Chặn đứng tình trạng lãng phí tài sản công

Khi TP.HCM cũng như các địa phương khác gỡ vướng và đưa vào khai thác các tài sản công đang dang dở sẽ giúp tăng thêm nguồn lực để tái đầu tư các dự án xã hội.

Liên quan đến câu chuyện lãng phí, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng cần phải sử dụng hệ thống quản lý tài sản công để theo dõi và quản lý các địa chỉ nhà đất công, giúp tự động hóa quy trình, giảm thiểu sai sót cũng như tăng cường tính minh bạch.

 Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí, hiện đang được TP.HCM khẩn trương giải quyết để đưa vào sử dụng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN - THUẬN VĂN

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí, hiện đang được TP.HCM khẩn trương giải quyết để đưa vào sử dụng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN - THUẬN VĂN

Giảm niềm tin của người dân

. Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về thực trạng lãng phí tài sản công nói chung và nhà đất công nói riêng trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước?

+ TS Trần Quang Thắng: Thực trạng này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Có nhiều trường hợp tài sản công bị lãng phí, không được sử dụng hiệu quả hoặc bị chiếm đoạt, đổi mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng quy định. Mặt khác, có hàng ngàn cơ sở đang để không nhiều năm, kể cả những khu đất có giá trị rất lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Qua nắm bắt thực hiện, tại TP.HCM có một số minh chứng điển hình cho việc lãng phí nhà đất công, như khu đất 475 Bạch Đằng có diện tích 1.118 m², thuộc quản lý của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, trước đây được cho Công ty FAHASA thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Bên trong, Sân khấu Gia Định vốn hoạt động tại đây đã đóng cửa, biến thành nơi giữ xe máy không rõ nguồn gốc và hàng hóa.

Hay nhà khách Chính phủ tại số 1 Lý Thái Tổ, có diện tích hơn 3,7 ha, nằm ở vị trí đắc địa giáp ranh các quận trung tâm. Khu đất này bị bỏ hoang nhiều năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Khu đất 115-117 Hồ Tùng Mậu rộng 3.198 m² hiện là bãi giữ xe; khu đất 8-12 Lê Duẩn rộng gần 5.000 m² và khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.080 m² đều bị bỏ hoang do liên quan đến các vụ án giao đất, cho thuê đất trái quy định. Ngoài ra, đất thương xá Tax vẫn chưa có quy hoạch triển khai cụ thể…

Còn tại Hà Nội, có thể kể đến hai dự án là BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức Cơ sở 2. Với vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng, hai dự án này khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Tại huyện Mê Linh, Hà Nội, hàng loạt khu đô thị như Quang Minh 1, Việt Á, BMC, Prime Group… đã được khởi công xây dựng từ hơn một thập niên trước nhưng hiện vẫn bỏ hoang.

Hà Nội còn có 14 dự án đô thị với hơn 920 ha nhưng tiến độ thu hồi rất chậm, lô “đất vàng” số 4 Thụy Khuê của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) vướng mắc trong định giá đất và xác định giá trị doanh nghiệp…

Sự chậm trễ không chỉ làm giảm giá trị tài sản công mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến tài chính, làm suy giảm niềm tin của người dân vào quá trình cổ phần hóa và quản lý tài sản công.

 TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM.

Xử nghiêm lãng phí tài sản công

Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra yêu cầu phải đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Do vậy, các biện pháp xử lý cần được công khai để người dân và các tổ chức có thể theo dõi, giám sát.

Để làm được thì các cấp, các ngành phải quyết liệt kiểm tra định kỳ và đột xuất để phát hiện kịp thời các vi phạm, đặc biệt đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong quá trình giám sát.

TS TRẦN QUANG THẮNG

Phải dùng hệ thống để quản lý

. Với khối lượng tài sản công cần sắp xếp khổng lồ như vậy đã đặt ra yêu cầu cấp thiết quản lý hiệu quả ra sao?

+ Theo số liệu từ Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Tại TP.HCM, Sở Tài chính cho biết hiện nay toàn TP có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp.

Với số lượng khổng lồ này, chỉ có thể ứng dụng công nghệ thông tin để sắp xếp, quản lý có hệ thống. Việc số hóa những địa chỉ này sẽ giúp xử lý, giải quyết lãng phí tài sản được nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Tôi cho rằng nhất thiết phải sử dụng hệ thống quản lý tài sản công để theo dõi và quản lý các địa chỉ nhà đất công. Hệ thống này có thể giúp tự động hóa quy trình, giảm thiểu sai sót và tăng cường tính minh bạch. Vì vậy, chúng ta cần đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên quản lý tài sản công để họ có thể làm việc hiệu quả với các hệ thống công nghệ và quy trình quản lý hiện đại.

Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, người dân để nhận được phản hồi và đề xuất cải tiến trong quản lý tài sản công.

. Nhiều nhà đất công, khu “đất vàng” đang bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi TP.HCM đang thiếu nguồn thu để phát triển kinh tế - xã hội.

+ Điều này là rõ ràng. TP.HCM cần có một quy trình đánh giá chi tiết, chính xác về tình trạng bỏ hoang của các khu đất và nhà đất công, nhằm xác định các nguyên nhân chính cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp.

