Chấm dứt tình trạng 'bia kèm lạc' trong phát hành sách giáo khoa

Bộ GD&ĐT khẳng định thời gian tới, công tác phát hành sách giáo khoa phải thực hiện đúng yêu cầu, không để xảy ra tình trạng 'bia kèm lạc' như một số nơi vừa qua.

Sáng nay, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018-2024.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, triển khai công tác xã hội hóa biên soạn SGK, tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty. Trong đó, các nhà xuất bản gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia TPHCM. NXB Đại học Huế, NXB Đại học Vinh, NXB ĐH Quốc gia.

Bộ GD&ĐT đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024.

Bộ GD&ĐT đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024.

Như vậy, theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có duy nhất NXB Giáo dục Việt Nam được phép xuất bản, phát hành SGK. Đối với chương trình 2018 theo quy định một chương trình, nhiều SGK, cho nên thế độc quyền đã không còn.

Tổng số tác giả tham gia biên soạn SGK: 3.844 tác giả, cấp tiểu học là 1.485 tác giả, cấp THCS 1.245 tác giả, cấp THPT 1.114 tác giả. Trong đó, số lượng GS chiếm tỉ lệ 6,8%, PGS chiếm tỉ lệ 21,2%; Tiến sĩ tỉ lệ 36,2%, ThS 33,9%, giáo viên tham gia 343 người chiếm tỉ lệ 1,9%.

Thống kê số lượng tác giả biên soạn SGK. Nguồn: Bộ GD&ĐT

Thống kê số lượng tác giả biên soạn SGK. Nguồn: Bộ GD&ĐT

Như vậy, số lượng tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhiều gấp hơn 3 lần tác giả biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.

Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả, đặc biệt lần đầu tiên việc biên soạn SGK đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn.

Sau khi tuyển chọn được đội ngũ tác giả các đơn vị, tổ chức biên soạn SGK đã chủ động tổ chức hội thảo, tập huấn cho đội ngũ tác giả về chương trình giáo dục tổng thể, chương trình giáo dục các môn học.

Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn SGK được đánh giá thành công. Số tiết thực nghiệm, quy trình tổ chức thực nghiệm bảo đảm theo quy định. Những thông tin phản hồi từ quá trình dạy thực nghiệm và góp ý của giáo viên đã góp phần quan trọng giúp các bộ sách chuẩn xác hơn về ngữ liệu, phù hợp hơn đối với điều kiện dạy học thực tế của các địa phương.

Bộ GD&ĐT yêu cầu chấm dứt tình trạng "bia kèm lạc" khi bán bộ sách giáo khoa cho học sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu chấm dứt tình trạng "bia kèm lạc" khi bán bộ sách giáo khoa cho học sinh.

Tính chung cho cả 3 cấp học, số trường tham gia dạy thực nghiệm là 607 trường, số lớp tham gia học thực nghiệm là 2.009 lớp, số học sinh tham gia học thực nghiệm là 73.623 học sinh, số tiết dạy thực nghiệm là 9.421 tiết. Địa bàn dạy thực nghiệm bảo đảm tính vùng miền, từ Bắc vào Nam, từ thành phố tới nông thôn, miền núi,...

Về phát hành SGK giai đoạn 2021-2023, thị phần của NXB Giáo dục Việt Nam từ 100% trước khi thực hiện xã hội hóa, nay còn 71,8%.

So sánh về giá sách giáo khoa

Theo báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam và thông tin giá bìa SGK của các đơn vị khác, giá sách của các đơn vị phát hành có sự chênh lệch tương đối nhiều. Tính chung, giá SGK của các đơn vị khác cao hơn giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam trên 20% (tính theo giá bìa), thậm chí có tên sách giá cao gấp đôi (sách Tiếng Anh 1, 2).

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả SGK trong dạy học, sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chỉ đạo việc chỉnh sửa SGK (khi cần thiết), bảo đảm chống lãng phí, bảo đảm SGK được sử dụng lâu dài, tổ chức thẩm định SGK sau chỉnh sửa.

Bộ đề nghị các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và bao phủ các nội dung về xã hội hóa biên soạn SGK, xử lý nghiêm những sai phạm trong việc lựa chọn SGK, quy trình lựa chọn SGK; chỉ đạo thanh tra Sở GDĐT có kế hoạch tập trung tăng cường thời lượng các cuộc thanh tra kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nội dung về lựa chọn SGK.

Bộ GD&ĐT khẳng định các đơn vị phát hành, các cơ sở giáo dục cần chấm dứt tình trạng "bán bia kèm lạc". Thực tế, không có bộ SGK nào vượt quá 300.000 đồng. Nhưng đơn vị phát hành hoặc các trường lại gộp các loại sách khác nên dẫn đến tình trạng giá SGK "đội" lên, khiến phụ huynh phản ứng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cham-dut-tinh-trang-bia-kem-lac-trong-phat-hanh-sach-giao-khoa-post1699972.tpo
Zalo