Nhu cầu học tập đa dạng của trẻ khuyết tật vẫn là nhiệm vụ thách thức

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của trẻ khuyết tật vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức.

Hội thảo thu hút đông đảo các thầy cô, chuyên gia.

Hội thảo thu hút đông đảo các thầy cô, chuyên gia.

Thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập

Ngày 12/12, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thông qua việc áp dụng UDL (thiết kế phổ quát cho việc học).

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, những năm qua, giáo dục hòa nhập tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức.

 PGS.TS Nguyễn Văn Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, ứng dụng UDL là bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung.

UDL là khung hướng dẫn cách thiết kế bài học, không phải là khái niệm mới hoàn toàn, mà là sự tổng hợp các nguyên tắc sư phạm hiệu quả để đảm bảo việc học tập cho tất cả học sinh, kể cả học sinh khuyết tật.

Điểm cốt lõi của UDL là tập trung vào việc xóa bỏ rào cản học tập, tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho biết, trên thế giới, việc áp dụng UDL đã chứng minh hiệu quả trong hỗ trợ trẻ khuyết tật tham gia học tập hòa nhập, giúp các em cảm nhận được giá trị của bản thân trong cộng đồng học đường.

Ngoài ra, UDL còn mang đến những công cụ và phương pháp giúp giáo viên thực hiện dạy học một cách thuận lợi, khoa học và sáng tạo hơn. “Việc tổ chức Hội thảo khoa học nhằm trao đổi, chia sẻ học thuật về ứng dụng UDL sao cho hiệu quả giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước như ngày hôm nay là việc làm có ý nghĩa, mang lại giá trị thực tiễn và nhân văn” - PGS.TS Nguyễn Văn Hiền bày tỏ.

 Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Bảo đảm người khuyết tật được tham gia các hoạt động giáo dục

Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/ 2007. Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền, ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.

Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm người khuyết tật được tham gia các hoạt động giáo dục. Việt Nam cũng không ngừng đổi mới, nỗ lực nhằm thúc đẩy giáo dục dành cho đối tượng là trẻ em khuyết tật. Phương pháp UDL đã phát triển ở nhiều nước nhưng với Việt Nam còn mới.

Theo ông Tạ Ngọc Trí, UDL không phải là khung lý thuyết hay phương pháp giảng dạy xa lạ, mà là công cụ hỗ trợ để giáo viên dạy học hòa nhập hiệu quả hơn. Với triết lý ‘dạy học cho tất cả mọi người’, UDL mang lại các giá trị cơ bản như: Cơ hội học tập bình đẳng, định hướng cá nhân hóa, hỗ trợ giáo viên.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Mặc dù UDL được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước, nhưng tại Việt Nam, thuật ngữ này và cách ứng dụng trong giáo dục trẻ khuyết tật còn khá mới mẻ. Do đó, ông Tạ Ngọc Trí cho rằng, cần nỗ lực nâng cao nhận thức và hiểu biết đúng đắn cho đội ngũ giáo viên, những người luôn mong muốn thay đổi mạnh mẽ về việc ứng dụng đúng đắn và hiệu quả UDL trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

 Ông Tạ Ngọc Trí phát biểu tại hội thảo.

Ông Tạ Ngọc Trí phát biểu tại hội thảo.

“Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, hướng tới giáo dục phát triển năng lực cho mọi học sinh, đào tạo thế hệ mới gánh vác trách nhiệm thực thi và thúc đẩy Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta rất cần sự bứt phá trong giáo dục” - ông Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh.

Vì sự công bằng và chất lượng trong giáo dục, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học gợi mở, chúng ta cần phải chú trọng tới việc đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh và cơ hội học tập, hợp tác, phát triển cùng nhau của các em, bất kể là học sinh khuyết tật hay không khuyết tật.

 Ông Nguyễn Nhật Linh – Chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Nhật Linh – Chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Nhật Linh – Chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam chia sẻ, UDL là phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi, hướng tới xây dựng môi trường học tập có tính tiếp cận cao và khuyến khích sự tham gia vào bài học của tất cả học sinh, bao gồm cả trẻ khuyết tật.

Bằng cách tích hợp các phương pháp giảng dạy linh hoạt, lộ trình học tập được cá nhân hóa cùng với nhiều phương tiện kích thích sự tương tác của trẻ, UDL thúc đẩy chiều kích công bằng và hòa nhập trong lớp học.

UDL không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ khuyết tật nói riêng mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm học tập cho tất cả học sinh nói chung, thông qua việc đáp ứng nhu cầu và phong cách học tập đa dạng các em học sinh.

 PGS.TS Phan Thanh Long – Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội báo cáo đề dẫn hội thảo.

PGS.TS Phan Thanh Long – Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội báo cáo đề dẫn hội thảo.

PGS.TS Phan Thanh Long – Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, Hội thảo nhận được hơn 50 bài viết tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Chủ đề của Hội thảo được các nhà khoa học khai thác từ nhiều góc độ khác nhau; trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính: Chính sách đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục hòa nhập; Ứng dụng UDL trong giáo dục hòa nhập; giáo dục đáp ứng sự đa dạng của trẻ khuyết tật trong môi trường hòa nhập.

Minh Phong

Ảnh: Thanh Tùng/TTX.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhu-cau-hoc-tap-da-dang-cua-tre-khuyet-tat-van-la-nhiem-vu-thach-thuc-post711864.html
Zalo