Chăn nuôi tuần hoàn: Động lực xuất khẩu sản phẩm sạch

Ngành chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 26% vào GDP của ngành nông nghiệp, để duy trì sự phát triển bền vững, Việt Nam đang thực hiện 'Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045'. Chiến lược này đặt ra mục tiêu phát triển chăn nuôi hữu cơ và mô hình tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chăn nuôi tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường và tăng giá trị cho sản phẩm từ chăn nuôi.

Chăn nuôi tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường và tăng giá trị cho sản phẩm từ chăn nuôi.

Thị trường xuất khẩu rộng mở

Theo Bộ NNPTNT, mặc dù đối diện với nhiều thách thức nhưng lĩnh vực chăn nuôi vẫn duy trì được mạch tăng trưởng khá ấn tượng. Theo đó, ngành chăn nuôi đã cung cấp cho thị trường hơn 8 triệu tấn thịt hơi các loại (tăng 3,5% so với năm 2023); hơn 1 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu (tăng 2,1%); hơn 19 tỷ quả trứng (tăng 2,8%). Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa (100 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch), một số sản phẩm như sữa, thịt lợn, gia cầm, mật ong, yến sào… đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, ngành chăn nuôi đã thu hút được ngày càng nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư sản xuất với quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi từ quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa.

Đáng chú ý, sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng. Đồng thời, sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc, đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Thịt gà chế biến cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu và Mông Cổ.

Ngoài những mặt hàng đã và đang xuất khẩu, hiện Bộ NNPTNT đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: Đàm phán với Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm (Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc); đàm phán với Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này; tiếp tục đàm phán tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa…

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn

Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, chiến lược phát triển chăn nuôi tuần hoàn không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh tế mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sạch, thân thiện với môi trường ra thế giới. Mục tiêu mà ngành chăn nuôi hướng đến là đạt giá trị xuất khẩu từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được con số này, việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn sẽ đóng vai trò then chốt.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn kết hợp với công nghệ cao. Các doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Tập đoàn TH và Công ty cổ phần Chăn nuôi GREENFEED Việt Nam đã chứng minh tính khả thi của mô hình này. Những sản phẩm của họ, từ thịt gà đến thủy sản chế biến sẵn đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Lào và Campuchia với sản lượng lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào nhiều thị trường đã khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam có đủ điều kiện để chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới. Điều này khẳng định hướng phát triển chăn nuôi tuần hoàn là hướng đi đúng đắn và phù hợp với yêu cầu khắt khe từ thị trường. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của ngành chăn nuôi là việc xử lý chất thải.

Theo Cục Chăn nuôi, bình quân mỗi năm toàn ngành chăn nuôi tạo ra 60 triệu tấn phân gia súc, gia cầm và hơn 290 triệu m3 nước thải. Lượng phân và nước thải chăn nuôi thải ra rất lớn, nhưng hiện chỉ có một phần được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho khí sinh học để tạo năng lượng tái tạo, còn hầu hết được thải ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm. Do đó, việc khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi. Các mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp tăng hiệu quả kinh tế từ việc giảm chi phí thức ăn và tăng sản lượng nông sản. Ví dụ, mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt theo hướng hữu cơ đang được triển khai tại nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Đồng Nai. Chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học, tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng và cung cấp thức ăn cho lợn, tạo ra một vòng tuần hoàn hoàn hảo trong sản xuất.

Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng mô hình chăn nuôi tuần hoàn ở Việt Nam vẫn đang gặp phải một số thách thức. Một trong những vấn đề lớn là thiếu chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp tuần hoàn. Các quy định pháp lý về tái chế và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn hiệu quả và bền vững.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, các cơ quan liên quan cần có chính sách hỗ trợ về cơ chế, tài chính, tiếp cận các nguồn lực để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-nuoi-tuan-hoan-dong-luc-xuat-khau-san-pham-sach-10298133.html
Zalo