Cha mẹ cần giúp con cảm thấy 'không đơn độc' trong hành trình chống lại bạo lực

Mới đây, tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TPHCM), hình ảnh một nhóm nữ học sinh dùng tay, chân, mũ bảo hiểm đánh bạn tới tấp khiến dư luận rất phẫn nộ. Nếu con là nạn nhân của bạo lực học đường, cha mẹ có thể làm gì để kịp thời hỗ trợ con?

 Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

ThS Công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh - Giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TW Hội Nông dân Việt Nam; Tổng đài trưởng Đường dây nóng 18001768 của Hội Nông dân Việt Nam - hỗ trợ Phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới/bạo lực gia đình đã có những chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam xoay quanh nội dung này:

ThS Công tác Xã hội Nguyễn Hiền Minh (bìa trái)

ThS Công tác Xã hội Nguyễn Hiền Minh (bìa trái)

- Nhiều cha mẹ chỉ tập trung vào việc đòi công bằng hoặc xử lý hành vi sai của học sinh gây bạo lực mà quên mất tổn thương tâm lý của con mình. Vậy khi biết con bị bạo lực học đường, cha mẹ nên làm gì để không khiến con thêm hoảng loạn hoặc cảm thấy tội lỗi, xấu hổ?

Đây là tình huống rất hay gặp trong thực tế bởi cha mẹ nào cũng xót con và thương con. Khi biết con bị tổn thương, đặc biệt là do người khác gây ra, cha mẹ phản ứng như một cách bảo vệ, gần như theo bản năng.

Thậm chí có cha mẹ sẽ cảm thấy sốc, tức giận, phẫn nộ… và điều đó khiến họ phản ứng mạnh, khó giữ bình tĩnh với chính con mình và những người liên quan. Tuy nhiên cha mẹ cần nhớ rằng, phản ứng đầu tiên của cha mẹ có thể quyết định con có cảm thấy an toàn để chia sẻ tiếp hay không, có thể khiến con sợ hãi thêm và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục tâm lý sau này. Cha mẹ cần nhớ, khi con vừa chia sẻ rằng mình bị đánh, bị bạo lực, bị cô lập, dù lý do là gì, thì cảm xúc của trẻ lúc đó vẫn là sợ hãi, xấu hổ, tổn thương. Do vậy việc ưu tiên lúc này là hỗ trợ con về tâm lý và một số việc cha mẹ cần thiết nên làm lúc này đó là:

- Bình tĩnh và lắng nghe: Cha mẹ cần chấn an con để con ổn định tinh thần và kể lại sự việc, trong quá trình đó cha mẹ đừng ngắt lời mà hãy chú ý lắng nghe để hiểu sự việc, không phán xét đúng sai gì vội và hãy thể hiện sự thấu hiểu với con để con cảm thấy được chấp nhận cảm xúc và an toàn chia sẻ hết câu chuyện.

- Cha mẹ cần giúp con cảm thấy con "Không đơn độc" trong hành trình chống lại bạo lực, bất công bằng lời khẳng định: Dù có vì điều gì thì không ai có quyền bạo lực với con cả, cha mẹ sẽ ở bên con và cùng con tìm cách giải quyết vấn đề này.

- Trong nhiều trường hợp, cha mẹ vô tình khiến con tổn thương thêm lần nữa khi hỏi: "Con đã làm gì để bị đánh?", "Tại sao không phản kháng?", điều này ảnh hưởng thế nào đến khả năng phục hồi tâm lý của trẻ?

Đôi khi trẻ không phải lúc nào cũng là "nạn nhân hoàn toàn vô can", và đúng là trong nhiều trường hợp, con cũng có những hành vi chưa phù hợp, góp phần vào mâu thuẫn dẫn tới bạo lực học đường. Tuy nhiên, ngay khi vừa biết chuyện, để hỗ trợ tâm lý cho con, cha mẹ tránh đổ lỗi hoặc hỏi những câu chất vấn con kiểu như: Sao con không nói chuyện này sớm cho bố mẹ? Con làm gì mà để người ta đánh? Sao không biết đường phản kháng/tìm người trợ giúp?... Những câu hỏi chất vấn này gây tác động tâm lý tiêu cực cho trẻ và có thể khiến trẻ cảm thấy mình có lỗi khi không phản ứng đúng, không biết cách làm gì đúng trong tình huống đó.

