Chậm giải quyết thủ tục: Đừng để doanh nghiệp mãi ám ảnh

Nhìn từ dữ liệu của thanh tra cho đến những phản ánh của giới doanh nghiệp trong tháng 12/2024 sẽ thấy việc chậm giải quyết thủ tục từ địa phương cho đến bộ ngành vẫn còn là nỗi 'ám ảnh' đáng sợ khi tốn kém thời gian và chi phí. Trong khi đó, để việc rút ngắn khâu thủ tục thực chất hơn vẫn còn chờ thời gian trả lời.

Điều này có thể thấy rõ từ kết luận thanh tra mới nhất trong tháng 12/2024 của Thanh tra Tp.HCM về việc giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Tp.HCM - một cơ quan có quan hệ mật thiết tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đáng chú ý, trong số những đơn phản ánh, kiến nghị bị sở này trễ hẹn xử lý, kéo dài thì có trường hợp bị “ngâm” tới hơn 8 tháng.

Mất thời gian, tốn nhiều công sức

Chưa kể, trong 565.390 hồ sơ tiếp nhận về đăng ký DN tại Sở KH&ĐT Tp.HCM lại có đến 2.756 hồ sơ giải quyết trễ hạn. Hoặc như khi kiểm tra 22/32 hồ sơ kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu tại sở này đã phát hiện 11 hồ sơ trễ hẹn nhưng không thực hiện thư xin lỗi.

Các DN còn nhiều băn khoăn về khâu thủ tục thuế và hải quan khá mất thời gian và tốn công sức.

Đứng ở góc độ DN, qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang, cho rằng khâu thủ tục càng chậm xử lý chừng nào thì khó khăn của DN càng tăng thêm chừng đó. Điều này không chỉ tạo tâm lý ức chế cho DN mà còn tốn kém nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại buổi đối thoại trong trung tuần tháng 12/2024 tại Tp.HCM giữa DN các tỉnh phía Nam với Bộ Tài chính thì chính khâu thủ tục hành chính thuế và hải quan vẫn còn nhiều vướng mắc kéo dài là điều mà các DN không ngớt kêu ca, than phiền, đặc biệt là việc chậm được hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) với số tiền lớn lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Xét về việc chậm trễ thủ tục hoàn thuế, theo phản ánh mới đây của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Tp.HCM (JCCH), một số DN hội viên cho biết thủ tục hoàn thuế XNK hiện nay khá mất thời gian, bị kéo dài. Đơn cử như trường hợp nhà phân phối nhập khẩu sản phẩm về và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình phân phối họ phát hiện những trường hợp sản phẩm bị lỗi hoặc hàng bán không hết thì theo điều khoản trong Hợp đồng ký kết với bên bán, họ có thể xuất và gửi trả hàng lại.

Thế nhưng, theo JCCH, sau khi xuất trả hàng, nhà phân phối này lập hồ sơ xin hoàn thuế nhập khẩu, tuy nhiên thủ tục này lại vô cùng tốn công sức và thời gian. Một ví dụ cụ thể gần đây là DN sau khi nộp hồ sơ một gian dài thì mới được cán bộ Hải quan thông báo cần bổ sung thêm chứng từ. Sự vụ kéo dài gần 2 năm, đến nay DN vẫn chưa được hoàn.

Ngoài ra, liên quan khâu thủ tục của hải quan, JCCH cho biết một số DN chế xuất phản ánh rằng trong vấn đề xử lý nguyên vật liệu bị hư, xử lý phế thải, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thì thủ tục hải quan không đồng nhất, thường xuyên thay đổi.

“Cụ thể, để báo cáo, giải trình về phế thải thì hiện nay chưa có form mẫu nhất định của cơ quan Hải quan mà DN phải tự tạo form riêng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp nội dung yêu cầu của cán bộ Hải quan cũng không rõ ràng, dẫn đến DN phải sửa đi sửa lại công văn, nội dung báo cáo nhiều lần”, phía JCCH nêu rõ.

Chưa kể, như phản ánh của JCCH, khi thực hiện việc giám sát tiêu hủy thì nội dung yêu cầu từ cơ quan Hải quan mỗi lần mỗi khác, không thống nhất khiến DN vô cùng lúng túng. Mỗi khi có sự thay đổi cán bộ phụ trách thì nội dung yêu cầu cũng đổi theo, điều này làm cho DN tốn nhiều công sức vì không biết đâu mới là cách làm đúng và việc tiêu hủy cũng không thực hiện suôn sẻ được.

Chờ rút ngắn thủ tục thực chất hơn

Hoặc như trong vấn đề giấy phép lao động, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Nguồn Nhân lực VBF, cho rằng cần đơn giản hóa quy trình xét duyệt trước khi tuyển dụng người nước ngoài. Bởi lẽ, hiện tại yêu cầu phải đăng tin tuyển dụng lao động Việt Nam tại trung tâm việc làm của tỉnh, sau đó là phê duyệt nhu cầu lao động nước ngoài tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Quy trình này thường rất phiền hà và tốn thời gian.

“Chúng tôi khuyến nghị xem xét lại bước này để giúp quy trình thực tế và hiệu quả hơn, đẩy nhanh quá trình phê duyệt cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Nhất là cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn – đối với các dự án có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt. Việc cho phép các lựa chọn ưu tiên xử lý nhanh giấy phép lao động có thể giúp giảm thời gian chờ đợi và cho phép các giám đốc điều hành và chuyên gia bắt đầu công việc một cách nhanh chóng”, ông Colin Blackwell nói.

Còn trong báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) trong tháng 12/2024 được gửi đến Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, có lưu ý về bất cập trong thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) phục vụ xuất khẩu hải sản sang EU và các nước có yêu cầu.

Theo đó, Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) đã được Cục Thủy sản/Bộ NN&PTNT đề nghị các Tỉnh triển khai để cấp Giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng (giấy BN), giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy C/C) (song song với việc duy trì tổ chức hệ thống cấp các giấy này theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2022/TTBNNPTNT) từ ngày 15/8/2024.

Tuy nhiên, như phản ánh của Vasep, thời gian qua nhiều lô nguyên liệu hải sản doanh nghiệp vẫn chưa xin cấp được các hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy BN, giấy S/C) trên hệ thống eCDT do việc nhiều Tỉnh chỉ cho áp dụng duy nhất eCDT như quy định pháp luật bắt buộc, không cho áp dụng song song với hồ sơ giấy như quy định tại Thông tư.

Ngoài ra, cũng nên nhắc thêm đến góp ý mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2025.

Mặc dù đánh giá Dự thảo đã có những đề xuất mang tính cải cách (như bãi bỏ một số thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ trong thủ tục hành chính), thế nhưng VCCI lưu ý để hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thực chất thì cần cân nhắc, xem xét một số vấn đề.

Chẳng hạn Dự thảo đã đề xuất phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo hướng chuyển từ Bộ trưởng xuống cho Cục trưởng, tại một số thủ tục. VCCI đề nghị cần cân nhắc sửa đồng thời với việc phân cấp là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Nên nhắc lại, trong trung tuần tháng 12 này, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, DN ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên, để không còn là nỗi ám ảnh của DN thì việc rút ngắn giải quyết thủ tục cần thực chất hơn nữa trong thời gian tới từ cấp địa phương cho đến bộ ngành.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cham-giai-quyet-thu-tuc-dung-de-doanh-nghiep-mai-am-anh-1104196.html
Zalo