Chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2025): Trường Sa - 50 năm vững mạnh cùng đất nước - Kỳ 1: Trường Sa không xa

Sau 50 năm giải phóng, huyện đảo Trường Sa đã phát triển vượt bậc, theo đúng mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Kỳ 1: Trường Sa không xa

Ngày 29-4-1975, lá cờ cách mạng của dân tộc Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên quần đảo Trường Sa, khẳng định nơi đây là máu thịt không thể tách rời của Việt Nam. Trường Sa hôm nay không chỉ là biểu tượng chủ quyền của Việt Nam trên biển, mà còn là mảnh đất đang mạnh mẽ thực hiện khát vọng vươn lên.

Quá khứ hào hùng

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy (TP. Nha Trang) vào một chiều cuối tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang rạo rực chờ xem lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh thần sục sôi chiến đấu năm xưa của anh lính thông tin vừa bước qua tuổi 19, được tham gia giải phóng, chốt giữ tại quần đảo Trường Sa vẫn vẹn nguyên trong ông. “Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, những ngày tháng ở Trường Sa có lẽ đáng nhớ nhất vì được tham gia cuộc chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Sau 1 ngày giải phóng Trường Sa, trưa 30-4-1975, chúng tôi nghe tin quân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mọi người ôm nhau reo hò rồi cùng nhau phác ra những ước hẹn, dự kiến tương lai…”, ông Thùy bày tỏ. Sau khi cùng các đồng đội Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cùng Đoàn C75 tham gia giải phóng Trường Sa, ông Thùy được tham gia chốt giữ đảo Nam Yết, rồi đảo Sinh Tồn.

Đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa cách bán đảo Cam Ranh chỉ 480km, thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng trước năm 1975 do quân đội của 3 nước và vùng lãnh thổ đóng giữ. Từ tháng 10-1974, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đề xuất giải phóng Trường Sa và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhất trí về chủ trương. Tại cuộc họp ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị đã đồng ý ghi vào nghị quyết về việc giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ. Ngày 2-4-1975, sau khi nghe tin báo chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị: “Tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa vì vùng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam". Ngày 11-4-1975, những con tàu vận tải chở Đoàn C75 mang theo ý chí thép của quân và dân Việt Nam, bí mật rời quân cảng Đà Nẵng, vượt sóng gió, thần tốc hướng về Trường Sa. Sáng 14-4-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước bia chủ quyền đảo Song Tử Tây. Sau đó, quân ta liên tiếp làm chủ các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và ngày 29-4-1975 giải phóng đảo Trường Sa, đúng 1 ngày trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Mạnh mẽ vươn lên

50 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng ngày giải phóng vẫn là niềm tự hào của những người dân Việt Nam. Trường Sa hôm nay không chỉ là biểu tượng của chủ quyền, mà còn là nơi quá khứ và tương lai hòa quyện thành vùng đất bình yên. Trường Sa hiện nay xanh hơn, bề thế hơn, hiện đại hơn. Cuộc sống của người dân dần tiệm cận đất liền. Dịp Tết, cán bộ, chiến sĩ, người dân cùng nhau gói bánh chưng, đi lễ chùa, viếng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm liệt sĩ. Trên đảo, có những đàn gà lích chích mổ thóc dưới những tán bàng vuông xanh mát; có tiếng cười của các em nhỏ hòa trong tiếng sóng biển ì oạp; có tiếng đàn guitar của chiến sĩ bập bùng khi chiều buông; có những y, bác sĩ tận tâm, kịp thời xử lý các ca bệnh… Bà Lê Thị Minh Diệu (đảo Trường Sa) bày tỏ: “Tuy xa đất liền, nhưng cuộc sống ở đây vẫn đủ đầy nhờ các hệ thống điện năng lượng. Người dân đoàn kết, quan tâm đến nhau. Đặc biệt, các chú bộ đội sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi cần, giúp dân trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ nhu yếu phẩm, rau xanh, nước ngọt… Với tôi, nơi đây quá đủ ấm áp”.

