Chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, Trạm Y tế xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) triển khai nhiều hoạt động, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.
Tà Tổng là xã vùng cao có địa bàn rộng và dân số đông nhất huyện với hơn 1.300 hộ, 7.400 nhân khẩu tại 11 bản, chủ yếu dân tộc Mông sinh sống. Được sự quan tâm của các cấp, Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, sạch sẽ, trang thiết bị y tế ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của nhân dân.
Hiện, trạm có 6 cán bộ y, bác sỹ cùng đội ngũ nhân viên y tế tại các bản. Cán bộ, nhân viên y tế trạm luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ và chăm sóc tốt người bệnh. Duy trì nghiêm lịch trực, sẵn sàng có mặt khi người bệnh cần, không kể ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ để làm tròn y đức, phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Trạm luôn bám sát vào các nội dung hoạt động của ngành, địa phương để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên trong công tác khám, điều trị và phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên phối hợp thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương. Thực hiện tốt các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tạo niềm tin đối với người dân khi triển khai hoạt động về chăm sóc sức khỏe.
Với tinh thần, thái độ phục vụ nhiệt tình, tận tâm nhờ đó số lượng bệnh nhân đến trạm khám, điều trị bệnh lúc nào cũng đông. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã khám cho hơn 2.000 lượt người. Cán bộ y, bác sỹ của trạm thực hiện tốt công tác phân loại, theo dõi, quản lý người bệnh như: lập danh sách quản lý sức khỏe phụ nữ có thai, người cao tuổi, điều trị Methadone.... Người bệnh đến trạm được sơ cấp cứu kịp thời, với những trường hợp vượt khả năng chuyên môn đều được chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) thăm khám cho bệnh nhân nhi.
Là xã vùng cao, Tà Tổng cách trung tâm huyện Mường Tè hơn 50km, điều kiện cơ sở vật chất của người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, vất vả, đặc biệt vào mùa mưa. Trình độ dân trí không đồng đều, một số người vẫn giữ thói quen khi ốm đau lên rừng kiếm rễ, lá cây về đun uống, chữa trị đến khi bệnh nặng quá mới đưa đến trạm hoặc trung tâm y tế tuyến trên điều trị… gây khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động và việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Trạm nỗ lực khắc phục khó khăn, thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, bản tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép vào các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ, tư vấn trực tiếp, treo băng rôn, khẩu hiệu và qua hệ thống loa phát thanh, truyền thông lưu động, phát tờ rơi và tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh cùng người dân. Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh cùng các bản vào những ngày cuối tuần; tổ chức cấp phát, tẩm màn bằng hóa chất, lấy máu xét nghiệm để phát hiện bệnh, phòng chống sốt rét hiệu quả.
Đặc biệt, Trạm thường xuyên trao đổi thông tin, triển khai kế hoạch và tập huấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh tới đội ngũ y tế bản. Từ đó, phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư triển khai hiệu quả các hoạt động y tế, giúp Trạm nắm bắt tình hình tại địa phương và các thông tin ca bệnh được phản hồi.
Trạm kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh và lịch tiêm chủng, khám sức khỏe… đến với đông đảo người dân qua các phương tiện truyền thông như: nhóm zalo, facebook, số điện thoại. Hằng năm, tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, trên 90% trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A, tư vấn dinh dưỡng... Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm qua các năm. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm; phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván sơ sinh, uống bổ sung viên sắt phòng thiếu máu.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Trạm Y tế xã Tà Tổng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đầy đủ các biện pháp giám sát, phát hiện kịp thời các dịch bệnh để có kế hoạch phòng ngừa, dập tắt ngay từ đầu, khống chế không để phát sinh thành dịch. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.