Chặn đứng lãng phí tài sản công

Loại bỏ sớm những nguyên nhân dẫn tới thất thoát tài sản công, không để thất thoát rồi mới lo xử lý, là giải pháp đi trước, đúng đắn và thiết thực, nhằm chặn đứng hiện tượng lãng phí nguồn lực quý giá cho phát triển đất nước.

Bài 3: Không để rò nhiên liệu của con thuyền đất nước

Tài sản công của đất nước có thể ví như bình nhiên liệu dồi dào của con thuyền lớn khi ra khơi, nếu đã bị rò rỉ thì tổn thất sẽ rất lớn. Loại bỏ sớm những nguyên nhân dẫn tới thất thoát tài sản công, không để thất thoát rồi mới lo xử lý, là giải pháp đi trước, đúng đắn và thiết thực, nhằm chặn đứng hiện tượng lãng phí nguồn lực quý giá cho phát triển đất nước.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã chỉ rõ 4 nhóm giải pháp trọng tâm với căn bệnh lãng phí nói chung và lãng phí tài sản công nói riêng. Trong đó, nhóm giải pháp thứ 3 được đồng chí phân tích sâu sắc và toàn diện, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công.

Theo Tổng Bí thư, trọng tâm trong giải quyết nguyên nhân dẫn tới lãng phí tài sản công, là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, từ đó khắc các phục điểm nghẽn, tạo đà cho phát triển. Tổng Bí thư cũng lưu ý phải thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi số.

Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật là chuẩn mực để tổ chức, hoạt động, quản lý, quản trị xã hội. Khi đưa ra nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, Tổng Bí thư đã xác định đây là nhiệm vụ có tính quyết định nhằm xử nguyên nhân dẫn tới lãng phí tài sản công. Các quy định pháp luật không chỉ là căn cứ để những người thực thi và giám sát pháp luật thực hiện nhiệm vụ, mà còn góp phần hình thành sự rõ ràng, minh bạch, để mọi thành phần, đối tượng trong xã hội có thể soi chiếu, đảm bảo từng cá nhân không phát sinh hành vi lãng phí. Điều này cũng đồng thời tăng cường sự tự tin, tự chịu trách nhiệm cho các đối tượng, đặc biệt là công chức nhà nước khi thi hành công vụ, từ đó dẫn tới không né tránh trách nhiệm, kéo theo các hệ lụy cho xã hội, và có tác dụng ngăn chặn các hành vi tham ô, tham nhũng tài sản công.

Nhằm triệt tiêu các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, việc cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, chống bệnh quan liêu cũng là một trong các yêu cầu bức thiết. Thực tế cho thấy thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp xây dựng từng trần tình tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Pháp luật (tổ chức đầu tháng 10/2024): Thủ tục giải phóng mặt bằng phải qua 177 bước với thời gian 300 ngày, thủ tục đầu tư dự án phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản. Yêu cầu cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính được đánh giá là đã đánh trúng vào nút thắt hiện nay, góp phần khơi thông điểm nghẽn, ngăn chặn các thủ tục kéo theo sự lãng phí không cần thiết, bào mòn sức khỏe doanh nghiệp và gây bức xúc cho nhân dân. Hiện nay, những điều chỉnh trong Luật Đất đai mới có hiệu lực đã "gỡ rối" cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận các loại đất dễ dàng hơn, cũng góp phần giảm thời gian và chi chí thủ tục cho doanh nghiệp. Các Nghị định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả nước cũng đang tiếp tục ban hành, trong đó có nội dung tiết giảm tối đa thủ tục hành chính. Đây chính là những nỗ lực của Đảng và Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng thời cũng nhằm ngăn chặn những khả năng lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức do thủ tục phiền hà mang tới.

Công nhân lát đá vỉa hè tại Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh tư liệu/minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Công nhân lát đá vỉa hè tại Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh tư liệu/minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Việc sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng là giải pháp nhằm chống các nguyên nhân dẫn tới lãng phí tài sản công, được Tổng Bí thư chỉ rõ. Thực tế, xã hội từng bất bình khi có quá nhiều công trình quan trọng tầm cỡ quốc gia, dự án trong điểm (ví dụ như Đường sắt Cát Linh – Hà Đông) kéo dài thời gian thi công, hoặc hoàn thành nhưng hiệu quả thấp; quá nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa (ví dụ đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam…), hay các ngân hàng thương mại với kết quả kinh doanh yếu kém, có biểu hiện tiêu cực gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước và cá nhân. Điều này cho thấy tài nguyên, nhân lực, vật lực vẫn đang bị lãng phí do cách quản lý, sử dụng cũng như phương pháp làm việc chưa đảm bảo khoa học, chưa chặt chẽ, chưa khai thác tối đa tiềm năng về mọi mặt trong từng cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương. Để ngăn chặn nguy cơ lãng phí trong thực hiện các công trình, dự án, cũng như hoạt động của các tổ chức tài chính và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngay trong nội bộ mỗi đơn vị, tổ chức cần sớm rà soát, đưa ra được các phương án vận hành hiệu quả, tối ưu, giảm thời gian thực thi, khơi gợi và phát huy triệt để tiềm năng, sáng kiến để rút ngắn thời gian, công đoạn, tiết kiệm, chống lãng phí, đem lại lợi ích cho đất nước.

