Cha là người nước ngoài, đặt tên con bằng tiếng nước ngoài được không?
Dù cha hoặc mẹ là người nước ngoài nhưng con lại mang quốc tịch Việt Nam thì vẫn phải đặt tên con theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tôi và chồng kết hôn năm 2023, chồng tôi là người Tây Ban Nha. Hiện tại chúng tôi đang cùng nhau sinh sống, làm việc tại Việt Nam và chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng.
Xin hỏi, chồng tôi là người nước ngoài thì có thể đặt tên con bằng tiếng nước ngoài không?
Bạn đọc Tran Dan Khanh (TP.HCM)

Dù cha hoặc mẹ là người nước ngoài nhưng con mang quốc tịch Việt Nam thì vẫn phải đặt tên con theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ảnh: HUỲNH THƠ
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Bên cạnh đó, Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015 và hướng dẫn sau:
Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Họ, chữ đệm và tên được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán.
Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam. Không có quy định nào bắt buộc người mang quốc tịch Việt Nam phải có họ tên thuần Việt.
Trong thực tế rất nhiều trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, mang quốc tịch Việt Nam, vẫn được UBND xã/phường đăng ký khai sinh với họ và tên nước ngoài, như Daniel Smith (cha người Mỹ, mẹ người Việt), Sophia Kim (cha người Hàn Quốc, mẹ người Việt), Lucas Tan (cha người Singapore, mẹ người Việt).
Trong giấy khai sinh, phần ghi quốc tịch của con vẫn là Việt Nam; họ tên bằng tiếng nước ngoài không ảnh hưởng đến quốc tịch.
Do đó, cha là người nước ngoài, mẹ là người Việt Nam, con mang quốc tịch Việt Nam thì người con vẫn được phép mang họ và tên nước ngoài (theo cha) nếu cha mẹ có thỏa thuận như vậy. Cơ quan hộ tịch sẽ ghi theo thỏa thuận của cha mẹ được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh.
Lưu ý, tên nước ngoài phải dùng bảng chữ cái Latinh (do hệ thống hộ tịch Việt Nam chỉ chấp nhận chữ Latinh); tên không được vi phạm điều cấm của pháp luật (không được phản cảm; không được trái thuần phong, mỹ tục)...