Qua đó, đẩy nhanh việc sử dụng các khu đất, nhà đất công bị bỏ hoang để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện hoặc các dự án công nghiệp… Nếu giải tỏa được các nguồn thu “ẩn mình” này, TP.HCM sẽ có điều kiện tái đầu tư các dự án xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh nhiều hơn.

 Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) với quy mô 1.000 giường bệnh xây dựng năm 2014, hoàn thiện năm 2018 và bỏ hoang từ đó đến nay. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) với quy mô 1.000 giường bệnh xây dựng năm 2014, hoàn thiện năm 2018 và bỏ hoang từ đó đến nay. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Khuyến khích tư nhân tham gia vào dự án công

. Các công trình, dự án được đầu tư dang dở, thi công kéo dài cũng chính là biểu hiện của lãng phí?

+ Không chỉ là biểu hiện của lãng phí mà điều này còn làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tôi tin rằng mỗi công trình, dự án đều mang nhiều ý nghĩa với người dân, chính quyền địa phương. Nếu vì những lý do nào đó mà công trình chậm hoàn thiện tiến độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng sống của người dân nơi đó.

Vì vậy, cấp thiết đặt ra là phải rà soát và đánh giá toàn bộ dự án, công trình đang dang dở; xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng kéo dài và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Việc này, tôi thấy TP.HCM đã bắt đầu triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt từ người đứng đầu chính quyền TP.

Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải hướng đến đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên quản lý dự án, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ và chất lượng. Làm sao để dự án, công trình được quy hoạch và lập kế hoạch một cách rõ ràng, chi tiết ngay từ đầu, hạn chế tình trạng thay đổi, điều chỉnh trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công; tăng chế tài với các dự án giải ngân vốn chậm và bổ sung quy định về thưởng đối với các dự án hoàn thành sớm, giải ngân vượt kế hoạch vốn…

. Trên thực tế đang có nhiều tài sản tuy nhỏ nhưng việc xử lý rất khó khăn do vướng quy định?

+ Tôi còn nhớ khi giải tỏa để xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, có một phần đất dôi dư sau khi giải tỏa nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết.

Thiết nghĩ, các địa phương cần kiến nghị Trung ương xem xét, đơn giản hóa các quy trình pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, đánh giá lại các văn bản pháp lý hiện hành và cập nhật, cải thiện chúng để phù hợp với thực tế. Cần nhanh chóng bổ sung các quy định rõ ràng và chi tiết hơn về quản lý tài sản nhỏ.

Quan trọng là chúng ta cần khuyến khích hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý, sử dụng tài sản công. Điều này giúp tăng cường hiệu quả sử dụng tài sản công và giảm bớt gánh nặng quản lý cho Nhà nước.

Đây cũng là lúc nên tăng cường sự giám sát của xã hội và ngăn chặn các hành vi lãng phí, tham nhũng bằng việc đảm bảo rằng các thông tin về quản lý, sử dụng tài sản công được công khai, minh bạch, dễ dàng tiếp cận.

. Xin cảm ơn ông.

Gỡ các vướng mắc về quy định

Trên thực tế có khá nhiều vướng mắc trong quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công nhưng chủ yếu tập trung vào sự chưa phù hợp từ quy định của pháp luật về phân cấp, phân quyền. Sự cần thiết phải rõ ràng, không chồng lấn về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là những hướng tháo gỡ để công tác quản lý, sử dụng tài sản công có thể thực hiện được thuận lợi nhất.

Tôi cho rằng lãng phí cần phải được định nghĩa và phân loại cho phù hợp. Theo tôi, về cơ bản có hai nhóm lãng phí. Một là lãng phí do không khai thác được tài sản công mà nguyên nhân là từ cơ chế hay vướng mắc trong quy định của pháp luật. Hai là lãng phí do không khai thác hay khai thác không đúng mục đích sử dụng tài sản công.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công cần sự chặt chẽ nhằm phòng ngừa tình trạng thất thoát, giúp bảo toàn tài sản công của Nhà nước, của nhân dân. Do vậy, trong nhiều trường hợp khi quy định không rõ ràng, thậm chí là không có quy định thì việc khai thác tài sản công không thể thực hiện được. Điều này theo tôi cần giải quyết triệt để bằng việc tháo gỡ các vướng mắc đến từ quy trình thực hiện hay từ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khi chúng ta đã có quy định nhưng lại khai thác tài sản công sai mục đích dẫn đến lãng phí thì phải xử lý nghiêm, góp phần bảo vệ hiệu quả tài sản công. Còn tình trạng lãng phí do chưa thể khai thác tài sản công thì cần sự phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc từ quy định của pháp luật và quy trình thực hiện, việc tháo gỡ này đòi hỏi sự chung tay của nhiều cơ quan có thẩm quyền.

PGS-TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

******

Ý KIẾN

ThS LÊ VĂN THÀNH, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:

Lãng phí từ việc sử dụng con người không hiệu quả

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực. Theo tôi, lãng phí là vấn đề rất phức tạp.

