Chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Năm 2024, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, Chi cục đã triển khai có hiệu quả công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; kinh tế trang trại; làng nghề, ngành nghề nông thôn; cơ giới hóa nông nghiệp; bố trí dân cư và đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Cụ thể, Chi cục đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, triển khai các văn bản quy định mới của Trung ương đến các huyện, thành phố. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá phân loại HTX nông nghiệp để có cơ sở tổng hợp báo cáo, đánh giá toàn diện về phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Chi cục còn thường xuyên cập nhật, rà soát, đánh giá phân loại HTX nông nghiệp; cập nhật số liệu phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành Kinh tế hợp tác và PTNT.
Đến hết năm 2024, Thái Nguyên có 5 liên hiệp HTX, 620 HTX nông nghiệp (tăng 60 HTX so với cùng kỳ), 350 tổ hợp tác. Nhiều HTX, tổ hợp tác đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Trong năm 2024, Chi cục đã kịp thời triển khai văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phát triển kinh tế trang trại đến các địa phương; tổ chức kiểm tra về công tác quản lý, theo dõi phát triển kinh tế trang trại của UBND cấp xã và tình hình hoạt động của các trang trại trong tỉnh; triển khai mô hình hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến sản phẩm chủ lực (chè) cho 1 trang trại tại huyện Đại Từ.
Đến nay, dự ước toàn tỉnh có 746 trang trại. Việc hình thành nhiều mô hình trang trại đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất được quy hoạch hợp lý để sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hóa cao, theo nhu cầu của thị trường. Các trang trại đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại các địa phương, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Thực hiện chương trình phát triển làng nghề, làng nghề nông thôn, Chi cục đã triển khai nhiều phần việc hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 277 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với khoảng 14.500 hộ tham gia (trên 42 nghìn lao động). Các làng nghề cơ bản đã giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông nhàn, thời vụ tại địa phương; góp phần tăng thu nhập ổn định đời sống cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục thường xuyên đôn đốc các địa phương, làng nghề triển khai thực hiện đảm bảo tiêu chí về môi trường trong làng nghề theo quy định; thực hiện công tác duy tu, bảo trì các công trình hạ tầng làng nghề trong mùa mưa bão năm 2024... Đặc biệt là hỗ trợ cho 8 HTX, làng nghề tham gia 4 cuộc hội chợ tại các tỉnh Hà Nội, Nghệ An, Bình Định; hỗ trợ biển hiệu quảng bá sản phẩm chủ lực cho 1 HTX trong làng nghề...
Trong thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, Chi cục làm tốt công tác tham mưu triển khai văn bản quản lý máy móc, thiết bị đã được hỗ trợ và quản lý chất lượng máy móc, thiết bị khi được lưu hành ngoài thị trường; phối hợp với các đơn vị liên quan xác nhận máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định...
Từ các nguồn kinh phí được giao đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ cơ giới hóa sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện hỗ trợ máy móc thiết bị cho 7 HTX nông nghiệp; tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực cơ giới hóa và huấn luyện vận hành máy móc sản xuất chế biến chè gắn với an toàn lao động cho 200 người tham gia.
Đối với chương trình bố trí dân cư, Chi cục đã phối hợp với các địa phương rà soát và tổng hợp nhu cầu bố trí ổn định dân cư các vùng trong tỉnh; tham mưu xây dựng, chuẩn bị nội dung trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đối tượng bố trí dân cư đã di dời lên khu tái định cư tập trung tại phường Tân Phú (TP. Phổ Yên); quy trình, thủ tục trình UBND tỉnh dừng chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét xã Kim Phượng (Định Hóa)… Trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, năm 2024, dự ước Chi cục tổ chức, phối hợp với các đơn vị đào tạo được khoảng 1.200 lao động.
Có thể thấy, với nỗ lực của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm qua, nhiều mô hình HTX mới trong các lĩnh vực, ngành nghề được thành lập và phát triển nhân rộng. Số HTX hoạt động có hiệu quả tăng lên, nhiều HTX thực hiện tốt liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, quy mô của các trang trại được mở rộng, chuyển dần từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung.
Các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn cũng cơ bản được duy trì và phát triển. Hiệu quả hoạt động của làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng tăng. Từ đó, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tại các địa phương.