Nữ học sinh bị đánh hội đồng dẫn đến chấn thương

Nữ học sinh bị đánh hội đồng dẫn đến chấn thương

Những suy nghĩ đó khiến trẻ thêm tự ti về bản thân và cảm nhận giá trị của mình thấp đi, ảnh hưởng đến sự phục hồi tâm lý sau này. Ngoài ra, kiểu câu hỏi chất vấn, trách móc trẻ sẽ khiến con không dám tiếp tục chia sẻ và chấp nhận thà im lặng còn hơn nói với cha mẹ để nhận thêm sự mệt mỏi căng thẳng. Đặc biệt với câu hỏi "Con đã làm gì để bị đánh?" giống như một nhát dao tiếp tục cứa thêm vào vết thương cả thể chất và tinh thần của con. Câu hỏi đó nhắc con phải tự vấn lại bản thân mình, tự hình dung, hồi tưởng lại tất cả để tìm ra câu trả lời sự việc có nằm ở phía con không? Sự hồi tưởng đó chính là những trải nghiệm tồi tệ khiến con càng thêm tổn thương sâu sắc hơn, gây khó khăn cho quá trình hồi phục tâm lý.

Việc bị bắt nạt đã là một cú sốc nhưng nếu sau đó, chính người thân yêu lại khiến trẻ cảm thấy bị trách móc, xấu hổ hay không được tin tưởng, thì đứa trẻ sẽ chịu thêm "tổn thương thứ hai"/"tổn thương kép" - từ phía gia đình, và tổn thương từ người thân thường khó phục hồi hơn tổn thương từ người ngoài.

- Sau sang chấn, trẻ thường trở nên im lặng, tách biệt hoặc không muốn nói chuyện về sự việc. Làm thế nào để cha mẹ nhận biết những dấu hiệu sang chấn tiềm ẩn ở con?

Không phải trẻ nào cũng có thể gọi tên được cảm xúc hay trải nghiệm đau thương của mình. Đặc biệt là trẻ nhỏ - các em thường biểu hiện sang chấn qua hành vi và cảm giác cơ thể, chứ không phải qua lời kể. Việc chờ con lên tiếng có thể khiến cha mẹ bỏ lỡ "thời gian vàng" để can thiệp tâm lý, do vậy cha mẹ cần có sự quan tâm và quan sát để nhận biết các dấu hiệu sang chấn tiềm ẩn ở con.

Một số dấu hiệu về hành vi cha mẹ cần lưu ý như: Trẻ có vẻ không muốn đi học; tránh né khi được hỏi về trường học, bạn bè hoặc người liên quan đến sự việc. Nếu cha mẹ gặng hỏi quan tâm trẻ có thể nói những câu như: "Không sao đâu", "Con không muốn nói", "Con quên rồi", nhưng ngôn ngữ cơ thể từ ánh mắt, giọng nói, biểu hiện nét mặt thì ngược lại. Nhiều trường hợp trẻ có thể có hành vi gây hấn với trẻ khác nhỏ hơn hoặc em nhỏ trong nhà để "diễn lại" cảm giác mình từng trải qua như một cách giải tỏa, cảm thấy mình có quyền lực. Nếu trẻ bị bắt nạt trên môi trường internet, cũng có thể trẻ không dùng internet, sợ mạng xã hội và không dùng nữa.

Một số biểu hiện cảm xúc của trẻ như thay đổi cảm xúc đột ngột như trẻ vốn vui vẻ bỗng trở nên im lặng, hay cáu gắt, nhạy cảm hoặc dễ khóc. Hoặc trẻ có thể hay nổi nóng vô cớ, dễ bị kích động hoặc rơi vào trạng thái thờ ơ, vô cảm… là những dấu hiệu tâm lý, cảm xúc quan trọng không thể bỏ qua.