Tôi cho rằng có hai nhóm lãng phí. Một là nhóm do không biết nên làm lãng phí - đây là nhóm diễn ra thường xuyên. Chẳng hạn, khi đi tìm đối tác để làm công trình, dự án nhưng không biết ai làm tốt, ai làm không tốt thì dễ chọn sai dẫn đến làm sai và gây nên lãng phí.

Nhóm thứ hai là nhóm cố tình lãng phí để thụ hưởng lợi ích riêng, như đề xuất những quy trình, công việc không cần thiết, kiếm “sân trước, sân sau” để hưởng lợi ích.

Chung quy tất cả hành vi lãng phí đều xuất phát từ việc sử dụng con người. Nếu sử dụng người không đúng thì gây lãng phí lớn cho xã hội, kéo dài và gây ra nhiều lãng phí khác.

-----

Anh LÊ KỲ TIẾN, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình:

Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý lãng phí

Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác phòng, chống lãng phí đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc ngăn chặn những vấn đề làm hao tổn nguồn lực quốc gia.

Trong bối cảnh mà các nguồn lực về kinh tế, tài chính và con người cần được sử dụng tối ưu để đáp ứng yêu cầu phát triển, chỉ đạo này đã tạo nên khí thế mới, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng trong kiến tạo môi trường quản lý minh bạch, hiệu quả.

Dù vậy, vẫn còn nhiều lĩnh vực xuất hiện tình trạng lãng phí đáng lo ngại. Cụ thể, các công trình hạ tầng giao thông đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng bỏ hoang do quy hoạch thiếu đồng bộ; trang thiết bị y tế hiện đại tại một số bệnh viện không được sử dụng đúng công suất; giáo dục được đầu tư xây dựng nhưng không sát nhu cầu thực tế… Những vấn đề này không chỉ gây thất thoát tài chính mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Để chống lãng phí hiệu quả, tôi cho rằng cần tăng cường giám sát, đặc biệt là vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quản lý để nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu sai sót. Việc quy hoạch phải dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm.

BẢO PHƯƠNG ghi

******

GÓC NHÌN

Chống lãng phí - nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng lâu dài

“Để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đó là thông điệp đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết “Chống lãng phí” hồi giữa tháng 10-2024.

Thông điệp này cho thấy cùng với chống tham nhũng, tiêu cực thì giờ đây công tác phòng, chống lãng phí cũng được đặc biệt coi trọng.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Với định nghĩa này, tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội, có ở mọi xã hội, mọi nơi.

Những cán bộ thoái hóa, biến chất sẽ lợi dụng quyền lực được nhân dân ủy thác để tham nhũng, lãng phí, làm thiệt hại của công và làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Hành vi tha hóa đạo đức cá nhân của cán bộ, công chức nhà nước này chính là các hành vi tiêu cực.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 định nghĩa “lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả”. Thực tế tham nhũng chỉ ở một bộ phận, trong khi lãng phí lại khá phổ biến và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều khi lãng phí còn làm thất thoát nguồn lực quốc gia khủng khiếp hơn cả tham nhũng.

Có thể thấy lãng phí thì ở đâu, lúc nào, giai đoạn nào cũng có. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Nhà nước đang đầu tư nguồn lực lớn cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có cơ chế minh bạch, các quy định cụ thể, định mức, tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trụ sở làm việc… sẽ rất dễ tạo kẽ hở để một bộ phận cán bộ, công chức gây thất thoát, lãng phí và qua đó tham nhũng.

Khi cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực sẽ tham mưu hoặc ban hành các chính sách không gắn với thực tiễn, gây mất niềm tin của nhân dân. Hoặc nếu không kiểm soát tình hình sẽ tạo ra những kẽ hở để những cán bộ, công chức suy thoái, thoái hóa, biến chất lợi dụng cơ hội tham nhũng và gây lãng phí.

Vì vậy, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Nếu chỉ chống tham nhũng không thì chưa đủ mà còn cần phải phòng, chống cả lãng phí.

Tương tự, tiêu cực có quan hệ mật thiết với lãng phí và tham nhũng, nếu không chống tiêu cực tốt sẽ dẫn tới tham nhũng, lãng phí, trong đó có những dạng thức tham nhũng rất tinh vi mà nguyên nhân bắt đầu từ tiêu cực, đó là tham nhũng bằng chính sách.

Cả tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đều gắn với quyền lực bị tha hóa, đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân.

Tác hại mà tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây ra là rất nghiêm trọng nên ngay từ những năm 60 của thế kỷ 20, Đảng Lao động Việt Nam đã quan tâm đến công tác này và từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, công tác này thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Trong văn kiện Đại hội Đảng (năm 1986, 1994), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội VIII, IX, XI đến Đại hội XII, XIII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là phòng, chống tham nhũng được đề cao và thực tế đã thực hiện rất thành công công cuộc này…

Như vậy, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng với các biện pháp đồng bộ; chủ động phòng ngừa; xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm… góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TS VŨ TRUNG KIÊN, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Học viện Chính trị khu vực II

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/chan-dung-tinh-trang-lang-phi-tai-san-cong-post830112.html
Zalo