Chiến lược huy động vốn cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam (đường sắt cao tốc Bắc - Nam) là một trong những dự án hạ tầng lớn và quan trọng nhất của Việt Nam trong thập kỷ tới. Mặc dù đã được phê duyệt về chủ trương, việc huy động vốn cho dự án này vẫn là một thách thức lớn, vì vậy việc tìm kiếm các giải pháp tài chính sáng tạo và hiệu quả trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Việc huy động vốn cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không hề đơn giản, do quy mô dự án quá lớn, gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước nếu chỉ thực hiện bằng vốn ngân sách. Mặt khác, việc phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài có thể làm gia tăng nợ công và đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia, chưa kể đến những điều kiện mà các quốc gia tài trợ có thể đặt ra cho chúng ta để có thể tiếp cận được nguồn vốn. Do đó, tìm kiếm các giải pháp tài chính nội địa, kết hợp với các công cụ hiện đại từ thị trường tài chính, là hướng đi cần thiết để giải quyết vấn đề tài chính của dự án.

Các đánh giá về các phương án huy động vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng nguồn lực trong nước và sử dụng các công cụ tài chính mới như REIT để đảm bảo tính khả thi của dự án. Việt Nam cần khai thác tối đa tiềm năng kinh tế nội địa, đồng thời áp dụng các mô hình tài chính hiện đại đã thành công ở các quốc gia khác. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực lên ngân sách mà còn mở ra cơ hội cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng quốc gia.

Tận dụng nguồn lực trong nước để huy động vốn

Việt Nam hiện có tiềm lực kinh tế lớn, đủ khả năng huy động nguồn vốn nội địa để giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài. Tổng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ước tính sẽ đạt hơn 460 tỉ đô la Mỹ, hơn gấp đôi so với năm 2010, tạo cơ hội lớn hơn cho việc huy động vốn từ trong nước. Quy mô nhu cầu vốn của dự án cao tốc Bắc - Nam vào khoảng 67 tỉ đô la, chiếm khoảng 14-15% GDP.

Với việc quy mô của thị trường chứng khoán đã tăng hơn rất nhiều lần và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng đã tốt, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tiềm năng nội địa thông qua các công cụ tài chính đa dạng, thay vì phải vay mượn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Đây là hướng đi không phải không khả thi nếu như có một cơ chế tài chính đủ hấp dẫn để có thể thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Việc hạn chế vay vốn nước ngoài không chỉ giúp giảm rủi ro nợ công mà còn bảo vệ an ninh tài chính quốc gia. Năm 2022, nợ công của Việt Nam chiếm khoảng 43,7% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm tỷ lệ đáng kể. So với việc vay vốn từ nước ngoài, huy động vốn trong nước không những giúp đảm bảo chủ quyền tài chính mà còn giữ cho kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Điều này giúp tránh các rủi ro tiềm ẩn về biến động tỷ giá và chi phí vay vốn quốc tế.

Một ví dụ về rủi ro đội vốn đáng lo ngại là dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Tổng mức đầu tư của dự án này đã tăng từ 17.400 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng, đặt ra bài học quan trọng về việc kiểm soát chi phí đối với các dự án hạ tầng lớn. So với các nước phát triển, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quản lý chi phí và tài chính để tránh tình trạng tăng chi phí không kiểm soát. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết của việc lập kế hoạch tài chính chi tiết và quản lý chặt chẽ.

Phát hành trái phiếu là một giải pháp hữu hiệu để huy động vốn từ trong nước, từ cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, phát hành trái phiếu có thể là cách giúp thu hút vốn lớn từ các nhà đầu tư trong nước, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. So với việc vay vốn nước ngoài, trái phiếu nội địa giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá và giữ nguồn lợi cho nền kinh tế trong nước.