Ở khắp các đảo, những tua bin gió, những tấm pin năng lượng mặt trời đã dần thay thế loại máy nổ chạy dầu ồn ã và tốn kém. Nắng gắt và gió lớn ở Trường Sa vẫn bị con người khuất phục để phục vụ sản xuất điện năng, cung cấp cho các nhu cầu năng lượng hàng ngày. Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, không chỉ điện, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đã đáp ứng nhu cầu nước ngọt vốn rất khó khăn ở đảo. Nhờ đó, năm 2024, huyện đảo đã tăng gia được 3.515kg rau xanh, nuôi được 455kg gia súc, gia cầm... Quỹ Vừ A Dính, Câu lạc bộ Quỹ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” cũng vừa hỗ trợ huyện làm mới toàn bộ mái vòm sân Trường Tiểu học đảo Đá Tây A…

Chiến sĩ trẻ tăng gia trên đảo Sơn Ca.

Chiến sĩ trẻ tăng gia trên đảo Sơn Ca.

Trò chuyện với chúng tôi trong buổi chiều yên ả ở đảo Đá Tây, Trung tá Đặng Văn Tài - Chính trị viên đảo tự hào khẳng định, Trường Sa đang thay đổi lớn cả về diện mạo và thế trận, ngày càng vững chắc hơn, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và gần với đất liền hơn. Ở đây, có những công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh; công trình dân kế, dân sinh bề thế; có các trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật để tàu cá của ngư dân vào tránh trú bão, được cung cấp nước ngọt, sửa chữa máy móc hư hỏng miễn phí, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước đá cây loại 50kg bằng giá Nhà nước niêm yết tại đất liền; được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, sơ cứu y tế… Đội tàu dịch vụ hậu cần Đá Tây thường xuyên khảo sát ngư trường, tham gia cứu nạn, lai dắt, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào âu tàu…

Hướng về nơi phên giậu của Tổ quốc

Sự đủ đầy nơi phên giậu của Tổ quốc là kết quả từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, người dân cả nước; được tỉnh Khánh Hòa, huyện Trường Sa hiện thực hóa từng ngày. Còn nhớ, chỉ 1 tháng rưỡi sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09, trong cuộc làm việc ngày 13-3-2022 tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh việc dành nguồn lực xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ phía biển.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ phía biển.

Chương trình “Cả nước vì Trường Sa” được triển khai trên toàn quốc đã khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc hướng về Trường Sa. Từ đây, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động riêng vì Trường Sa thân yêu. Những chuyến tàu mang theo hàng hóa và tình cảm từ đất liền đều đặn cập các đảo. Chương trình giáo dục về biển, đảo được triển khai trong hệ thống giáo dục quốc gia. Các em nhỏ ở đảo được hỗ trợ học tập thông qua Quỹ Vừ A Dính, Câu lạc bộ Quỹ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”… Chỉ tính riêng chương trình "Xanh hóa Trường Sa" do Quân chủng Hải quân phát động, trong giai đoạn 2021 - 2024 đã kêu gọi, thực hiện hỗ trợ các đảo hơn 500.000 cây xanh, hơn 400 tấn phân bón, gần 3.000 tấn đất dinh dưỡng, gần 30.000 cây giống... Hiện nay, huyện đảo đã có gần 90.000 cây dừa, phi lao, bàng ta, tra, mù u, xoài, bàng vuông... “Qua báo, đài, tôi thấy Trường Sa đã thay đổi rất nhiều. Tôi rất mong sớm có dịp thăm lại những tấc đất, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, nơi một phần tuổi trẻ của tôi đã cống hiến, để trực tiếp cảm nhận sự thay đổi đầy tự hào đó", người cựu binh Nguyễn Xuân Thùy bộc bạch.

VĨNH THÀNH - THIỀU HOA

Kỳ 2: Phát huy nội lực để vươn lên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202504/chao-mung-ky-niem-50-nam-giai-phong-quan-dao-truong-sa-29-4-1975-29-4-2025-truong-sa-50-nam-vung-manh-cung-dat-nuoc-ky-1-truong-sa-khong-xa-3d432d4/
Zalo