Hàng loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau nhiều năm được giao đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN.

Hàng loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau nhiều năm được giao đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN.

Một trong những tài nguyên của đất nước cần tiết kiệm, chính là nhân lực. Giải pháp tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội được Tổng Bí thư đề nghị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Giải pháp này trên thực tế đã và đang tiếp tục được triển khai, với việc tái cơ cấu các tổ chức, rà soát vị trí việc làm, tăng cường các văn bản chỉ đạo về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức…, nhằm tăng cường sức mạnh cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, từ đó có các đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động kinh tế -xã hội của đất nước.
Bên cạnh các giải pháp đặc thù dành riêng chống lãng phí tài sản công, các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí nói chung cũng cần được triển khai nhanh chóng, trong đó cần thiết nhất là thống nhất ý chí trong toàn Đảng, toàn dân, đấu tranh với các biểu hiện lãng phí, xử lý kiên quyết các hành vi sai phạm song song với biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.

Nói tóm lại, để đi trước một bước trong ngăn chặn lãng phí tài sản công, cần phải nhận diện thẳng thắn những nguyên nhân gây lãng phí; Cụ thể hóa những tiêu chí, yêu cầu của từng công đoạn và lĩnh vực công tác, dự phòng các khả năng xảy ra lãng phí, thất thoát, từ đó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, tổ chức, địa phương, cá nhân trong hoạt động công chính; Nâng cao nhận thức của từng cá nhân về ý thức tiết kiệm, chống lãng phí và quan trọng nhất là tăng cường các quy định pháp luật với hành vi lãng phí song song với rà soát các văn bản pháp luật nhằm tháo cởi các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực. Và điều đáng chú ý, việc triển khai các giải pháp ngằm ngăn ngừa các nguyên nhân dẫn tới lãng phí tài sản công đặt ra đòi hỏi lớn ở đội ngũ thực thi là các cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền.

4 nhóm giải pháp trọng tâm do Tổng Bí thư đưa ra nhằm “điều trị” căn bệnh lãng phí nói chung và lãng phí tài sản công nói riêng, có tính bao trùm rộng, đồng thời sâu sát với thực tế. Để nhanh chóng triển khai các nhóm giải pháp này, bên cạnh việc tiếp tục thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì các bộ ngành, địa phương, tổ chức và mỗi đơn vị… cần nỗ lực rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện các văn bản, quy định liên quan. Từ đó, đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định, nhằm tháo gỡ các khó khăn, tiết kiệm thời gian, công sức, tăng cơ hội… trong sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn các biểu hiện lãng phí, thậm chí là tham ô, tham nhũng, thất thoát tài sản công.

Có thể lấy ví dụ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì cần tiếp tục rà soát đối chiếu với thực tế để khắc phục những điểm còn bất cập, đặc biệt những nội dung liên quan quản lý tài chính hoặc các tài sàn công như trụ sở, đất đai… Một ví dụ nổi bật: Tính đến cuối tháng 12/2023, toàn quốc còn khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý sau khi sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang còn bỏ không, gây sự lãng phí, mà khó khăn chủ yếu do quy định về định giá, về về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, việc nhanh chóng cụ thể hóa các quy định hướng dẫn trong các điều luật liên quan sẽ góp phần giúp các địa phương đủ tự tin thanh lý, bán đấu giá trụ sở mà không sợ sai, không sợ gánh trách nhiệm, tránh sự lãng phí lớn. Tương tự là các quy định về mua sắm, đấu thầu cần được quy định chi tiết và sát thực tế hơn để các đơn vị y tế cơ sở có thể tự tin thực hiên thủ tục đấu thầu trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, điều trị của bệnh nhân…

Song song với các quy định chi tiết để tạo hành lang cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực thi nhiệm vụ, là các quy định về xử lý các hành vi gây lãng phí, thất thoát cần được siết chặt hơn nữa. Các bộ ngành, đơn vị, cũng cần lên tiêu chí cụ thể cho từng nhiệm vụ, từng công đoạn trong công tác của đơn vị mình, để làm căn cứ xác định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận; đồng thời sàng lọc, loại bỏ các thao tác không cần thiết, không còn phù hợp trong quy trình làm việc, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, cơ cấu lại bộ máy, tối ưu hóa năng suất lao động. Trong mỗi đơn vị cần tuyên truyền để toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên về ý thức tiết kiệm gắn với nhiệm vụ cụ thể, phát động các cuộc thi sáng kiến, để hình thành ý thức tiết kiệm chống lãng phí trong từng đơn vị, tổ chức và mỗi cá nhân.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp chống lãng phí tài sản công như bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ rõ, “chiếc bình” nhiên liệu tài nguyên nhân lực, vật lực sẽ được bảo vệ an toàn, không bị lãng phí, thất thoát, đủ tích lũy để đưa con tàu đất nước tiến nhanh, tiến xa trong hành trình chinh phục mục tiêu phát triển của toàn dân tộc.

Thùy Hương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/chan-dung-lang-phi-tai-san-cong-20241025235715534.htm
Zalo