Thấy gì từ vụ Rạng Đông Holding (RDP) bị xử phạt?
Ủy ban Chứng khoán vừa phạt hành chính Rạng Đông Holding vì công bố thông tin sai lệch, lỗ hơn trăm tỷ nhưng báo cáo tài chính ghi lãi.
Ủy ban chứng khoán nhà nước vừa ra án phạt hơn 240 triệu đồng với Rạng Đông Holding, còn được biết đến với tên Nhựa Rạng Đông. Đáng chú ý là khoản phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch.
Báo cáo tài chính do công ty tự lập ghi nhận khoản lãi hợp nhất hơn 26 tỷ đồng năm 2023, trong khi báo cáo kiểm toán cho thấy công ty lỗ tới gần 147 tỷ đồng. Báo cáo của riêng công ty mẹ cũng có chênh lệch tương tự.
Nếu theo dõi thị trường chứng khoán Việt Nam một cách sát sao sẽ thấy một điều rất phổ biến mỗi khi đến mùa báo cáo tài chính kiểm toán hoặc soát xét. Đó là việc chênh lệch lợi nhuận giữa báo cáo công ty tự lập và báo cáo kiểm toán hay là soát xét.
Tuy nhiên, dù mang lại những cú shock cho thị trường, thì các doanh nghiệp như vậy vẫn không bị phạt. Đơn giản, họ coi đó là sự khác nhau trong cách ghi nhận doanh thu lợi nhuận giữa kế toán của công ty và kiểm toán viên của đơn vị kiểm toán độc lập.
Mới đây, Novaland, một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng với các siêu dự án hàng nghìn ha đã gây shock cho thị trường khi công bố báo cáo bán niên 2024 soát xét. Từ khoản lãi trên 300 tỷ đồng nửa đầu năm theo báo cáo công ty tự lập, đến báo cáo được soát xét, công ty lỗ tới 7.300 tỷ đồng, tức lợi nhuận đã giảm hơn 7.600 tỷ đồng chỉ trong nửa năm. Đó là một con số khủng khiếp với bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào.
Thật ra, chênh lệch báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán, soát xét là khó tránh khỏi. Bởi kiểm toán viên của công ty kiểm toán hay kế toán viên của doanh nghiệp đều là con người với những quan điểm khác nhau về cách ghi nhận. Tuy nhiên, một khi chênh lệch đó là trọng yếu, đáng kể, ảnh hưởng tới bức tranh tài chính thực tế của công ty, thì các cơ quan quản lý phải ra tay chấn chỉnh.
Lãnh đạo doanh nghiệp có động cơ để đưa ra một báo cáo đẹp với các khoản lợi nhuận kếch xù nhưng không hợp lý. Động cơ đó thường là mâu thuẫn với lợi ích của cổ đông. Và điều đó cần phải chấm dứt.
Cơ quan quản lý phải bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước sự thao túng của lãnh đạo doanh nghiệp. Những trường hợp phạt như như Nhựa Rạng Đông vừa qua, cần được mở rộng hơn, ra nhiều doanh nghiệp khác. Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ chính là cách để bảo vệ thị trường, thu hút vốn vào thị trường chứng khoán. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.