Sếp Thaco, Vingroup, Hòa Phát cam kết gì với Thủ tướng?
Chủ tịch Thaco, Hòa Phát nói sẽ tham gia vào các dự án đường sắt đô thị, trong khi Vingroup hứa tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.
![Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51439276/edf4ed1ad954300a6945.jpg)
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại phiên họp giữa Thường trực Chính phủ và đại diện 26 tập đoàn, doanh nghiệp ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi.
Người đứng đầu Chính phủ mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công mạnh dạn đóng góp ý kiến tại hội nghị với tinh thần chân thành, thẳng thắn.
Thaco sẽ tham gia dự án đường sắt đô thị
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết các ngành mà Thaco đang làm sẽ cố gắng để đóng góp vào mục tăng trưởng 8% của cả nước năm nay và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, ông Trần Bá Dương cam kết tập trung tham gia làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng.
"Tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành", ông Trần Bá Dương nói tại hội nghị.
Đặc biệt, Chủ tịch Thaco hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm.
Ông cũng cam kết các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động hiện có của doanh nghiệp.
Về nông nghiệp, ông nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên và đặt kỳ vọng mô hình này sẽ giúp đất nước trở thành một quốc gia sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển.
Đối với logistics, Thaco đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên. Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng.
"Nếu thể chế làm nhanh và có đặc thù, thì tôi hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng đến đầu năm 2026 đưa vào vận hành. Khi vận hành, công ty cũng đầu tư 2 tàu có trọng tải 1.800 TEUs để kết nối từ Chu Lai đi thẳng qua Thượng Hải, từ đó đi châu Âu, đi Mỹ, đi Trung Quốc, đi Hàn Quốc, Nhật Bản", vị lãnh đạo nêu.
Trong đầu tư xây dựng, doanh nghiệp đã hoàn thành cầu Ba Son kết nối từ trung tâm TP.HCM sang Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). 4 tuyến đường đã hoàn thành cơ bản, chỉ còn vướng mặt bằng. Trong năm 2025 này, với tháo gỡ rất quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp cố gắng đồng hành cùng TP.HCM để triển khai nhanh chóng.
Lãnh đạo Thaco cam kết cố gắng vừa làm tốt, không tiêu cực và cũng không lãng phí để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng và khai thác các quỹ đất.
"Thông qua hội nghị này, tôi xin hứa với Chính phủ là chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực phát huy để trong thời gian tới, cùng với các định hướng mạnh mẽ và quyết liệt về phát triển đất nước, chúng tôi sẽ có những đóng góp nhất định", Chủ tịch Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Hòa Phát đầu tư 10.000 tỷ đồng làm nhà máy sản xuất ray đường sắt
Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho rằng kế hoạch đầu tư công 2025-2030 của Chính phủ với những dự án như đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.
"Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có một văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án", ông Trần Đình Long kiến nghị.
Chủ tịch Hòa Phát cũng cam kết đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm dự án.
"Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu", ông khẳng định.
![Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát hứa sẽ đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51439276/c9bfca51fe1f17414e0e.jpg)
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát hứa sẽ đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Đặc biệt, ông Trần Đình Long cam kết trong giai đoạn 2025- 2030, Hòa Phát sẽ phát triển tối thiểu 15%.
Hiện, Việt Nam có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê, trong đó Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Vị Chủ tịch đề xuất triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.
Vingroup tiên phong thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho hay những năm qua, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.
Điển hình là VinFast, một dự án mà tập đoàn kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
Để phát triển bền vững, kích cầu tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng. Đại diện Vingroup cho biết đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Tuy nhiên ông cho rằng sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn đẩy nhanh quá trình này.
"Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện, hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm, sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường", lãnh đạo Vingroup nói.
![Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51439276/7a9f7471403fa961f02e.jpg)
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, mới đây Vingroup cũng đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, Vin Motion.
Nhận thấy quá trình phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, ông Quang đề xuất cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện.
Đồng thời, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO), xây dựng - chuyển giao (BT).
"Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Vingroup cam kết đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước", lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.