm.
Nổi bật nhất trong nhóm ngân hàng quy mô nhỏ là trường hợp của BVBank. Kết thúc năm 2024, BVBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 391 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/12, tổng tài sản của BVBank tăng 17,8% so với cùng kỳ, lên 103.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 68.060 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Dù vậy, số dư nợ xấu của BVBank vẫn ở mức cao 2.106 tỷ đồng, tăng 10%, tương ứng tỷ lệ nợ xấu là 3,09%, cải thiện khoảng 0,22 điểm phần trăm so với cuối năm trước.
Ngoài BVBank, các ngân hàng cùng phân khúc khác như Kienlongbank, Vietbank, PGBank, hay ABBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm vừa qua.
Nhóm "đi lùi"
Bên cạnh sự tích cực chung của toàn ngành ngân hàng, vẫn có những cái tên “đi lùi” trong năm vừa qua.
Kết thúc năm 2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng VIB đạt 325.000 tỷ đồng, tăng trưởng ngoạn mục gần 22%, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế của VIB giảm gần 16% so với năm trước bởi thu nhập lãi giảm 9% và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh gần 50% trong bối cảnh các chi phí hoạt động tăng cao.
Năm 2024 cũng ghi nhận đà tinh gọn bộ máy của VIB khi đã cắt giảm 517 nhân sự trong năm 2024, đưa tổng số nhân viên xuống còn 11.736 người.
Chứng kiến đà lao dốc nhất hệ thống là trường hợp của Saigonbank - ngân hàng nhỏ nhất hệ thống xét về cả quy mô tài sản, dư nợ, tiền gửi khách hàng và vốn điều lệ.
Trong quý IV/2024, ngân hàng này có sự sụt giảm đáng kể ở hầu hết các chỉ tiêu trọng yếu, dẫn tới khoản thua lỗ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, ở mức 114 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2023. Qua đó ngân hàng chỉ hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra.
Về chất lượng tài sản, đến cuối tháng 12/2024, Saigonbank ghi nhận 580 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng hơn 40% so với đầu năm.
Năm 2025: Lợi nhuận tiếp tục phân hóa?
Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 16%, cao hơn 1% so năm 2024.
Giới phân tích tài chính cũng cho rằng, với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự báo cải thiện hơn, tín dụng có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16% trong năm nay.

Trái chiều tăng trưởng tín dụng và huy động của ngành ngân hàng trong các năm qua. Ảnh: VietCap
Theo đó, chứng khoán VietCap đánh giá với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, có thể tăng lên 18-20% nếu tăng trưởng GDP đạt 10%.
Tổ chức này tin rằng tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp và các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng.
Tuy nhiên, VietCap nhận thấy rủi ro đối với dự báo biên lãi thuần (NIM) năm 2025 trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt. Đổi lại, tăng trưởng tín dụng cao hơn có thể bù đắp tác động của NIM thấp hơn.
Trong khi đó, chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra nhận định, năm 2025, NIM có khả năng tăng nhẹ khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường 2, trong khi dư địa giảm tiếp lãi suất đầu ra không còn nhiều.
Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

Xu hướng giảm tỷ lệ nợ quá hạn của ngành ngân hàng. Ảnh: VCBS
Dù vậy, VCBS dự báo NIM toàn ngành chỉ cải thiện khiêm tốn, với mức tăng bình quân khoảng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2024, nhưng một số ngân hàng sẽ có sự phục hồi vượt trội nhờ chiến lược đặc biệt.
Theo đó, với dự báo NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15-16%, lợi nhuận ngành ngân hàng ước tăng khoảng 15% năm nay.
Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh, trong đó nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối kỳ vọng tăng 12%, còn nhóm ngân hàng tư nhân năng động kỳ vọng tăng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ thấp hơn, khoảng 8%.
Về chất lượng tài sản, VCBS đánh giá tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng giảm dần trong 2025 nhờ tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới.
Thêm nữa, tổ chức này kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.