Chậm đóng bảo hiểm: Công khai danh sách các đơn vị kéo dài

11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.654/4.107 doanh nghiệp (DN) chậm đóng các loại hình bảo hiểm với tổng số tiền chậm lên đến 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý.

 Bà Bùi Thị Thu Lý, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Bà Bùi Thị Thu Lý, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Thị Thu Lý cho biết: Tính đến hết tháng 11/2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 335.141 triệu đồng, tăng 44.334 triệu đồng so với tháng trước, chiếm 8,35% so với tổng số thu theo kế hoạch giao của BHXH Việt Nam. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi là 180.168 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 4,49% so với tổng số thu theo kế hoạch giao của BHXH Việt Nam. Tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi được BHXH Việt Nam giao đến hết năm 2024 là 3,74%.

Vậy, theo bà, tình trạng chậm này là do đâu?

Mặc dù cơ quan BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, như đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra, làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động của Tổ thu chậm đóng BHXH liên ngành, công khai danh sách đơn vị chậm đóng, giảm giá trị sử dụng thẻ BHYT…, song tình trạng chậm đóng của các doanh nghiệp (DN) vẫn xảy ra. Đến nay, toàn tỉnh có 1.654/4.107 DN chậm đóng BHXH, BHYT; trong đó, có 549 đơn vị không còn lao động. Có nhiều DN chậm đóng kéo dài (nhiều nhất lên đến 163 tháng là DNTN Đá GRANITE Bảo Nhân). Khó khăn hơn đó là ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình để chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tồn đọng, kéo dài; tình hình sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện việc trích nộp hàng tháng theo quy định… Mặt khác, nhiều đơn vị tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất, kinh doanh; phá sản, giải thể, mất tích nên không có khả năng tài chính đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn tới chậm đóng khó thu.

 Để giảm tình trạng chậm đóng bảo hiểm, BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị chủ sử dụng lao động (ảnh minh họa)

Để giảm tình trạng chậm đóng bảo hiểm, BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị chủ sử dụng lao động (ảnh minh họa)

Từ tháng 7/2024 đến nay, nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp (như các trung tâm y tế, trường học...) đang chi trả lương cho người lao động theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng nên hàng tháng, đơn vị chuyển nộp tiền BHXH, BHYT trên mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, dẫn đến số tiền chậm đóng tăng lên (tổng số đơn vị bị ảnh hưởng là 293 đơn vị, với tổng số tiền: 25.543 triệu đồng) làm tăng thêm số tiền chậm đóng.

Chậm đóng BHXH không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ quan BHXH mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động, vậy cụ thể như thế nào, bà có thể nói rõ?

Thực tế cho thấy, việc các công ty, DN chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, hay trốn hoặc không tham gia thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BHTN sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) khi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình làm việc sẽ không được giải quyết.

Nhiều NLĐ làm việc ở công ty cũ không được chốt sổ BHXH do công ty chậm đóng BHXH. Vậy khi đi làm ở công ty mới có được đóng BHXH không và việc không chốt sổ có ảnh hưởng gì tới các chế độ hưởng như ốm đau, thai sản, thất nghiệp sau này không, thưa bà?

Điều 21 của Luật BHXH năm 2024 quy định: Khi chấm dứt hợp đồng lao động DN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ BHXH cho NLĐ. Theo Điểm 1.2, Khoản 72 Điều 1 của Quyết định số 505 năm 2020: Đối với DN chậm đóng tiền BHXH nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì DN có trách nhiệm: đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN... Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Như vậy, NLĐ vẫn có thể được chốt sổ bảo hiểm khi DN chậm đóng tiền đóng BHXH. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp DN cố tình không đóng đủ tiền BHXH, BHTN, BHTNLĐ - BNN dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm của NLĐ. Để bảo vệ quyền lợi của mình, NLĐ có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi DN đặt trụ sở chính, hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi DN đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của DN.

Ngoài ra, căn cứ mã số BHXH đã được cấp, NLĐ cung cấp cho đơn vị mới chuyển đến để thực hiện kê khai và đăng ký tham gia BHXH, BHYT tại đơn vị mới. Việc không chốt sổ BHXH thì NLĐ sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc tại đơn vị.

Để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, bà có thể cho biết những giải pháp cũng như kế hoạch để đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH?

Về trách nhiệm của các bên có liên quan thì trong Luật BHXH đã quy định rõ: Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải đóng BHXH cho NLĐ và hàng tháng phải trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Luật BHXH cũng quy định giao trách nhiệm tổ chức thu BHXH cho cơ quan BHXH. Như vậy có thể thấy, trách nhiệm trước tiên thuộc về của người sử dụng lao động trong việc chấp hành đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ đúng thời gian quy định và cũng như việc trích nộp tiền đóng hàng tháng cho cơ quan BHXH. Bên cạnh đó cũng phải nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp là trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho NLĐ. Việc các DN cố tình trốn đóng, chậm đóng là đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật BHXH làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo và duy trì tình hình an sinh xã hội trên địa bàn do quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo khi hết tuổi lao động, làm nảy sinh thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, thời gian vừa qua cơ quan BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT; trong đó, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng tiền BHXH, BHYT tử 3 tháng trở lên.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa đó là tăng cường công tác truyền thông các chính sách BHXH, BHYT đến các DN để chủ sử dụng lao động nắm và hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên đã được quy định cụ thể trong luật; phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, đối chiếu đôn đốc đơn vị, DN trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH, đồng thời công khai danh tính các đơn vị chậm đóng tiền BHXH, BHYT kéo dài trên các trang thông tin điện tử.

Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!

Thanh Hương (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/cham-dong-bao-hiem-cong-khai-danh-sach-cac-don-vi-keo-dai-149147.html
Zalo