Về dấu hiệu cơ thể, một số trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống. Trẻ có thể mất ngủ, hay gặp ác mộng, giật mình giữa đêm, không muốn đi ngủ. Trẻ cũng có thể ăn ít đi rõ rệt hoặc bỏ bữa.

Không phải đứa trẻ nào cũng có thể nói hoặc diễn tả được bằng lời sự tổn thương của mình. Do vậy cha mẹ cần dùng "trái tim quan sát" thay vì chỉ dùng tai để nghe và nhạy cảm với những thay đổi nhỏ - vì đó có thể là tín hiệu đầu tiên con đang cần được giúp đỡ.

- Ngoài việc trò chuyện và an ủi, cha mẹ có thể giúp con xây dựng lại cảm giác an toàn, lòng tự trọng và niềm tin vào xã hội như thế nào sau khi con trải qua sự sỉ nhục công khai như bị đánh giữa đám đông, bị quay clip và phát tán lên mạng?

Trẻ bị bạo lực công khai hay bị nói xấu, bêu riếu trên mạng đều phải gánh chịu tổn thương tâm lý sâu sắc, kéo dài và dễ tái sang chấn, không chỉ vì vụ bạo lực đó mà còn là ảnh hưởng sau đó vì trẻ sẽ có cảm giác bị mất quyền kiểm soát, mất danh dự, và bị cô lập, tò mò, cười nhạo hoặc thậm chí là thương hại, trước ánh nhìn của nhiều người. Để giúp con phục hồi lại sự cân bằng tâm lý, cha mẹ cần kiên nhẫn giúp con từng bước lấy lại niềm tin vào bản thân và thế giới xung quanh.

- Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Việc cha mẹ có thể làm ngay khi con là nạn nhân của bạo lực:

+ Khôi phục lại cảm giác an toàn trong nội tâm bằng việc giúp con cảm nhận con đang ở nơi an toàn là gia đình với cha mẹ và người thân luôn bên con cùng mọi hoạt động sinh hoạt ổn định. Tôn trọng sự im lặng của con khi con chưa sẵn sàng và luôn để ngỏ cánh cửa trò chuyện, không cố gắng hỏi và khơi gợi lại chuyện buồn đó.

+ Giúp con khôi phục lại lòng tự trọng, tự tin vào bản thân. Nhiều trẻ sau sự việc bị bạo lực, bắt nạt sẽ sinh ra cảm giác tự ti, đánh giá thấp bản thân, trẻ dễ gắn hình ảnh bản thân với cảm giác "yếu đuối", "xấu hổ", "kém cỏi", "bị coi thường". Do vậy bằng việc tạo điều kiện cho con thực hiện những hoạt động con thích, con làm tốt và có thể thực hiện tốt bằng sự hỗ trợ thêm của cha mẹ sẽ từng bước giúp trẻ lấy lại cảm giác thành công và tin vào giá trị bản thân.

+ Giúp con khôi phục lại niềm tin vào xã hội, về lòng tốt và sự tử tế. Việc bị bạo lực hoặc làm nhục trước đám đông hay trên mạng dễ khiến trẻ mất niềm tin vào xã hội và những người xung quanh. Trẻ có thể nghĩ tiêu cực về những người quanh mình và nghĩ ai cũng sẵn sàng cười nhạo mình. Do vậy cha mẹ nên cho con tiếp xúc với những người bạn tốt, những người lớn tử tế – nơi con được lắng nghe, được là chính mình. Có thể nhờ chuyên gia tâm lý nói chuyện cùng con – không phải để "trị liệu", mà để giúp con thấy "vẫn có người hiểu và đồng hành cùng mình".

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cha-me-can-giup-con-cam-thay-khong-don-doc-trong-hanh-trinh-chong-lai-bao-luc-20250413231407013.htm
Zalo