Cân nhắc REIT như một giải pháp huy động vốn hiện đại

REIT (Quỹ tín thác đầu tư bất động sản) là một công cụ tài chính hiện đại, cho phép huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư để đầu tư vào bất động sản, trong đó bao gồm cả hạ tầng. Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc và Singapore đã thành công trong việc sử dụng REIT để giải quyết vấn đề tài chính cho các dự án hạ tầng lớn. Tính đến năm 2022, thị trường REIT toàn cầu đã đạt giá trị khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ. Việc sử dụng REIT giúp chia nhỏ quyền sở hữu, cho phép nhiều nhà đầu tư tham gia với số vốn nhỏ hơn, đồng thời đảm bảo tính thanh khoản và minh bạch.

Biểu đồ bên dưới cho thấy việc áp dụng tài trợ cho các dự án ở các nước châu Á dựa trên mô hình REIT đã tăng trưởng mạnh như thế nào trong hơn 20 năm qua. REIT đặc biệt phát triển mạnh ở các nước/vùng lãnh thổ có thị trường vốn phát triển như Singapore hay Hồng Kông. Tuy nhiên, số lượng REIT đã có sự cải thiện vượt trội ở các thị trường đang phát triển như Thái Lan hay Malaysia trong những năm gần đây.

Việc thành lập REIT cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể là một bước đột phá, giúp huy động vốn từ cả trong nước và quốc tế. Với số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt mốc 8 triệu người vào giữa năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có thể hỗ trợ cho các sản phẩm tài chính mới như REIT. Điều này không chỉ giúp huy động vốn cho dự án mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Ưu điểm lớn nhất của REIT là hiệu quả và minh bạch. Việc quản lý chuyên nghiệp và minh bạch thông tin giúp nhà đầu tư yên tâm về việc sử dụng vốn và lợi nhuận thu được. Đây là một giải pháp không chỉ giúp phân tán rủi ro mà còn tạo điều kiện cho người dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào các dự án hạ tầng quốc gia, tạo ra động lực kinh tế bền vững.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc áp dụng REIT có thể tăng tính minh bạch lên đến 30% so với các hình thức huy động vốn truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các dự án hạ tầng lớn thường gặp phải vấn đề về quản lý chi phí và minh bạch tài chính.

Bên cạnh REIT, việc áp dụng các mô hình tài chính hiện đại như hợp đồng tương lai và quyền chọn cũng là một hướng đi khả thi. Bằng cách phát hành các hợp đồng tương lai về vé tàu hoặc dịch vụ liên quan, dự án có thể thu hút vốn đầu tư sớm từ những khách hàng và nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng của dự án. Các quyền chọn mua vé với giá ưu đãi trong tương lai cũng có thể là một công cụ hấp dẫn để thu hút vốn.

Việc đóng gói các sản phẩm này thành các sản phẩm tài chính với lợi nhuận trung bình 10% mỗi năm sẽ tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Điều này không chỉ giúp dự án huy động được vốn sớm mà còn cung cấp cho nhà đầu tư một kênh đầu tư hấp dẫn với lợi nhuận ổn định. Các sản phẩm tài chính này cần được thiết kế cẩn thận, đảm bảo tính minh bạch và quản lý rủi ro chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của cả dự án và nhà đầu tư.

Mặc dù REIT là một công cụ huy động vốn sáng tạo và khả thi, nhưng việc triển khai cần phải được thực hiện cẩn trọng, kết hợp với các biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo tính hiệu quả. Hành lang pháp lý cho REIT thực tế đã được thông qua từ năm 2012, tuy nhiên việc thiếu vắng những cơ sở quan trọng của thị trường khiến cho mô hình REIT vẫn chưa thể phát triển ở Việt Nam. Việc áp dụng REIT đòi hỏi khung pháp lý rõ ràng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Khi triển khai đúng cách, REIT không chỉ giúp đảm bảo thành công cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án lớn đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ và giải pháp tài chính sáng tạo. Việc tận dụng nguồn lực trong nước và sử dụng các công cụ tài chính hiện đại như REIT là hướng đi cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo thành công của dự án. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, cùng với khung pháp lý rõ ràng và quản lý rủi ro nghiêm ngặt.

(*) WAM Institute
(**) CFA

Hans Nguyễn (*) - Lê Hoài Ân (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chien-luoc-huy-dong-von-cho-duong-sat-cao-toc-bac-nam/
Zalo