Đề xuất đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp

Chiều 26/4, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đã trình bày tờ trình về dự án này, đưa ra những điều chỉnh quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án, đồng thời tạo sự thống nhất, hợp lý trong tổ chức bộ máy.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tóm tắt tờ trình - Ảnh: TTXVN

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tóm tắt tờ trình - Ảnh: TTXVN

Dự thảo luật sửa đổi theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện, thay vào đó sẽ thành lập Tòa án nhân dân khu vực. Các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sẽ được chuyển thành các tòa chuyên trách thuộc hệ thống tòa án khu vực.

Với mô hình tổ chức mới, hệ thống tòa án sẽ bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tòa án nhân dân khu vực.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của các tòa án cấp tỉnh, đồng thời bổ sung quy định về thẩm quyền phúc thẩm đối với các bản án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đặc biệt, sẽ bổ sung một cơ cấu tổ chức gồm các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền của các tòa này.

Bên cạnh đó, việc tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13-17 người lên 23-27 người cũng được đưa ra nhằm đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác giải quyết các vụ việc gia tăng, bao gồm cả các vụ án tái thẩm và giám đốc thẩm.

Ngoài ra, dự thảo cũng điều chỉnh lại nhiệm vụ và quyền hạn xét xử của từng cấp Tòa án sau khi có sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra - Ảnh: TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra - Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật này nhận được sự đồng tình cao từ các đại biểu Quốc hội, khẳng định tính hợp hiến và sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Các đại biểu cũng nhất trí về việc giữ nguyên các quy định hiện hành đối với Tòa án quân sự. Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc thành lập Tòa án nhân dân khu vực, cho rằng đây là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác xét xử.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đã bày tỏ sự đồng thuận với các quy định liên quan đến Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Thực tế, dự thảo cũng bổ sung thành phần Hội đồng, bao gồm các lãnh đạo cấp cao trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã kết luận cuộc thảo luận, nhấn mạnh sự đồng tình với việc tăng số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và việc trình dự án Luật này theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-doi-moi-to-chuc-toa-an-nhan-dan-theo-mo-hinh-3-cap-10288452.html
Zalo