Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông: một trong những giải pháp để hạn chế vi phạm
Theo các chuyên gia, việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn.
Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông đến hàng chục lần
Từ ngày mai, nhiều lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, mở cửa xe gây tai nạn giao thông, chở hàng không chằng buộc sẽ bị tăng mức phạt hàng chục lần so với hiện hành.
Thông tin được nêu trong Nghị định 168/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025. Nghị định 168 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2020, Nghị định 123/2021.
Tại Nghị định 168, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt.
Cụ thể, tài xế ôtô tham gia giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành là 4-6 triệu đồng.
Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100ml máu sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng.
Đặc biệt, đối với hành vi vượt đèn đỏ, đây được coi là một trong những hành vi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông. Nghị định 168 quy định mức phạt rất nặng.
Đối với trường hợp người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều trên đường một chiều sẽ bị phạt từ 18 đến 20 triệu (tăng gấp 4 lần so với trước đây). Đối với xe máy, mức phạt từ 6 đến 8 triệu (tăng gấp 8 lần so với trước đây).
Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp từ 3 đến 30 lần so với hiện hành.
Các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi xe máy vào đường cao tốc cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng gấp 2-3 lần.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông và tai nạn, ùn tắc, nhất là tại các thành phố lớn vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó tình trạng vi phạm giao thông vẫn phổ biến nên cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông.
Bởi thế, Ban soạn thảo Nghị định sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được và tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã nhận thấy "cần tăng mức xử phạt đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe". Đặc biệt là với một số nhóm hành vi vi phạm có lỗi cố ý nguy hiểm, trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Một trong số này là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc, chạy lạng lách, đánh võng, rải vật sắc nhọn...
Một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm
Về việc tăng mức xử phạt, trước đó, trong buổi tọa đàm "Tăng mức phạt vi phạm giao thông - Giải pháp hạn chế tai nạn", đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, một bộ phận người dân vẫn xem nhẹ luật lệ giao thông là một phần lý do để Bộ Công an thực hiện xây dựng nghị định, quy định về xử phạt vi phạm về hành chính, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cơ quan soạn thảo cũng dựa trên rất nhiều yếu tố, và trong đó, việc nghiên cứu thực tế, thực trạng hoạt động trật tự an toàn giao thông, những vi phạm giao thông ngang nhiên xảy ra.
“Đơn cử, chỉ tại một nút giao thôi, ngay cả khi có Cảnh sát giao thông, nhưng vào giờ cao điểm, khi lực lượng chức năng còn đang phải căng mình điều tiết giao thông, một bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông vẫn sẵn sàng không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đi ngược chiều...” – theo đại tá Nguyễn Quang Nhật.
Họ chỉ vì những lợi ích rất nhỏ trước mắt, họ vì sự tùy tiện của mình, vì sự tiện lợi của bản thân, mà cho rằng có thể bỏ qua được việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Rồi cũng tại những nút giao đó, tại những thời điểm thấp điểm, những lúc không có lực lượng chức năng, người dân cũng sẵn sàng vượt đèn đỏ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông hết sức đau lòng.
Không chỉ những hành vi như không chấp hành hiệu lệnh hay đi ngược chiều, mà ở đường phố, ngay cả trên đường cao tốc, những nơi mà những phương tiện được chạy tốc độ cao lên tới 120km/h, người dân vẫn sẵn sàng quay đầu xe, đi ngược chiều, đi lùi xe..., thậm chí đi ngược chiều ở làn tốc độ cao nhất.
“Chúng tôi nghĩ rằng, một bộ phận những người tham gia giao thông không có ý thức, đấy là tình trạng đáng báo động, tình trạng cần phải tổ chức thiết lập kỷ cương, ngăn chặn kịp thời, không để những hành vi này có thể tiếp tục nảy nở, phát triển” - đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Còn luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng Luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho rằng, hành vi vi phạm giao thông của người dân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Để giảm thiểu cần phải thực hiện đồng bộ với rất nhiều giải pháp và trong đó có việc nâng cao cơ sở hạ tầng về giao thông và tích cực tuyên truyền. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp khác như nâng cao, cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế, phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn.
“Tôi đồng tình với việc xử phạt nghiêm, nặng đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc ví dụ như đi ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao và rất nguy hiểm” - luật sư Lê Hồng Hiển nói.