Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Vừa qua, Công ty Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) của Nhật Bản đã công bố hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto. Khoản đầu tư được giải ngân thành nhiều đợt, đợt đầu tiên đã hoàn thành trước đó không lâu, để phát triển dịch vụ ô tô và hạ tầng giao thông thông minh tại thị trường Việt Nam.

Một tên tuổi khác cũng đến từ Nhật Bản là AEON Entertainment, công ty con thuộc Tập đoàn AEON Nhật Bản, đã thành lập liên doanh với Beta Media để đầu tư 50 cụm rạp chiếu phim mới đến năm 2035, với chi phí đầu tư vài chục tỷ yên (tương đương 200 triệu USD). Kế hoạch mở rộng của AEON Entertainment cũng phù hợp với chiến lược xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư của AEON.

Tương tự, Sojitz của Nhật Bản đã phát triển hoạt động kinh doanh đa dạng trải dài từ bán lẻ, bán buôn và phân phối đến chế biến thực phẩm. Sojitz cũng có kế hoạch đầu tư vào chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra hoạt động kinh doanh mới tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Sojitz đã rót vốn vào công ty fintech Việt Nam là Finviet hồi tháng 4/2024, sau khi mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty cổ phần Đại Tân Việt.

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, nhiều tập đoàn Nhật Bản bắt đầu ưu tiên Việt Nam như một trung tâm cung ứng trong khu vực, thay vì Trung Quốc hoặc Thái Lan. Một số công ty cũng đang nỗ lực thâm nhập hoặc mở rộng vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng. Các mục tiêu chiến lược như chiếm lĩnh thị trường được đặt ra thông qua các thương vụ. Sau khi thực hiện các khoản đầu tư ban đầu, các công ty Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm cơ hội tiếp theo như kênh phân phối sau khi đầu tư vào sản xuất, hậu cần, dịch vụ bảo trì, thực phẩm, ăn uống, bán lẻ, tiêu dùng…

Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố ngày 12/12/2024 cho thấy, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài cao, dẫn đầu các nước trong khối ASEAN.

Cụ thể, kết quả khảo sát ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng “có lãi” năm 2024 là 64,1% (tăng 9,8 điểm so với năm trước). Đây là lần đầu tiên sau 5 năm kể từ trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này vượt trên mức 60%.Về dự báo lợi nhuận kinh doanh năm 2024 (so với năm 2023), tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 48,8% (tăng 16,8 điểm so với năm trước). Lý do cải thiện được các doanh nghiệp trong ngành chế tạo đưa ra là do nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng, còn các doanh nghiệp trong ngành phi chế tạo cho rằng là do nhu cầu tại thị trường nội địa tăng. Điều này cho thấy sự phục hồi của nhu cầu cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025, so với năm 2024, 50,4% doanh nghiệp dự báo sẽ cải thiện, tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan tiếp nối và chỉ có 9,2% doanh nghiệp dự báo sẽ “xấu đi”.

Đáng quan tâm, khi các doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ mở rộng tại Việt Nam là 56,1%, duy trì mức cao nhất trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng do việc gia tăng xuất khẩu và mở rộng nhu cầu tại thị trường nội địa là 62,2%... Rõ ràng, những con số này cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản có sự cải thiện và gia tăng rõ rệt, tạo ra kỳ vọng về lợi nhuận và yếu tố quyết định việc tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với chính quyền TP. Hồ Chí Minh về môi trường đầu tư kinh doanh, ông Nozaki Takao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) nhấn mạnh, Nhật Bản và Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào năm ngoái. Trong thời gian tới, Nhật Bản và Việt Nam với tư cách là những đối tác ngày càng trở nên xứng tầm hơn và hỗ trợ lẫn nhau sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó cùng nhau tạo ra những giá trị mới.

“Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia “tràn đầy” sức trẻ với độ tuổi bình quân hiện tại là 32,4 tuổi, với chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao. Điều này giúp Việt Nam thu hút sự chú ý trên thế giới với nguồn lực lao động ưu tú, tạo nên động lực thúc đẩy to lớn để tăng trưởng kinh tế và cải tiến kỹ thuật. Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng cơ hội này để hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ số và tăng trưởng xanh”, ông Nozaki Takao cho biết.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-day-manh-dau-tu-vao-viet-nam-158949.html
Zalo